Wood Mackenzie cho biết trong một báo cáo mới trong tuần này rằng một đường ống mới khả thi từ Biển Barents để vận chuyển khí đốt tự nhiên từ các giàn khoan Bắc Cực của Na Uy đến châu Âu có thể giảm bớt sự phụ thuộc của lục địa này vào nhập khẩu LNG.
Na Uy đã trở thành nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất cho châu Âu sau khi Nga chặn hầu hết nguồn khí đốt qua đường ống vào năm ngoái sau cuộc xâm lược Ukraine.
Nhưng con đường duy nhất để khí đốt tự nhiên được sản xuất ở Biển Barents đến các thị trường là thông qua cơ sở xuất khẩu LNG của Equinor tại Hammerfest. Không có liên kết trực tiếp từ biển Barents tới mạng lưới đường ống dẫn khí đốt chính của Na Uy.
Xét tới tầm quan trọng của việc cung cấp khí đốt cho châu Âu, vào tháng 3, Bộ Dầu mỏ và Năng lượng Na Uy đã yêu cầu hãng điều hành cơ sở hạ tầng khí đốt Gassco nghiên cứu các lựa chọn để đưa thêm khí đốt Biển Barents ra thị trường.
Trong bản phân tích, Gassco đã xem xét các giải pháp kỹ thuật khác nhau để tăng khả năng xuất khẩu khí đốt từ Biển Barents, bao gồm tăng khả năng xuất khẩu tại Hammerfest LNG, xuất khẩu amoniac xanh, và một nhà máy khí đốt mới và đường ống dẫn xuống Biển Na Uy để tiếp tục vận chuyển thông qua mạng lưới đường ống dẫn khí hiện có. Gassco cho biết một đường ống dẫn từ Biển Barents dường như mang lại lợi ích nhiều nhất cho xã hội trong số ba lựa chọn.
Hồi tháng 4, Bộ trưởng Dầu khí và Năng lượng Terje Aasland cho biết, việc tăng năng lực xuất khẩu sẽ rất quan trọng đối với việc thăm dò và khai thác khí đốt ở Biển Barents, vùng biển ngoài khơi Na Uy có tiềm năng cao nhất để chứa các nguồn khí đốt chưa được phát hiện.
Theo WoodMac, lộ trình xuất khẩu trị giá 5 tỷ USD được đề xuất sẽ phải diễn ra với sự hỗ trợ của chính phủ.
Daniel Rogers, nhà phân tích cấp cao tại Wood Mackenzie, cho biết: “Lập luận về carbon và kinh tế xã hội cho một đường ống - và sự phát triển hơn nữa của lưu vực - rất mạnh mẽ, nhưng điều đó sẽ không xảy ra nếu không có sự hỗ trợ của chính phủ”.
Theo báo cáo của WoodMac, việc cấp vốn của nhà nước cho đường ống, hoặc việc EU đưa ra Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon để khuyến khích sản xuất công nghiệp sạch hơn ở các nước ngoài EU khi nhập khẩu khí đốt vào châu Âu, sẽ tăng khả năng cạnh tranh về chi phí cho dự án đường ống.
Nguồn tin: xangdau.net