Cuộc không kích Syria do Mỹ và các đồng minh Anh, Pháp tiến hành ngày 14/4 đã củng cố sự lo ngại của thị trường về tình trạng bất ổn ở Trung Đông, vốn đã đẩy giá dầu tăng trong tuần qua.
Theo mạng tin Fortune ngày 15/4, cuộc không kích Syria do Mỹ và các đồng minh Anh, Pháp tiến hành ngày 14/4 đã củng cố sự lo ngại của thị trường về tình trạng bất ổn ở Trung Đông, vốn đã đẩy giá dầu tăng trong tuần qua.
Cùng với việc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và một số quốc gia sản xuất dầu mỏ khác cắt giảm sản lượng khai thác dầu, các nhà phân tích nhìn chung cho rằng giá dầu sẽ tăng ổn định sau 3 năm trầm lắng, thậm chí có thể tăng mạnh nếu tình hình ở Syria trở nên nghiêm trọng hơn.
Giá dầu thô đã tăng đều ngay từ trước khi Mỹ, Anh, Pháp phát động không kích, cụ thể là tăng 2% lên 66,82 USD/thùng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ý định sẽ hành động ở Syria. Chiều 13/4, thị trường đã chứng kiến các mức tăng giá kỷ lục ở các mặt hàng chủ chốt.
Cụ thể, dầu Brent tăng 56 cent, lên mức 72,58 USD/thùng, tính chung cả tuần tăng 5,48 USD, trong khi dầu thô ngọt nhẹ tăng 32 USD lên 67,39 USD/thùng. Như vậy cả hai loại đều tăng 8% trong tuần qua, mức tăng tuần cao nhất kể từ tháng 7/2016.
Cũng trong ngày 13/4, một báo cáo của Hiệp hội năng lượng quốc tế đánh giá lạc quan về giá dầu trong dài hạn, không chỉ dựa vào tình hình Syria, mà còn do khả năng sẽ tiếp tục gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng đến năm 2019.
Một lưu ý của JPMorgan cho rằng giá dầu Brent có thể tăng lên mức 80 USD/thùng nếu cuộc nội chiến ở Syria mở rộng.
Phản ứng của Nga cho đến nay khiến cho cuộc chiến tại Syria khó có thể leo thang, tuy nhiên còn quá sớm để chắc chắn về vấn đề này. Nhưng ngay cả khi điều tồi tệ nhất xảy ra, giá dầu có vẻ như sẽ không thể quay trở lại mức như năm 2014, khi dầu Brent dao động quanh mức 110 USD/thùng.
Dù nền kinh tế toàn cầu đang phát triển liên tục, các nguồn năng lượng thay thế bao gồm khí đốt tự nhiên sẽ tiếp tục làm giảm nhu cầu dầu mỏ./.
Nguồn tin: Bnews