Theo thống kê, trong cả năm 2018, Việt Nam nhập khẩu xăng dầu nhiều nhất từ thị trường Malaysia. Tiếp đến là Hàn Quốc do doanh nghiệp được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc.
Sản xuất xăng dầu trong nước khá ổn định
Theo Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam của Bộ Công Thương, trong những năm gần đây, sản xuất xăng dầu trong nước khá ổn định và tăng về quy mô, số lượng, góp phần tạo nguồn xăng dầu phục vụ tiêu thụ nội địa, bên cạnh nguồn nhập khẩu.
Từ tháng 5/2018, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn bắt đầu có sản phẩm xăng dầu, cùng với sản phẩm của Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã đáp ứng phần lớn nhu cầu cho thị trường nội địa.
Trong năm 2018, sản lượng của Nhà máy lọc dầu Dung Quất đạt khoảng 7,73 triệu m3/tấn (không tính lượng FO xuất khẩu), gồm 3,76 triệu m3 xăng, 3,39 triệu m3 dầu diesel, 573 ngàn m3 Jet A1/KO. Sản lượng của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đạt khoảng 2,928 triệu m3, gồm 1,407 triệu m3 xăng và 1,520 triệu m3 dầu diesel.
Ngoài Nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, hiện có 3 thương nhân thực hiện hoạt động sản xuất xăng dầu khác với tổng sản lượng đạt khoảng 638 ngàn m3/tấn năm 2018.
Ảnh minh họa
Cũng theo Báo cáo của Bộ Công Thương, năm 2018, nhu cầu tiêu thụ nội địa về xăng dầu của cả nước khoảng 18,6 triệu m3/tấn xăng dầu các loại. Như vậy, sản xuất trong nước năm 2018 đáp ứng khoảng trên 60% tổng nhu cầu tiêu thụ nội địa.
Lượng nhập khẩu xăng dầu năm 2018 giảm mạnh so với 2017 là do sản xuất trong nước đã tăng đáng kể. Tuy nhiên, dưới tác động của việc giá dầu thế giới tăng, giá xăng dầu nhập khẩu bình quân năm 2018 đã tăng khoảng 22,1% kéo theo kim ngạch xuất khẩu tăng 8,1% so với năm 2017.
Về cơ cấu mặt hàng nhập khẩu, Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam của Bộ Công Thương cho thấy, trong năm 2018, diesel tiếp tục là mặt hàng có lượng nhập khẩu nhiều nhất, đạt 6,33 triệu tấn, trị giá 4,13 tỷ USD, giảm 13,6% về lượng và tăng 11% về trị giá so với năm 2017. Xăng là mặt hàng có lượng nhập khẩu giảm mạnh nhất, đạt 2,05 triệu tấn xăng, trị giá 1,57 tỷ USD, giảm 93,5% về lượng và giảm 21,6% về trị giá.
“Mặc dù năm 2018 diễn biến giá dầu có nhiều biến động, tăng mạnh giảm sâu bất thường nhưng công tác điều hành giá của các cơ quan quản lý Nhà nước đã được thực hiện linh hoạt, có sự phối hợp tốt giữa các Bộ, ngành, mang lại hiệu quả rõ nét”, Báo cáo của Bộ Công Thương chỉ rõ.
Trong năm 2018, đã có 21 lần giá xăng dầu được điều chỉnh. Nhìn lại diễn biến giá trong năm 2018, có thể thấy: Quý I, giá xăng dầu trong nước phần lớn đi ngang và giảm nhẹ. Sang quý II và III, giá xăng dầu bắt đầu tăng. Đến tháng 10, giá xăng dầu lần lượt đạt đỉnh, sau đó, giá xăng dầu trong nước đã giảm liên tục trong 5 kỳ điều hành tiếp theo đến hết năm.
Tính chung cả năm 2018, giá xăng trong nước giảm hơn 1.000 đồng mỗi lít, trong khi đó giá dầu tăng 800 - 1.600 đồng/lít, kg tùy loại.
Việt Nam nhập khẩu xăng dầu nhiều nhất từ thị trường Malaysia
Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam 2018 của Bộ Công Thương cho biết, xăng dầu được nhập khẩu từ thị trường ASEAN (Singapore, Malaysia, Thái Lan), Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nga, Hồng Kông (Trung Quốc),...
Cơ cấu thị trường nhập khẩu xăng dầu kể từ năm 2016 có sự biến động so với thời gian trước do tác động của việc giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo các FTA. Tương tự như năm 2017, nhập khẩu xăng dầu năm 2018 tập trung chủ yếu ở khu vực ASEAN và thị trường Hàn Quốc, chiếm gần 90% tổng kim ngạch nhập khẩu xăng dầu của cả nước.
Tính chung trong cả năm 2018, Việt Nam nhập khẩu xăng dầu nhiều nhất từ thị trường Malaysia, với mức tăng mạnh 30% về giá, 22,4% về lượng và 59,2% về kim ngạch, đạt 3,28 triệu tấn, tương đương 2,05 tỷ USD, chiếm 28,7% trong tổng lượng xăng dầu nhập khẩu của cả nước và chiếm 26,9% trong tổng kim ngạch.
Thị trường nhập khẩu thứ hai của Việt Nam là Hàn Quốc. Lượng xăng dầu nhập khẩu từ thị trường này giảm 21,4% về lượng và giảm 7,5% về kim ngạch so với cùng kỳ, đạt 2,42 triệu tấn, tương đương 1,79 tỷ USD, chiếm 21,2% trong tổng lượng và chiếm 23,5% trong tổng kim ngạch. Giá nhập khẩu đạt trung bình 740,6 USD/tấn, tăng 17,6%.
“Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu xăng chủ yếu của Việt Nam do doanh nghiệp được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc”, Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam 2018 chỉ rõ.
Trong khi đó, nhập khẩu xăng dầu từ Singapore cũng ghi nhận mức sụt giảm mạnh 44,2% về lượng và kim ngạch giảm 29,1% so với cùng kỳ, đạt 2,4 triệu tấn, trị giá 1,53 tỷ USD, chiếm 21% trong tổng lượng và tổng kim ngạch. Giá nhập khẩu đạt 637,8 USD/tấn, tăng 27,1%.
Xăng dầu nhập khẩu từ thị trường Nga mặc dù chỉ đạt 128.828 tấn, tương đương 109,78 triệu USD nhưng so với cùng kỳ thì tăng rất mạnh 255,3% về lượng và tăng 402,7% về kim ngạch, giá cũng tăng 41,5%, đạt 852,2 USD/tấn.
Nhập khẩu từ Trung Quốc cũng tăng mạnh 29,4% về giá, 49,3% về lượng và tăng 93,2% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước, đạt 1,46 triệu tấn, trị giá trên 1 tỷ USD, giá 686,5 USD/tấn.
Nguồn tin: vnmedia.vn