Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Mỗi ngày chậm khai thác sẽ lỗ 500.000 USD

Theo ước tính mỗi thùng dầu của nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ lãi 3 USD, nếu chậm khai thác một ngày sẽ thiệt hại 500.000 USD.

Ngày 25/2/2009, Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ cho sản phẩm đầu tiên sau gần 44 tháng xây dựng và thử nghiệm.
 
Phó tổng giám đốc điều hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất - thuộc Tập đoàn Dầu khí VN - Đinh Văn Ngọc cho hay 98% công việc xây dựng và lắp ráp đã hoàn thành, một số công đoạn đã bước vào chạy thử.
 
Trong đó có các gói thầu quan trọng như gói 5a - đê chắn sóng, 5b - cảng xuất sản phẩm, nhà điều hành, các phân xưởng công nghệ, bể chứa dầu thô, bể chứa sản phẩm, phao rót dầu trên biển.
 
Theo ước tính, với khoản lợi nhuận trung bình khoảng 3 USD cho mỗi thùng dầu, nếu chậm đưa vào khai thác một ngày thì con số thiệt hại đã vào khoảng 500.000 USD, chưa kể các khoản chi phí vận hành cho nhà máy.
 
Đầu tháng 12, nhà máy đã nhập khí 60.000 tấn khí hóa lỏng để chạy lò đốt của một nhà máy điện. 52.000 tấn dầu diezel và 600 thùng dầu thô cũng đã được nhập về để chạy thử nghiệm.
 
Dự kiến vào cuối tháng 1/2009, khoảng 600.000 thùng dầu thô cũng sẽ được nhập về để chuẩn bị cho việc vận hành sản xuất thử nghiệm. Số lượng dầu này đủ cung cấp cho nhà máy vận hành trong hết tháng 3/2009.
Mỗi ngày, Nhà máy cung cấp khoảng 320-460 tấn khí polypropylen, 900-100 tấn khí hóa lỏng, 3.000-5.000 tấn xăng A90, 2.700 tấn xăng A92 và A95.

Dầu hỏa và nhiên liệu máy bay ước đạt khoảng 400.000 tấn một năm.

Diezel dùng cho ôtô khoảng 3 triệu tấn một năm, dầu FO khoảng 300.000 tấn một năm.

Lượng xăng dầu này đủ đáp ứng 30-40% nhu cầu trong nước, giảm áp lực nhập khẩu và tiến tới mục tiêu xuất khẩu trong tương lai.

 
Trong giai đoạn đầu, Lọc dầu Dung Quất hoạt động khoảng 50% công suất, sau đó từ tháng 8 đến tháng 12/2009 sẽ đạt mức 100%.
 
Tính trung bình cả năm sẽ đạt 60-65% công suất, tương ứng với khả năng chế biến 4 triệu tấn dầu thô. Công suất thiết kế cho nhà máy vào khoảng 6,5 triệu tấn dầu thô một năm và sẽ cho ra 6,3 triệu tấn sản phẩm các loại.
 
Tuần tới, khoảng 600 tấn khí hóa lỏng cũng được chuyển về để thực hiện đốt ngọn đuốc của nhá máy lọc dầu.
 
Ngọn đuốc có tác dụng đốt cháy khí thải để đảm bảo an toàn cho nhà máy và bảo vệ môi trường sống xung quanh. Khi nhà máy đi vào hoạt động, sẽ có một lượng khí thải đi qua một đường ống riêng và được đốt.
Ngoài ra, khi nhà máy gặp sự cố hoặc dừng hoạt động đột ngột, ngọn đuốc cũng có tác dụng đốt cháy khí thải ra nhằm hạn chế tối đa khả năng xảy ra thảm họa.
 
Hiện nguồn dầu cung cấp chủ yếu cho nhà máy được lấy từ mỏ dầu Bạch Hổ. Trong tương lai, nhà máy sẽ sử dụng nguồn nhiên liệu từ các mỏ đang khai thác như Cá ngừ vàng, Rạng Đông, Sư Tử Đen, Sư Tử Vàng.
 
Tổng vốn đầu tư vào nhà máy giai đoạn đầu năm 1995 là 2,5 tỷ USD tuy nhiên theo Ban Quản lý dự án do biến động của tình hình nhiên liệu và chi phí phát sinh, con số này bị đội lên cao hơn rất nhiều lần. Trong đó chỉ riêng con đê chắn sóng đã tiêu tốn tới 40 triệu USD, phát sinh khoảng 2-3 lần so với kế hoạch.
 
 
Diện tích nhà máy bằng 200 sân bóng đá, ngốn tới 17.000 tấn thép - đủ để xây 2 tòa tháp Eiffel.

Theo thống kê của Tổ hợp nhà thầu Technip, lượng thép dùng để xây dựng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất lên tới 17.000 tấn có thể xây dựng được 2 tòa tháp Eiffel.
 
Nhà máy được xây dựng trên diện tích xấp xỉ 200 ha, đủ để xây dựng 200 sân bóng đá. Nhà thầu cũng sử dụng hơn 100.000 tấn vật tư, thiết bị để xây dựng nhà máy ước tính có thể thiết kế được khoảng 10.000 xe bus cỡ lớn. Số lượng dây cáp điện sử dụng lắp đặt nhà máy lên tới 5 triệu mét đủ để căng từ Hà Nội đến TP HCM và ngược lại.
 
Tập đoàn Dầu khí VN đang lên kế hoạch mở rộng và nâng cấp nhà máy. Hai phương án được tính đến là nâng cấp nhà máy hiện có lên 130-140% công suất như một số nơi trên thế giới đã làm. Khi ấy, công suất của Dung Quất sẽ là 8,5 triệu tấn một năm.
 
Hướng thứ hai, xây dựng một dây chuyền thứ hai bên cạnh nhà máy cũ. Phương án này có thể tận dụng được lợi thế về hạ tầng, nhân lực của nhà máy đang hoạt động.
 
(CafeF)

 

ĐỌC THÊM