Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Mua dầu Mỹ, Belarus sẽ bị xoáy vào ngoại giao nước lớn

Khi Mỹ cung cấp dầu cho Belarus, không chỉ đưa "người anh em của Nga" rơi vào vòng xoáy Mỹ, mà sẽ là vòng xoáy ngoại giao nước lớn Mỹ-Nga... 

Mỹ đã sẵn sàng bán dầu cho Belarus, hiện thực hoá cơ hội phá băng cho quan hệ hai nước

Theo Sputnik, ngày 13/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus cho biết các công ty năng lượng của Mỹ đã sẵn sàng để có thể bắt đầu ngay lập tức việc bán dầu cho Belarus theo giá thị trường.

"Ngoại trưởng Mike Pompeo hôm nay có cuộc nói chuyện với Ngoại trưởng Belarus Vladimir Makei và khẳng định sự sẵn sàng của các công ty Mỹ cho việc bắt đầu bán dầu ngay lập tức cho Belarus với giá thị trường cạnh tranh", Sputnik tường thuật.

Như vậy, Washington rất nóng lòng làm "tan băng" cho mối quan hệ Mỹ-Belarus sau chuyến thăm "phá băng" của Ngoại trưởng Pompeo đến Minsk đầu tháng 2 vừa qua, mà việc bán dầu cho Belarus là 1 trong 2 "giải pháp phá băng" quan trọng nhất.

Quan hệ Mỹ-Belarus ấm hơn dưới thời chính quyền Trump, khi hoạt động ngoại giao con thoi nhằm "phá băng" cho mối quan hệ đã diễn ra thời gian gần đây, bắt đầu là chuyến thăm Belarus của cựu Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton, tháng 8/2019.


Không phải ngẫu nhiên Washington rất nóng lòng phá băng

Tiếp theo, tháng 9/2019, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị, David Hale, đã tới Minsk và có cuộc gặp với Tổng thống Lukashenko, nhằm khôi phục trao đổi đại sứ giữa hai nước.

“Cuộc gặp hôm nay đánh dấu một thời cơ lịch sử trong quan hệ Mỹ -Belarus. Tôi vinh hạnh được thông báo rằng chúng tôi chuẩn bị trao đổi đại sứ trong bước tiếp theo để bình thường hóa quan hệ”, nhà ngoại giao của Mỹ cho biết, theo DW.

Mọi việc tưởng chừng "xuôi chèo mát mái", song thực tế lại không hẳn như vậy. Vấn đề là Minsk dù lệch pha Moscow, nhưng Belarus thì chưa thể lệch chuẩn Nga, vì vậy "yếu tố Mỹ" vẫn nhạt nhòa và John Bolton vẫn trắng tay khi rời nhiệm sở.

Đùng một cái, cuộc "khủng hoảng dầu" giữa Nga và Belarus xảy ra, buộc Minsk phải triệt để thực hiện đa dạng hóa nguồn cung, chính điều này tạo cơ hội cho Washington sử dụng "củ cà rốt năng lượng” để cuốn Belarus vào vòng xoáy lợi ích Mỹ.

Rồi khi Tổng thống Putin tiến hành cải cách chính trị, mà trong đó có việc bổ nhiệm lãnh đạo Cơ quan thuế liên bang Mikhail Mishustin - người bị xem là tác nhân của cuộc "khủng hoảng dầu" - làm thủ tướng Nga, thì với Mỹ cơ hội như đã chín muồi.

Đây được xem là động lực cho chuyến đi "phá băng" của Ngoại trưởng Pompeo tới Minsk cũng như việc Washington khai thác cuộc "khủng hoảng dầu" giữa Moscow và Minsk làm "công cụ phá băng".

Điều đó thể hiện rõ qua hành động của cựu Giám đốc CIA Mike Pompeo, khi ông đứng tại Minsk mà khẳng định rằng Mỹ hoàn toàn có khả năng đáp ứng 100% nhu cầu dầu của Belarus, nếu nước này chấp nhận một lựa chọn như vậy.

"Những nhà sản xuất năng lượng của chúng tôi sẵn sàng cung cấp 100% lượng dầu bạn cần với giá cạnh tranh. Chúng tôi là nhà sản xuất năng lượng lớn nhất thế giới và tất cả những gì bạn cần là hãy gọi cho chúng tôi", RT tường thuật.

Trong bối cảnh "cuộc chiến giá dầu" xảy ra khi cơ chế trong-ngoài OPEC sụp đổ, có lẽ nhận thấy thời điểm hiện thực hoá cơ hội đã tới nên Washington vội thông báo về việc Mỹ đã sẵn sàng cung cấp dầu cho Belarus, bỏ mặc Nga với cuộc chiến giá dầu.

Chỉ cần mua dầu Mỹ, lập tức Belarus sẽ bị cuốn vào vòng xoáy ngoại giao nước lớn

Việc Mỹ chọn thời điểm đang diễn ra cuộc "chiến giá giá dầu" để xúc tiến việc cung cấp dầu cho Belarus khiến dư luận hoài nghi về động cơ, mục đích của Washington trong việc dùng dầu thô làm nền móng cho quan hệ song phương.


