Báo cáo của Moody’s nhận định sự phụ thuộc vào lĩnh vực năng lượng sẽ là sức ép tín dụng chủ chốt đối với các quốc gia Saudi Arabia, UAE, Qatar, Bahrain, Kuwait và Oman.
Theo báo cáo mới công bố của hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s, các quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) sẽ vẫn phụ thuộc nặng nề vào dầu mỏ trong ít nhất 10 năm tới, trong bối cảnh các nỗ lực đa dạng nền kinh tế ghi nhận tiến bộ hạn chế kể từ cú sốc giá “vàng đen” giai đoạn năm 2014-2015.
Báo cáo của Moody’s nhận định sự phụ thuộc vào lĩnh vực năng lượng sẽ là sức ép tín dụng chủ chốt đối với 6 quốc gia GCC - gồm Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Qatar, Bahrain, Kuwait và Oman.
Nếu giá dầu duy trì trung bình 55 USD/thùng thì sản xuất “vàng đen” sẽ vẫn là nguồn đóng góp lớn nhất cho Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các nền kinh tế GCC, cũng như là động lực quan trọng để củng cố sức mạnh tài khóa trong ít nhất 10 năm tới.
Hiện dầu mỏ và khí đốt chiếm hơn 20% GDP và ít nhất 50% thu ngân sách đối với hầu hết các quốc gia vùng Vịnh. Trong khi đó, kế hoạch triển khai các lĩnh vực kinh tế mới thường bị chồng chéo, tạo ra sự cạnh tranh trong chính các quốc gia GCC và hạn chế dư địa tăng trưởng.
Moody’s cho rằng ngay cả khi động lực đa dạng hóa nền kinh tế tăng lên, nó vẫn vấp phải những rào cản từ sự suy giảm nguồn lực sẵn có để tài trợ cho các dự án đa dạng hóa trong môi trường giá dầu thấp hơn và cạnh tranh nội khối GCC.
Bên cạnh đó, Moody’s nhận định các loại thuế thu nhập, vốn cần thiết để giảm đáng kể sự phụ thuộc vào dầu mỏ, có thể sẽ chỉ được các nền kinh tế GCC áp dụng trong dài hạn.
Hồi tháng Tư vừa qua, Saudi Arabia - nền kinh tế lớn nhất GCC - thông báo sẽ giảm thuế giá trị gia tăng (VAT), đồng thời loại trừ khả năng áp dụng thuế thu nhập cá nhân./.
Nguồn tin: Vietnam+