Ngay khi mọi hy vọng cho ngành công nghiệp dầu mỏ đang gặp khó khăn của Libya dường như đã mất đi, thì Bộ Năng lượng nước này vừa công bố kế hoạch mở cửa thị trường để thúc đẩy đầu tư quốc tế. Bộ hy vọng những kế hoạch này sẽ sớm được chính phủ phê duyệt để chúng có thể được thực hiện và Libya có thể tăng cường sản lượng khai thác dầu hàng năm, và cuối cùng khai thác được tiềm năng to lớn sau nhiều năm trì hoãn.
Tuần này, Refaat al-Abbar, Thứ trưởng Bộ Dầu khí Libya, đã đệ trình kế hoạch lên Thủ tướng Abdul Hamid Dbeibah để tăng cường sự hiện diện của các công ty dầu khí quốc tế tại thị trường Libya. Động thái này diễn ra khi các hoạt động thượng nguồn của Libya đã nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ những công ty quốc tế, khiến Abbar đưa ra khuyến nghị này nhằm cải thiện ngành năng lượng trong khi nhu cầu về dầu và khí đốt vẫn ở mức cao.
Abbar giải thích "sự cần thiết của sự hiện diện của các công ty quốc tế lớn, các nhà đầu tư và đối tác khu vực để hỗ trợ lĩnh vực dầu khí Libya, chẳng hạn như TotalEnergies sẽ mang lại sự ổn định cho Libya."
TotalEnergies đã có mặt ở Libya khoảng 60 năm, với cổ phần trong các mỏ dầu Waha, Sharara, Mabruk và Al Jurf. Patrick Pouyanné, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của TotalEnergies, dự kiến sẽ có bài phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Kinh tế & Năng lượng Libya 2021 vào tháng 11 này, thể hiện cam kết liên tục của công ty đối với dầu Libya. Sự kiện năng lượng này sẽ là sự kiện đầu tiên trong khoảng một thập kỷ nhằm thúc đẩy sự quan tâm và đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này.
Eni, ConocoPhillips, OMV, Repsol cũng có mặt ở Libya. Tuy nhiên, vẫn còn cơ hội để thu hút đầu tư quốc tế lớn hơn từ các công ty khai thác dầu lớn như BP, Shell và ExxonMobil. Công ty dầu khí Hoa Kỳ Hess Corporation hiện đang đàm phán với TotalEnergies về việc mua được cổ phần trong các hoạt động tại mỏ dầu Waha, với một thỏa thuận dự kiến trong thời gian ngắn.
Ngành công nghiệp dầu mỏ Libya rơi vào hỗn loạn vào tháng trước khi Refaat al-Abbar đe dọa từ chức. Abbar được các nhà đầu tư quốc tế coi là hình tượng về sự ổn định trong ngành dầu khí đầy biến động của nước này. Lời đe dọa từ chức của Thứ trưởng Bộ Dầu mỏ là để đối phó với cuộc chiến đang diễn ra giữa Quân đội Quốc gia Libya có trụ sở tại Benghazi và Chính phủ Thống nhất Quốc gia có trụ sở tại Tripoli để giành quyền kiểm soát đất nước. Tuy nhiên, Abbar quyết định ở lại theo yêu cầu của Bộ trưởng Dầu mỏ Libya Mohamed Oun, và hiện đang thúc đẩy phát triển hơn nữa ngành dầu khí của Libya.
Hiện tại, Libya sản xuất khoảng 1,2 triệu thùng dầu thô mỗi ngày. Nước này hy vọng sẽ thúc đẩy sản lượng lên 1,45 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2021, 1,6 triệu thùng/ngày vào năm 2024 và lên 2,1 triệu thùng/ngày trong vòng 4 năm tới. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Libya đã không thể đẩy nhanh sự phát triển của ngành công nghiệp dầu mỏ do bất ổn chính trị và sự không sẵn lòng đầu tư của các công ty quốc tế, mặc dù quốc gia này có tiềm năng đáng kể với trữ lượng dầu lớn nhất đã được xác minh của châu Phi.
Trong vài ngày gần đây, nhà máy lọc dầu Zawiya của Libya đã bị hư hại khi bùng phát các cuộc giao tranh trong khu vực. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (NOC) cho biết thiệt hại bao gồm tám bể chứa các sản phẩm dầu mỏ và dầu thô, thêm năm kho chứa dầu gốc (base oil) và phụ gia hóa học. Nhà máy pha trộn và chiết rót dầu khoáng đã bị hư hại thêm, dẫn đến rò rỉ nghiêm trọng kho chứa dầu gốc.
Thêm một tin xấu nữa, đó là sản lượng dầu thô Es Sider giảm mạnh tới 72%, từ 285 thùng/ngày xuống 77.000 thùng/ngày, sau sự cố rò rỉ đường ống. Cơ sở hạ tầng lâu năm đã cản trở ngành công nghiệp dầu mỏ Libya, trong khi chính phủ tỏ ra không mấy quan tâm đến việc đầu tư nhiều hơn vào việc hiện đại hóa các đường ống và nhà máy. Đường ống bị rò rỉ nghiêm trọng, khiến phải đóng cửa để bảo dưỡng và dẫn đến mất sản lượng dầu trong khoảng 10 ngày.
Chủ tịch NOC Mustafa Sanalla tuyên bố, "Chúng tôi đang trông chờ vào chính phủ ưu tiên cho chúng tôi xây dựng lại/phục hồi cơ sở hạ tầng đã đổ nát và trả các khoản nợ đã tích lũy trong nhiều năm". Ông giải thích: “Việc cắt giảm hoặc hoãn ngân sách đã gây ra những tổn thất lớn và việc duy trì công suất khai thác dầu mỏ của đất nước là một ưu tiên tuyệt đối”.
Tuy nhiên, vẫn còn hy vọng cho ngành công nghiệp dầu mỏ đang gặp khó khăn của Libya sau kế hoạch mới của Abbar cũng như việc khởi công xây dựng nhà máy lọc dầu mới gần đây ở miền nam nước này, nằm gần mỏ dầu lớn Al-Charara, dự kiến có chi phí từ 500 đến 600 triệu đô la. Các hoạt động tại nhà máy lọc dầu dự kiến sẽ bắt đầu trong vòng ba năm với thu nhập hàng năm dự kiến là 75 triệu đô la. Việc xây dựng nhà máy lọc dầu diễn ra sau gần bốn mươi năm trì hoãn, sau khi kế hoạch được hồi sinh vào năm 2017.
Trong khi cuộc chiến chính trị của Libya vẫn tiếp diễn, thì tương lai của tiềm năng dầu mỏ khổng lồ của cả nước vẫn không chắc chắn. Nếu cơ sở hạ tầng tiếp tục xuống cấp mà chính phủ ít quan tâm đến việc tài trợ cho cải thiện cơ sở hạ tầng và các cuộc xung đột làm ngừng hoạt động nhiều hơn nữa, thì điều này có thể khiến các nhà đầu tư quốc tế quay lưng. Tuy nhiên, thông báo gần đây về một nhà máy lọc dầu mới ở phía nam, sau nhiều thập kỷ trì hoãn, cũng như kế hoạch thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này, có thể thấy ngành công nghiệp dầu mỏ của Libya tồn tại đủ lâu để phát triển.
Nguồn tin: xangdau.net