Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Mỹ áp đặt trừng phạt Iran: Những biến động khó lường

Kể từ ngày 5-11, đợt trừng phạt kinh tế được xem là mạnh tay nhất từ trước đến nay của Mỹ đối với Iran bắt đầu có hiệu lực, trong đó có các biện pháp nhằm vào lĩnh vực đóng tàu, vận tải, ngân hàng và đặc biệt là xuất khẩu dầu mỏ.  

Dầu mỏ của Iran có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu.

Bộ Tài chính Mỹ cho biết, Washington liệt hơn 700 cá nhân và thực thể vào danh sách trừng phạt liên quan đến Iran. Bộ này cũng đã phát đi cảnh báo tới mạng kết nối ngân hàng toàn cầu SWIFT về nguy cơ đối mặt với các biện pháp trừng phạt của Mỹ nếu cung cấp dịch vụ cho các thực thể Iran có tên trong “danh sách đen” của Mỹ. Đối với dầu mỏ, Mỹ nêu rõ ý định chặn hoàn toàn nguồn thu từ lĩnh vực này của Iran. Tuy nhiên, Washington vẫn tạm thời cho phép 8 quốc gia tiếp tục mua dầu từ Tehran trong thời gian tìm nguồn cung thay thế.

Các nhà phân tích nhận định, các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào nguồn thu từ dầu mỏ rất quan trọng đối với Iran, song sẽ gây hậu quả lớn đối với nguồn cung dầu mỏ của thế giới, bởi Iran là nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ 3 trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Mặc dù Saudi Arabia, nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, tuyên bố có thể bù đắp sự thiếu hụt nguồn dầu mỏ từ Iran nhưng nhiều ý kiến cho rằng điều này là khó, bởi hiện tại nước này sản xuất trung bình dưới 11 triệu thùng/ngày và chỉ có thể tăng tối đa lên 12 triệu thùng/ngày. Sự khan hiếm có thể khiến giá dầu vượt ngưỡng 100 USD/thùng vào đầu năm sau, dẫn tới việc Iran đương nhiên lại hưởng lợi.

Các dự báo cũng quan ngại rằng, lượng dầu xuất khẩu của Iran sụt giảm (có thể tới 2/3) sẽ dẫn tới những khó khăn về trung và dài hạn, thậm chí khiến nền kinh tế nước này suy giảm 3% trong năm nay và 4% vào năm 2019. Tuy nhiên, với nội lực của chính mình và sự ủng hộ của một số quốc gia khác, Tehran vẫn có khả năng vượt qua khó khăn, thậm chí duy trì lượng dầu xuất khẩu tới 1 triệu thùng/ngày. Hiện nay, Liên minh châu Âu, Pháp, Đức, Anh và nhiều đồng minh của Mỹ đã lên tiếng, chỉ trích gay gắt Washington về việc áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt, đồng thời cam kết bảo vệ các doanh nghiệp châu Âu làm ăn hợp pháp với Tehran. Những khách hàng lớn mua dầu mỏ của Iran như Trung Quốc, Ấn Độ hay Thổ Nhĩ Kỳ được cho là sẽ không chấp nhận cắt đứt quan hệ với Tehran, mà nhiều khả năng có sự điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.

Trung Quốc hiện là khách hàng dầu mỏ lớn nhất của Iran, nhập khẩu khoảng 500.000 đến 800.000 thùng/ngày. Nga cũng đang thực hiện thỏa thuận năm 2014 về việc bán dầu của Iran cho các bên thứ ba, trong khi Tehran sử dụng doanh thu đó để thanh toán cho hàng hóa và dịch vụ của Nga. Bộ trưởng Bộ Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết, Mátxcơva sẽ hỗ trợ Iran chống lại các biện pháp trừng phạt dầu mỏ của Mỹ và hoạt động thương mại dầu mỏ song phương sẽ tiếp tục vào tuần tới. Thực tế này củng cố cho những nhận định của Thứ trưởng Dầu mỏ Iran Ali Kardor về vai trò quan trọng của dầu mỏ Iran trên thị trường dầu mỏ thế giới, mà việc Mỹ miễn trừ lệnh trừng phạt cho 8 nước nhập khẩu dầu mỏ của Iran là minh chứng rõ nét.

Bản thân Iran cũng không tỏ ra quan ngại về việc Mỹ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt. Đại Giáo chủ Ali Khamenei cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã "phá hỏng" uy tín của Washington, trong khi Đại sứ Iran tại Liên hợp quốc Gholamali Khoshroo nhận định, Mỹ đang tạo sóng gió trong hệ thống thương mại quốc tế bằng việc đơn phương trừng phạt các quốc gia khác.

Theo giới quan sát, bước đi mới của Mỹ thể hiện sự cứng rắn của chính quyền Tổng thống D.Trump đối với vấn đề Iran. Tuy nhiên, điều đó có thể phá vỡ cơ chế hợp tác và các thỏa thuận đa phương dẫn tới những biến động khó lường, gây ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu.

Nguồn tin: hanoimoi.com.vn

ĐỌC THÊM