Theo phân tích mới nhất của Rystad Energy, mỏ đá phiến Vaca Muerta của Argentina đã đạt kỷ lục sản lượng dầu mới là 400.000 thùng/ngày trong quý 3 và đang trên đà đạt 1 triệu thùng/ngày vào năm 2030. Sản lượng tăng 35% so với năm trước trong quý 3 là nhờ năng suất được cải thiện và công suất đường ống vận chuyển mở rộng, do nhà điều hành hàng đầu Yacimientos Petrolíferos Fiscales (YPF) dẫn đầu và được hỗ trợ bởi các nhà sản xuất độc lập trong nước.
YPF, chiếm gần 55% sản lượng dầu của Vaca Muerta trong quý trước, đã chứng kiến doanh thu tăng 7% so với quý 2 và 18% so với năm ngoái, vượt 5,3 tỷ đô la. Nhà sản xuất độc lập Vista Energy cũng đóng vai trò quan trọng, với mỏ Bajada del Palo Oeste đóng góp hơn 20% vào mức tăng trưởng sản lượng dầu, tiếp theo là mỏ Bandurria Sur do YPF điều hành và Loma Campana-Loma La Lata.
Sự tăng trưởng này cũng được phản ánh trong số lượng giếng khoan ngang được đưa vào sản xuất ngày càng tăng, trung bình 40 giếng mỗi tháng trong quý 3, tăng từ 33 giếng của quý 1 và 34 giếng trong quý 2. Chỉ riêng trong tháng 9, đã có kỷ lục 46 giếng mới được đưa vào hoạt động, trong đó 39 giếng nằm trong vùng dầu mỏ và số còn lại nằm trong vùng khí đốt, nhấn mạnh hiệu quả hoạt động liên tục và động lực của ngành khai thác đá phiến hàng đầu của Argentina.
Để duy trì mức tăng trưởng này, Argentina đang đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng năng lượng để giải quyết tình trạng tắc nghẽn. Đường ống Vaca Muerta Sur trị giá 2,5 tỷ đô la, được triển khai theo Chế độ khuyến khích đầu tư lớn (RIGI), là nền tảng của những nỗ lực này, nhằm mục đích mở rộng năng lực tiếp nhận và tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển dầu từ Vaca Muerta đến các thị trường toàn cầu. Song song đó, Argentina đã tăng cường đáng kể mạng lưới giao thông, thúc đẩy tiềm năng cung cấp trong nước và xuất khẩu. Đơn cử như, việc mở rộng đường ống Nestor Kirchner được dùng để cải thiện hiệu quả vận chuyển khí đốt, hỗ trợ khả năng tự cung tự cấp lớn hơn và tiềm năng xuất khẩu LNG trong tương lai.
“Không thể cường điệu về tầm quan trọng của Vaca Muerta đối với sự độc lập về năng lượng của Argentina và những nỗ lực giảm nhập khẩu. Bên cạnh các công ty nhà nước, các nhà sản xuất độc lập có ảnh hưởng ngày càng tăng trong cuộc chơi, đóng góp 35% sản lượng dầu và 23% sản lượng khí đốt. Có mọi lý do để coi Vaca Muerta là trụ cột chính của chiến lược năng lượng dài hạn và khả năng phục hồi kinh tế của Argentina, với khả năng thực sự đạt mốc 1 triệu thùng/ngày vào năm 2030”, Radhika Bansal, Phó chủ tịch, bộ phận Nghiên cứu thượng nguồn, Rystad Energy cho biết.
Những mức tăng sản lượng này phù hợp với câu chuyện rộng hơn định hình ngành năng lượng của Argentina, bao gồm mức tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái về sản lượng khí đốt tự nhiên trong quý 3. Với sự kết thúc của mùa đông ở Nam bán cầu và nhu cầu khí đốt trong nước suy giảm sau đó, quốc gia này đang hướng đến các mỏ đầy hứa hẹn như Vaca Muerta như một giải pháp để chấm dứt sự phụ thuộc vào nhập khẩu khí đốt, chủ yếu từ Bolivia, cho các tỉnh phía bắc của mình. Quốc gia này cũng đặt mục tiêu kiếm tiền từ trữ lượng khí đốt của mình trên thị trường xuất khẩu, được hỗ trợ bởi các ưu đãi đầu tư nhắm vào các dự án cơ sở hạ tầng và kho chứa.
Các nhà sản xuất độc lập như Pluspetrol cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng sản lượng khí đốt trong quý trước. Bên cạnh các mỏ do Tecpetrol và YPF khai thác, mỏ La Calera do Pluspetrol khai thác đã cùng nhau chiếm hơn 45% tổng sản lượng khí đốt. Các mỏ Aguada de La Arena của YPF và Aguada Pichana Este của TotalEnergies theo sau, đóng góp lần lượt 17% và 13% vào tổng mức tăng trưởng. Xu hướng tăng này đối với các nhà sản xuất độc lập được ghi nhận đối với cả dầu và khí đốt, đặc biệt là khí đốt.
Khi mùa hè đến gần ở Argentina, nhu cầu khí đốt tự nhiên trong nước thường giảm, dẫn đến hoạt động của các giếng khí đốt giảm. Xu hướng theo mùa này được phản ánh trong quý 3 khi chỉ có 15 giếng khí được đưa vào hoạt động so với 27 giếng trong quý trước đó. Trong số những công ty đóng góp chính, là Pan American và Pluspetrol, mỗi công ty bắt đầu khai thác từ bốn giếng, trong khi Pampa và TotalEnergies mỗi công ty bổ sung ba giếng vào tổng số.
Trong khi đó, bối cảnh của các hãng khai thác đang thay đổi tại Vaca Muerta, sau một loạt hoạt động sáp nhập và mua lại (M&A) trong khu vực. Tháng trước, hãng khai thác độc lập Pluspetrol đã hoàn tất một thỏa thuận mang tính bước ngoặt để mua lại tài sản của ExxonMobil trong lĩnh vực khai thác đá phiến đang phát triển mạnh sau hơn một năm đàm phán. Việc mua lại này làm tăng gấp bốn lần diện tích nắm giữ của Pluspetrol trong lưu vực lên khoảng 160.000 mẫu Anh, với tiềm năng mở rộng thêm lên 215.000 mẫu Anh nếu công ty đồng sở hữu là QatarEnergy quyết định thoái vốn. Bất kể quyết định của QatarEnergy như thế nào, thương vụ này đã củng cố vị thế của Pluspetrol là một công ty hàng đầu tại Vaca Muerta.
Nguồn tin: xangdau.net/Rystad Energy