Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Mối quan hệ không mấy bền vững giữa Biden với các công ty dầu lớn và OPEC

Tổng thống Biden tuần này đã gây chú ý với thế giới tin tức khi một lần nữa buộc tội ngành dầu mỏ, cáo buộc các công ty “trục lợi từ chiến tranh” và đe dọa sẽ trừng phạt tài chính trừ khi họ tăng sản lượng.

Đó là một bài hùng biện nghe có vẻ quen thuộc và đưa người ta trở lại mùa hè khi Biden đang thử một cách tiếp cận tương tự với Ả Rập Xê-út. Nó cũng trùng hợp với một tuyên bố từ OPEC cho thấy nhu cầu dầu sẽ tiếp tục tăng mạnh cho đến ít nhất là giữa thế kỷ này.

Để làm cho mọi thứ trở nên phức tạp hơn, Biden đã tweet vào hôm thứ Hai rằng giá xăng đã giảm hơn 1,20 USD/gallon kể từ mức đỉnh hồi mùa hè này và đã giảm trong ba tuần liên tiếp. Dòng tweet này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi có cáo buộc trục lợi mà Tổng thống Mỹ đã chỉ trích ngành công nghiệp dầu mỏ.

Ngành này hiện giờ chắc đang khá hoang mang. Mặt khác, các công ty dầu mỏ - đặc biệt là Big Oil vì lợi nhuận lớn - đang bị nhắm mục tiêu với các mối đe dọa về thuế lợi nhuận siêu ngạch (windfall tax) và “các hạn chế khác” có tính chất vẫn chưa được xác định.

Những lời đe dọa đi kèm với lời kêu gọi đầu tư nhiều hơn vào sản xuất, điều này đi ngược lại với chương trình nghị sự chuyển đổi năng lượng của chính quyền Biden, như được nêu gần đây nhất trong Đạo luật Giảm lạm phát. Từ quan điểm của ngành công nghiệp dầu mỏ, Tổng thống Hoa Kỳ về cơ bản đang yêu cầu họ chi tiền cho những thứ sẽ sớm trở thành tài sản bị mắc kẹt nếu quá trình chuyển đổi thành công như kế hoạch.

Mặt khác, OPEC tuyên bố nhu cầu dầu sẽ không mất đi. Ngược lại, sẽ tăng trưởng mạnh hơn dự kiến ​​trước đây, tổ chức này cho biết trong báo cáo Triển vọng Dầu Thế giới, được công bố trong tuần này.

Trong đó, OPEC ước tính nhu cầu dầu trên toàn cầu sẽ tăng thêm 2,7 triệu thùng mỗi ngày từ năm nay và năm sau, lên tổng cộng 103 triệu thùng/ngày. Vào năm 2030, nhu cầu dầu toàn cầu sẽ đạt 108,3 triệu thùng/ngày, OPEC cho biết trong báo cáo của mình.

Đó có thể là lý do đủ để thúc đẩy hoạt động khoan, nhưng chỉ đối với một số công ty. Hầu hết Big Oil đã đặt niềm tin lớn vào gió, năng lượng mặt trời, hydro và xe điện (EV) vì các nhà đầu tư của công ty đã thúc đẩy họ thực hiện những vụ đặt cược lớn này. Ban lãnh đạo cũng đã vào cuộc, cảm nhận được sự thay đổi liên tục của tiêu chuẩn Môi trường- Xã hội- Quản trị (ESG) trong thế giới đầu tư.

Điều này không có nghĩa là Big Oil - hoặc các công ty độc lập nhỏ hơn ở Permian, vì vấn đề đó - không thể thúc đẩy sản xuất và tránh bị đánh thuế. Họ có thể làm được, nhưng những tuyên bố của Tổng thống so với chính sách năng lượng của ông không đủ để kích thích đầu tư nhiều hơn vào sản xuất.

Ngành công nghiệp này dường như có trí nhớ tốt hơn những cử tri bình thường và ghi nhớ rằng điều đầu tiên ông Biden thực hiện khi nhậm chức là khai tử đường ống dẫn dầu Keystone XL, điều mà nhiều người coi là phát súng đầu tiên trong cuộc chiến nhận thức của chính quyền Biden đối với ngành dầu mỏ Mỹ.

“Thay vì tìm mọi cách hạ nhiệt giá, chính quyền Biden nên nghiêm túc giải quyết tình trạng mất cân bằng cung cầu mà đã khiến giá xăng cao hơn và tạo ra những thách thức về năng lượng trong dài hạn”, Chủ tịch Viện Dầu khí Hoa Kỳ, Mike Sommers, cho biết trong một tuyên bố để đáp lại những lời đe dọa của Tổng thống về việc áp thuế lợi nhuận.

Sommers tiếp tục nêu quan điểm: “Các công ty dầu mỏ không định giá - mà thị trường hàng hóa toàn cầu sẽ làm việc này. Việc tăng thuế đối với năng lượng của Mỹ không khuyến khích đầu tư vào sản xuất mới, điều này hoàn toàn ngược lại với những gì cần thiết. Các gia đình và doanh nghiệp Mỹ đang mong muốn các nhà lập pháp tìm giải pháp chứ không phải những lời hùng biện về chiến dịch”.

Đây không phải lần đầu tiên ngành dầu khí cố gắng giải thích với các thành viên của chính quyền Biden, trong đó có cả chính Tổng thống, rằng thị trường nhiên liệu không đơn giản như người ta có thể giả định dựa trên các bản tóm tắt báo cáo tài chính hàng quý.

Tuy nhiên, có thể đây là lần đầu tiên một nguyên thủ quốc gia tự định nghĩa mình là một nền dân chủ đã đe dọa các công ty thuộc sở hữu tư nhân sẽ nhận hậu quả nếu họ tiếp tục ưu tiên lợi ích của cổ đông, hay nói cách khác, ưu tiên chủ sở hữu hơn lợi ích của chính quyền, trong bối cảnh chỉ còn vài ngày nữa là tới cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.

Thật vậy, giá xăng ở Mỹ đã giảm đáng kể kể từ khi đạt đỉnh vào mùa hè và hiện chỉ cao hơn khoảng 0,35 USD so với mức trung bình của thời điểm này năm ngoái, theo AAA. Tuy nhiên, dựa trên sự nhiệt tình của Biden trong việc thúc giục các công ty dầu mỏ giảm giá xuống nữa, thì mức giá này là chưa đủ. Và thành thật mà nói, bất kể các công ty dầu mỏ làm gì, họ cũng sẽ không thể hạ giá vào Chủ nhật.

Về lâu dài, tình hình vẫn còn rối rắm và tính bất ổn cao, càng khiến ngành dầu khí không muốn làm theo ý muốn của chính quyền. OPEC dự báo nhu cầu dầu cao hơn, nhưng IEA cho biết vài ngày trước rằng nhu cầu dầu sẽ đạt đỉnh vào năm 2030.

Không thể dễ dàng điều hướng được bối cảnh của những dự báo mâu thuẫn như vậy về nhu cầu dầu, về cơ bản đây là yếu tố duy nhất cho quyết định đầu tư vào ngành công nghiệp dầu mỏ. Vì vậy, trong bối cảnh có quá nhiều bất ổn, các công ty dầu mỏ đang làm những việc mà bất kỳ ai trong hoàn cảnh của họ cũng làm như vậy- họ vẫn thận trọng và cẩn thận với số tiền của mình. Thuế đánh trên lợi nhuận siêu ngạch sẽ chỉ càng củng cố thêm sự thận trọng đó.

Nguồn tin: xangdau.net  

ĐỌC THÊM