Lợi ích của Belarus có từ Nga không chỉ là ưu đãi về dầu

Thực ra, trong quan hệ bang giao quốc tế, chiến lược của Mỹ luôn được đặt trên nền tảng lợi ích Mỹ, nên khi Ngoại trưởng Mike Pompeo thông báo cung cấp 100% dầu cho Belarus với giá thị trường đã khiến dư luận hoài nghi mục đích của Washington.

Bởi giá thành sản xuất dầu của Mỹ hiện vẫn cao hơn của Nga rất nhiều, trong khi Mỹ lại có khoảng cách địa lý khá xa Belarus, nên khi dầu của Mỹ được bơm tới Belarus thì chắc chắn sẽ cao hơn giá dầu của Nga.

Ngành dầu mỏ của Mỹ chỉ có lợi nhuận trong việc cung cấp dầu cho Belarus khi thứ vàng đen này có giá thị trường = giá thành sản xuất dầu của Mỹ + P (trong đó P là lợi nhuận tối thiểu được điều chỉnh theo thị trường).

Hiện nay, khi xảy ra cuộc chiến giá dầu, giá dầu giảm mạnh, nằm xa dưới ngưỡng giá thành sản xuất dầu của Mỹ. Như vậy, nếu cung cấp dầu cho Belarus, chắc chắn Mỹ sẽ thiệt hại không nhỏ.

Đó là chưa kể việc hàng năm Nga cung cấp cho Belarus tới 24 triệu tấn dầu với giá ưu đãi đặc biệt, trong đó Belarus chỉ sử dụng 6 triệu tấn, còn 18 triệu tấn là bán lại kiếm lời, với số tiền lên tới hơn 1,6 tỷ USD mỗi năm.

Đây là một khoản lợi kếch xù của Minsk mà Washington phải tính tới. Rõ ràng, để Belarus chấp nhận mua dầu của Mỹ hay để dầu của Mỹ có thể xâm nhập thị trường Belarus và chiếm lĩnh thị phần của Nga thì Washington phải hoán đổi lợi ích.

Nghĩa là, hoặc thứ nhất chấp nhận thiệt trong việc cung cấp dầu cho Belarus để có thể hy vọng tìm được nguồn lợi từ lĩnh vực khác thay thế. Mà trong trường hợp này là rất khó và thời gian sẽ rất dài.

Bởi tỷ trọng thương mại với Nga chiếm 51% tổng giá trị thương mại của Belarus, với EU chiếm 27%, với Mỹ không đáng kể. Trong khi chính quyền Minsk lại tái cơ cấu theo tỷ trọng : 1/3 với Nga, 1/3 với EU, Mỹ và phần còn lại của thế giới chỉ có 1/3.

Hoặc thứ hai, chấp nhận thiệt hại về lợi ích kinh tế để nhận lấy lợi ích về chính trị. Và đây được xem là khả dĩ nhất, và dường như đây cũng là mục đích và động cơ của Washington ở nước đi đầu tiên trong ván cờ Belarus.


Minsk sẽ không thể cựa quậy nếu rơi vào vòng xoáy ngoại giao nước lớn Mỹ-Nga

Khi Washington chấp nhận thiệt hại về lợi ích kinh tế để nhận lấy lợi ích về chính trị, tức là thực hiện nước đi "kinh tế hoá chính trị" với Belarus, thì đó được xem là lời cảnh báo nguy hại với Minsk.

Bởi khi đó Belarus chính thức rơi vào vòng xoáy Mỹ. Đặc biệt nguy hại hơn là dường như Nga cũng sẵn sàng cho thực tế ấy, khi Moscow không tiếp tục dành những ưu đãi đặc biệt cho Minsk nữa, trong đó có vấn đề giá dầu.

Với thực tế ấy, khi Mỹ cung cấp dầu cho Belarus thì không chỉ đưa "người anh em của Nga" rơi vào vòng xoáy Mỹ, mà lúc đó Washington và Moscow cùng đưa Minsk vào vòng xoáy của ngoại giao nước lớn Mỹ-Nga.

Hiện nay, chính quyền Minsk đang thể hiện sự ruồng rẫy với Nga, không chỉ là do lợi ích bị sụt giảm, mà còn do muốn độc lập hoàn toàn với Moscow. Tuy nhiên, khi tìm tới Washington thì Misnsk sẽ mất hoàn toàn sự độc lập.

Đơn giản là khi rơi vào vòng xoáy ngoại giao nước lớn, khi đó Minsk lệ thuộc không chỉ Moscow mà cả Washington, khi đó giá trị và ý nghĩa địa chiến lược-địa chính trị của Belarus sẽ trở thành lợi ích đổi trao trong ngoại giao nước lớn Nga-Mỹ.

Vì vậy, không phải ngẫu nhiên Washington lại sốt sắng như vậy, và cũng không phải ngẫu nhiên Moscow lại bình thản như vậy trước các chuyển động tại Belarus và những chính sách lưỡng cực của chính quyền Minsk.

Nguồn tin: baoodatviet.vn

ĐỌC THÊM