Saudi Arabia có thể đã giành chiến thắng chớp nhoáng trong cuộc chiến giá dầu với Nga, nhưng đổi lại nước này đã gây ra cú tụt dốc của ngành năng lượng giữa thời dịch bệnh COVID-19 bất chấp việc OPEC+ đạt thỏa thuận cắt giảm sản lượng.
Một cơ sở khai thác dầu của Nga trên biển Caspi. Ảnh: AFP/TTXVN
Dầu WTI (dầu thô ngọt nhẹ Tây Texas) kỳ hạn tháng 5 lần đầu tiên rơi xuống mức giá âm trong phiên giao dịch ngày 20/4, tại thời điểm dư thừa nguồn cung càng trầm trọng bởi cuộc chiến giá dầu được kích hoạt trong tháng 3.
Saudi Arabia, nước đầu tàu trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), đã cho tăng sản lượng khai thác lên mức kỉ lục trong tháng 3 và tháng 4, đưa ra mức chiết khấu lớn đối với khách hàng để trả đũa việc Nga từ chối giảm nguồn cung. Động thái này đã khiến thị trường năng lượng chao đảo, các mặt hàng giá rớt xuống ngưỡng thấp kỉ lục. Saudi Arabia cố gắng chịu đựng khó khăn về tài chính để khẳng định mình – rằng Riyadh khác với những đối thủ còn lại, có khả năng trụ vững trước giá dầu thấp trong nhiều năm.
Bất ổn thị trường cuối cùng cũng buộc Nga và nhiều nhà sản xuất dầu mỏ khác phải thoái lui, đưa đến thỏa thuận lịch sử về cắt giảm sản lượng gần 10 triệu thùng/ngày trong tháng 5 và tháng 6 tới.
Nhưng dầu thô vẫn tiếp tục chìm. Theo Cinzia Bianco, chuyên gia cao cấp tại Hội đồng châu Âu về Quan hệ đối ngoại (ECIR), thị trường năng lượng toàn cầu phải chấp nhận gần hai tháng giá dầu đứng ở mức đặc biệt thấp. Với thỏa thuận cắt giảm sản lượng lịch sử, Saudi Arabia đã giành chiến thắng trong cuộc chiến giá dầu. Nhưng một nguy cơ khác lại nổi lên: Thỏa thuận đã đến quá trễ và mức sản lượng cắt giảm là không đủ, không có dấu hiệu giá dầu sẽ tăng trưởng bền vững. Chính quyền Riyadh có lẽ đã khơi mào cho một thứ mà họ không còn đủ khả năng kiểm soát.
Một trạm xăng ở New York, Mỹ ngày 9/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Dầu WTI đã lại một lần nữa rơi xuống mức giá âm trong ngày 21/4 và sự đổ vỡ về giá này cho thấy những nỗi đau dài hạn của ngành năng lượng. Các nghị sĩ Mỹ đang tìm cách đổ tội Saudi Arabia khi đà lao dốc của dầu đẩy các nhà sản xuất của Mỹ đến phá sản. Thượng nghị sĩ Kevin Cramer cho rằng mức giá thấp khủng khiếp là minh chứng để Mỹ không cho phép Saudi Arabia bơm dầu ngập thị trường, nhất là trong bối cảnh khả năng cất trữ dầu tại Mỹ đang dần đi đến điểm giới hạn. Ông kêu gọi Tổng thống Trump ngăn chặn không cho dầu của Saudi Arabia đang ở trên các tàu chở dầu được cập cảng của Mỹ. Ý kiến này cũng nhận được sự ủng hộ của ông Trump, người tuyên bố rằng Mỹ hẳn nhiên đang có quá nhiều dầu và sẽ xem xét trường hợp từ chối dầu của Saudi Arabia.
Thượng nghị sĩ James Inhofe còn đi xa hơn khi yêu cầu chính quyền áp thuế đối với dầu nhập khẩu từ Saudi Arabia. Theo ông, chính Saudi Arabia và Nga tiếp tục làm lụt thị trường dầu mỏ, nhằm đánh sập các nhà sản xuất dầu, khí đốt của Mỹ để chiếm giữ thị phần năng lượng. Ông Inhofo yêu cầu Bộ trưởng thương mại Wibur Ross áp thuế dầu nhập khẩu từ hai nước này, nhằm trừng phạt Moskva và Riyadh.
Giới phân tích nhận định sự đổ vỡ của giá dầu sẽ gây ra những hệ quả sâu rộng, từ đánh tụt doanh thu của những nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ cho tới gây giảm phát toàn cầu, cản trở các dự án khai thác dầu. Nó cũng gây ra những vết thương lớn đối với các nước vùng Vịnh, kể cả nhà xuất khẩu hàng đầu là Saudi Arabia.
Tính tổng cộng, các nước vùng Vịnh chiếm khoảng 1/5 nguồn cung dầu thô toàn cầu, với thu nhập từ dầu chiếm đến 70-90% nguồn ngân sách. Dầu lao dốc cũng triệt tiêu các chương trình cải cách kinh tế tham vọng của Thái tử Mohammed bin Salman ở Saudi Arabia. Từ năm 2015 trở lại đây, năm nào Riyadh cũng công bố mức thâm hụt ngân sách. Chính quyền nước này đã phải vay nợ 100 tỉ USD và lấy nguồn dự trữ ngoại hối ra để bù đắp thâm hụt.
Cả Nga và Saudi Arabia đều đã đồng ý cắt giảm sản lượng ở mức kỉ lục, đưa sản lượng dầu khai thác của hai nước này chỉ ở ngưỡng 8,5 triệu thùng/ngày. Nhưng giới phân tích nhận định hai nước sẽ phải cắt giảm hơn nữa nếu giá tiếp tục đi xuống.
“Riyadh giờ đây có thể cảm thấy thỏa mãn vì đã khẳng định được ý chí và củng cố vị thế lãnh đạo thị trường dầu mỏ toàn cầu, buộc Nga phải chạy theo và trong tương lai chính sách của Nga sẽ cùng nhịp với chiến lược dầu của Saudi Arabia. Nhưng vở kịch còn chưa kết thúc và nguy cơ đối với Riyadh vẫn còn cao. Có thể Saudi Arabia sẽ phải trả một cái giá về chính trị”, ông Bianco bình luận.
Nguồn tin: baotintuc.vn