OPEC+ đã đảo ngược mục tiêu tăng sản lượng dầu của tháng này tại cuộc họp hôm thứ Hai và cắt giảm hạn ngạch chung của nhóm xuống 100.000 thùng mỗi ngày cho tháng 10.
Tuy động thái này hoàn toàn không đáng kể về nguồn cung thực tế cho thị trường, không chỉ xét đến sự thay đổi nhỏ trong mục tiêu tổng thể mà còn do nhóm các nhà sản xuất đang khai thác thấp hơn hạn ngạch 2,9 triệu thùng/ngày, nhưng các quyết định của OPEC+ đã gửi một thông điệp mạnh mẽ tới thị trường dầu mỏ rằng liên minh này sẵn sàng đáp ứng bất cứ lúc nào và quyết định bất kỳ mức cắt giảm nào mà họ cho là phù hợp để “ổn định” giá dầu.
Đó là một thông điệp gửi đến thị trường mà các nhà phân tích phần lớn đều hiểu là quyết tâm của liên minh và nước dẫn đầu trên thực tế, Ả Rập Xê Út, tiếp tục can thiệp vào thị trường và không để giá xuống quá thấp so với mức hiện tại.
Cuộc họp của OPEC+ hôm thứ Hai đã thông qua quyết định cắt giảm mục tiêu sản xuất dầu chung 100.000 thùng/ngày cho tháng 10, bất chấp việc Nga phản đối động thái đó. Trong một cuộc họp siêu ngắn nữa, các Bộ trưởng năng lượng của hiệp ước sản xuất OPEC+ đã đồng ý trở lại mức sản lượng mục tiêu như tháng 8, và tuyên bố mức tăng của tháng trước chỉ dự định cho tháng 9.
Nhưng quan trọng hơn, OPEC+ quyết định rằng họ có thể tổ chức một cuộc họp bất cứ lúc nào để thảo luận về các hành động khác. OPEC cho biết, cuộc họp đã quyết định “Yêu cầu Chủ tịch xem xét kêu gọi tổ chức Hội nghị Bộ trưởng OPEC và ngoài OPEC bất cứ lúc nào để giải quyết các diễn biến thị trường, nếu cần”.
Bằng cách trao cho Chủ tịch của liên minh, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê-út, quyền triệu tập một cuộc họp bất cứ lúc nào nếu cần, OPEC+ đã gửi một thông điệp mạnh mẽ tới thị trường dầu: việc cắt giảm có thể diễn ra trong một thời gian ngắn, “dưới mọi hình thức”, điều đó có nghĩa là việc cắt giảm đơn phương cũng không có gì đáng bàn.
Mặc dù việc cắt giảm mang tính biểu tượng cho tháng 10 không làm thay đổi bất kỳ điều gì trong cân bằng cung - cầu cơ bản, nhưng sự sẵn sàng can thiệp của OPEC+ bất cứ khi nào thấy cần thiết cho thấy Ả Rập Xê Út và các thành viên OPEC+ có tầm ảnh hưởng khác tin rằng giá dầu đã bán tháo đủ trong những tháng gần đây.
“Hành động từ OPEC+ dường như xác nhận rằng giá sàn đối với dầu Brent không quá xa dưới ngưỡng 90 USD/thùng. Và trong khi cán cân cung/cầu không thay đổi, nó không gửi một thông điệp lớn đến chính quyền Mỹ, vốn đã gây áp lực lên OPEC trong nhiều năm để tăng sản lượng nhiều hơn”, Warren Patterson, Trưởng bộ phận Chiến lược Hàng hóa tại ING, bình luận về kết quả cuộc họp của OPEC+. Về phần mình, Chính quyền Hoa Kỳ đã bình luận về quyết định mới nhất của OPEC+ khi thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre phát biểu “Tổng thống đã nói rõ rằng nguồn cung năng lượng phải đáp ứng nhu cầu để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và hạ giá cho người tiêu dùng Mỹ và người tiêu dùng trên toàn thế giới”, được hãng tin AP dẫn lời.
