Liên bộ Công Thương-Tài chính vừa yêu cầu các doanh nghiệp tăng giá các mặt hàng xăng dầu với mức 130-170 đồng/lít tùy mặt hàng từ ngày 5-10.
Riêng xăng RON 92 tăng cao nhất 172 đồng/lít, lên mức 16.404 đồng/lít. Bên cạnh đó, cơ quan điều hành cũng cho phép các doanh nghiệp được phép sử dụng 300 đồng/lít xăng từ quỹ bình ổn.
Nguyên nhân chủ yếu của việc giá xăng dầu đồng loạt tăng được nhà điều hành lý giải là do tăng thuế nhập khẩu tính theo phương thức bình quân gia quyền theo quý.
Như vậy, dựa vào sự điều hành trên của liên bộ cho thấy nếu không cho phép doanh nghiệp sử dụng 300 đồng/lít từ quỹ bình ổn thì giá xăng có thể tăng lên 470 đồng/lít. Song bản chất quỹ bình ổn được trích ra từ tiền đóng góp của người tiêu dùng trong mỗi lít xăng dầu, hay nói cách khác đó là tiền để dành của dân phòng lúc giá xăng biến động mạnh thì bù vào.
Điều này có nghĩa dù cơ quan điều hành đưa ra mức tăng nhẹ hơn nhưng thực chất người tiêu dùng đã phải bỏ ra hơn 470 đồng cho mỗi lít xăng vì Bộ Tài chính tăng thuế nhập khẩu với cả quỹ bình ổn.
Phát biểu tại phiên họp thường kỳ Chính phủ cuối tháng 3-2016, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng cách tính bình quân gia quyền sẽ đảm bảo quyền lợi tốt hơn cho người mua xăng. Tuy nhiên, thực tế không hẳn như thông điệp này. Bởi theo phân tích của các chuyên gia, việc áp thuế nhập khẩu bình quân gia quyền và cách tính thuế sai đang gây thiệt thòi cho người tiêu dùng.
Ví dụ tại kỳ điều hành đầu tiên áp dụng thuế bình quân gia quyền ngày 5-4-2016, dù giá dầu thế giới giảm nhưng giá trong nước lại không giảm theo. Không chỉ vậy, cơ quan quản lý lại còn cho doanh nghiệp sử dụng quỹ bình ổn để bù đắp phần chênh lệch trong giá cơ sở với giá bán lẻ vì thuế nhập khẩu bình quân gia quyền tăng. Đến kỳ điều chỉnh ngày 5-10 vừa qua, cơ quan điều hành vẫn tiếp tục chi quỹ bình ổn đề bù đắp chênh lệch giá.
Chính vì vậy, bên chịu thiệt tiếp tục là người tiêu dùng. Theo phân tích của các chuyên gia, cách tính sai thuế tiêu thụ đặc biệt của cơ quan chức năng, cộng việc thuế chồng thuế (thuế phí hiện chiếm tới 53,8% giá xăng, tức 1 lít xăng phải gánh khoảng 8.800 đồng các loại thuế phí - PV) khiến giá xăng bán lẻ ra thị trường đội lên gần 200 đồng/lít. Nếu tính nhu cầu tiêu thụ xăng khoảng 12 triệu tấn/năm, người mua xăng bị “móc túi” thêm gần 3.100 tỉ đồng.
Điều đáng nói hơn là trước đây, liên bộ Công Thương-Tài chính đã từng tính nhầm thuế nên hơn 3.500 tỉ đồng chênh lệch đáng lẽ người dân được hưởng đã chạy vào túi các công ty xăng dầu. Sai sót này đến nay vẫn chưa được khắc phục và quy trách nhiệm đến nơi đến chốn.
Như vậy, đến nay cơ quan chức năng đang “nợ” người tiêu dùng hàng ngàn tỉ đồng. Số tiền này cần phải được trả lại cho người mua xăng. Không thể tính nhầm thuế, đổ gánh nặng lên người mua xăng rồi xử lý theo kiểu “huề cả làng”.
Nguồn tin: Plo