Các công nhân tại mỏ dầu Shahara của Libya đã bắt đầu trở lại làm việc, sau khi Tập đoàn Dầu khí quốc gia nước này thông báo dỡ bỏ tình trạng “bất khả kháng” về sản xuất dầu.
Một cơ sở khai thác dầu tại thị trấn al-Buraqah, Libya. Ảnh: AFP/ TTXVN
Các công nhân tại mỏ dầu Shahara của Libya đã bắt đầu trở lại làm việc, sau khi Tập đoàn Dầu khí quốc gia (NOC) của nước này thông báo dỡ bỏ tình trạng “bất khả kháng” về sản xuất dầu vì cho rằng an ninh đã được đảm bảo tại các cơ sở sản xuất và cảng xuất khẩu dầu.
Các kỹ sư làm việc tại mỏ Shahara cho biết mỏ dầu lớn này đã khôi phục hoạt động và các kỹ sư đã trở lại làm việc từ ngày 16/9 vừa qua.
Hiện 4 công ty thuộc NOC, trong đó có Công ty Dầu mỏ vùng Vịnh Arab (AGOCO) với sản lượng 300.000 thùng/ngày ở thời điểm đầu năm 2019 và công ty Sirte Oil, đã chỉ thị các nhân viên thực hiện các biện pháp cần thiết để khôi phục sản lượng sớm nhất có thể.
Chưa rõ khi nào các công ty sẽ nối lại hoạt động sản xuất dầu. Hiện NOC chưa đưa ra bình luận.
Hoạt động sản xuất dầu mỏ của Libya đã gần như bị đình trệ kể từ tháng 1/2020 khi lực lượng quân đội miền Đông (LNA) trung thành với Tướng Khalifa Haftar áp đặt phong tỏa xuất khẩu năng lượng sau khi phát động chiến dịch quân sự nhằm vào thủ đô Tripoli - thuộc quyền kiểm soát của Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA).
Ngày 18/9 vừa qua, Tướng Haftar cho biết sẽ dỡ bỏ lệnh phong toả xuất khẩu dầu sau 8 tháng áp đặt, với điều kiện doanh thu phải được chia công bằng cũng như đảm bảo nguồn tiền này sẽ không được dùng để hỗ trợ khủng bố.
Tình trạng “bất khả kháng” về sản xuất dầu được viện dẫn trong những trường hợp đặc biệt, cho phép miễn trách nhiệm của NOC khi không thể thực hiện hoạt động giao dầu đúng thời hạn và số lượng theo hợp đồng đã ký kết với các đối tác nước ngoài.
Từ năm 2014, tại Libya tồn tại hai chính quyền song song với sự hậu thuẫn của các lực lượng vũ trang riêng. GNA kiểm soát thủ đô Tripoli, nhận được sự ủng hộ của Liên hợp quốc, Qatar và các nhóm vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, LNA hậu thuẫn chính quyền ở miền Đông và được Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Nga và Ai Cập ủng hộ.
Từ đầu năm nay, các lực lượng ủng hộ Tướng Haftar đã phong tỏa các khu vực khai thác và xuất khẩu dầu mỏ chính của Libya để đòi phân chia doanh thu công bằng.
Công ty Dầu mỏ quốc gia (NOC) của Libya ước tính việc phong tỏa này gây thiêt hại tới 9,8 tỷ USD doanh thu từ dầu mỏ của Libya, khiến tình trạng thiếu điện và nhiên liệu ở quốc gia này trở nên trầm trọng hơn./.
Nguồn tin: bnews.vn