“Tổng thống Biden quyết tâm tiếp tục thực hiện mọi bước cần thiết để tăng cường nguồn cung năng lượng và hạ giá năng lượng,” Nhà Trắng cho biết thêm.
Nhưng Ả Rập Xê-út lại nghĩ về sự “ổn định” của thị trường - hay nói theo cách nói của OPEC+ là cần giá dầu cao hơn - với những thông điệp gần đây nhất đối với thị trường.
Tháng trước, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman tuyên bố OPEC+ sẵn sàng cắt giảm sản lượng bất cứ lúc nào dưới mọi hình thức nếu họ tin rằng điều đó sẽ mang lại sự ổn định cho thị trường dầu “khác lạ”.
Sau khi mức cắt giảm 100.000 thùng/ngày được nhất trí hôm thứ Hai, Bộ trưởng Năng lượng của nước xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới nói với Bloomberg trong một cuộc phỏng vấn “Quyết định này là sự thể hiện ý chí rằng chúng tôi sẽ sử dụng tất cả các công cụ có sẵn của mình”.
“Sự điều chỉnh đơn giản cho thấy chúng tôi sẽ chú ý, đi trước và tích cực trong việc hỗ trợ sự ổn định và hoạt động hiệu quả của thị trường vì lợi ích của những người tham gia thị trường và ngành công nghiệp”, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman bình luận.
Việc cắt giảm hạn ngạch nhỏ trong tháng 10 là “nhằm phát đi tín hiệu rằng OPEC+ đang quay trở lại chế độ theo dõi giá”, Bill Farren-Price, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu vĩ mô dầu khí toàn cầu tại Enverus, nói với Bloomberg.
Theo Jason Bordoff, một chuyên gia về chính sách khí hậu và năng lượng tại Đại học Columbia: “Giá dầu (và giá xăng) đã giảm. 100.000 thùng/ngày có vẻ không đáng kể nhưng thông điệp từ việc cắt giảm này rất rõ ràng: OPEC+ nghĩ rằng giá đã giảm đủ rồi".
Một nguồn tin OPEC nói với Reuters sau cuộc họp OPEC+ hôm thứ Hai rằng “Diễn biến giá cả lên xuống đang gây lo ngại”, trong khi một nguồn tin khác tại một quốc gia vùng Vịnh cho biết “Các thành viên tin tưởng rằng Chủ tịch có thể can thiệp bất cứ khi nào cần thiết để mang lại sự ổn định hơn và điều này có thể diễn ra sau tháng 10 cho đến khi kết thúc thỏa thuận OPEC+”.
Chuyện gì diễn ra tiếp theo?
OPEC+ sẽ tìm kiếm sự ổn định và giữ nguyên công suất dự phòng trong bối cảnh bất ổn cung và cầu trong những tháng tới.
Về nguồn cung, vẫn chưa chắc chắn mức giá trần dự kiến đối với dầu của Nga sẽ tác động đến thị trường như thế nào, đặc biệt nếu như Nga làm theo lời đe dọa là ngừng xuất khẩu dầu của mình cho các nhà nhập khẩu đã tham gia cơ chế giới hạn giá đó. Sau đó, có khả năng hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran, mặc dù những diễn biến mới nhất cho thấy một động thái “lùi lại” trong các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Mỹ và Iran do EU làm trung gian về dự thảo cuối cùng của một thỏa thuận khả thi.
Về mặt nhu cầu, suy thoái kinh tế ở các nền kinh tế lớn, bao gồm Trung Quốc và Hoa Kỳ, có thể làm hạn chế tăng trưởng nhu cầu dầu. Nhưng tình trạng thiếu khí đốt tự nhiên trầm trọng ở châu Âu và giá khí đốt cao ngất ngưởng ở cả châu Âu và châu Á có thể thúc đẩy việc chuyển đổi khí đốt sang dầu nhiều hơn khi mùa đông đến gần.
Nguồn tin: xangdau.net