Đề xuất tăng mạnh thuế môi trường với xăng từ mức 1.000 - 4.000 đồng/lít lên mức 4.000 - 8.000 đồng/lít của Bộ Tài Chính đang gây phản ứng mạnh trong dư luận.
Có hai lý do chính, thứ nhất trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế trong nước đang có dấu hiệu chậm lại, thấp nhất trong vòng vài năm trở lại đây, liệu việc tăng thuế môi trường đồng nghĩa với tăng giá tại thời điểm này có hợp lý ? Thứ hai, và cũng là điều bị dư luận phản ứng mạnh nhất, đó là tiền thu từ thuế môi trường thì lớn mà chi cho bảo vệ môi trường lại rất nhỏ.Theo đó, năm 2015 chỉ chi 11.400 tỷ/27.020 tỷ đồng thuế bảo vệ môi trường thu được, năm 2016 chi 12.290 tỷ/ 42.393 tỷ đồng thu được.
Song bất ngờ hơn, lý giải về điều này, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Chính sách thuế, Bộ Tài Chính lại cho rằng : “Không có quy định nào nói thuế môi trường chỉ được chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường”. Ông Thi dẫn Luật Ngân sách nhà nước, và cho rằng, thuế môi trường là khoản thu của ngân sách nhà nước, và chi theo luật. Cũng theo ông Thi, tăng thuế bảo vệ môi trường là để phục vụ nhiều mục tiêu khác, như chủ động với diễn biến giá xăng dầu thế giới, đảm bảo lợi ích quốc gia khi thuế nhập khẩu giảm; cân bằng mức giá xăng dầu với các nước trong khu vực; đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững…, chứ không chỉ vì mỗi mục tiêu bảo vệ môi trường.
Hóa ra thứ thuế có tên gọi môi trường dành cho xăng dầu (chiếm tỷ trọng không hề nhỏ trong cơ cấu giá thành bấy lâu nay) này đang phải gánh trên vai quá nhiều nhiệm vụ trọng yếu khác, đâu chỉ riêng môi trường !
TS Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, điều này không giống với thông lệ quốc tế. Ở nhiều nước tiên tiến, tiền nào sẽ được dùng cho mục đích ấy. Như vậy người đóng thuế mới cảm thấy “thoải mái” khi chấp hành.
Nếu vậy, xin hãy dùng một tên gọi khác cho loại thuế này, không nên gọi là thuế môi trường nữa. Và dù bất kể tên gọi của nó ra sao, hàng chục triệu người đang đóng thuế cho mỗi lít xăng mình mua phải có quyền được biết hàng chục ngàn tỷ đồng họ đóng mỗi năm đã được chi tiêu cụ thể ra sao? Minh bạch chi tiêu tiền thuế môi trường xăng dầu là một đòi hỏi chính đáng của dư luận.
Bởi vậy, trước khi muốn tăng gấp đôi khung thuế môi trường với xăng, rất cần minh bạch cả về mục đích lẫn chi tiêu của loại thuế này trước công luận.
Nguồn tin: Tienphong