Theo Bộ Tài chính, xăng hiện đang chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu. Trong đó, xăng RON95 có mức nộp thuế bảo vệ môi trường cao nhất với 4.000 đồng/lít.
Cung cấp thông tin cho Tuổi trẻ Online ngày 21-2 về chính sách thuế đối với các mặt hàng xăng dầu, đại diện Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết hiện nay, xăng đang phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường, thuế nhập khẩu đối với xăng nhập khẩu. Còn mặt hàng dầu chịu thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường, thuế nhập khẩu đối với sản phẩm nhập khẩu.
Cụ thể, thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) với xăng là 20%, với các sản phẩm dầu gồm diesel, mazut, dầu hỏa và nhiên liệu bay là 7%. Thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt (thuế suất FTA) với xăng là 8-8,8%, với các mặt hàng dầu diesel, mazut, dầu hỏa và nhiên liệu bay là 0-7%.
Xăng dầu nhập khẩu hiện nay chủ yếu từ các nước ASEAN, Hàn Quốc với mức thuế nhập khẩu 8% với xăng và 0% với dầu. Từ khi Nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất và Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn chính thức hoạt động, hai nhà máy này đã cung cấp chủ yếu xăng dầu cho thị trường trong nước. Do đó, lượng xăng dầu nhập khẩu giảm đáng kể và hiện chiếm tỉ trọng thấp trong nhu cầu tiêu dùng xăng dầu cả nước.
Thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành với xăng là 10%, xăng sinh học E5 8% và xăng E10 7%. Thuế giá trị gia tăng với các mặt hàng xăng dầu đều có chung mức áp dụng là 10%.
Riêng thuế bảo vệ môi trường, xăng RON95 đang chịu mức thu cao nhất là 4.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut và mỡ nhờn là 2.000 đồng/lít.
Theo tính toán của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, mỗi lít xăng A95 đang bán trên thị trường chịu các khoản thuế: thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường với mức khoảng 9.000 đồng. Xăng RON92, diesel thì có số tiền thuế khoảng 7.000-8.000 đồng/lít tùy theo sản phẩm.
Để bình ổn giá xăng dầu trong nước, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành liên quan để theo dõi diễn biến giá xăng dầu thế giới, giá cả trong nước, lạm phát…
Tuy nhiên, dự báo giá xăng dầu trong nước có thể tiếp tục tăng khoảng 800-1.000 đồng/lít, tùy theo mặt hàng, vào ngày 21-2, nên giải pháp duy nhất để bình ổn giá xăng dầu trong nước lúc này, theo ông Trịnh Quang Khanh, tổng thư ký Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, là Nhà nước sớm giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.
Cụ thể, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng giảm từ 4.000 đồng xuống 3.000 đồng/lít; với dầu diesel còn 1.500 đồng thay cho mức áp dụng lâu nay là 2.000 đồng/lít.
"Bộ Tài chính cần sớm đề xuất Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét giảm sắc thuế này đối với mặt hàng xăng dầu. Trường hợp giá xăng dầu thế giới giảm thì mức thuế lại được khôi phục.
Xăng dầu là đầu vào của hầu hết các ngành sản xuất quan trọng, tác động trực tiếp, gián tiếp đến hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh và đời sống của người dân và doanh nghiệp. Do đó, giá xăng dầu tiếp tục tăng cao sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến mục tiêu Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Việt Nam", ông Khanh kiến nghị.
Nguồn tin: Tuổi trẻ