Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Maduro: Venezuela sẵn sàng xuất khẩu dầu của mình ra thế giới

Đầu năm nay, đã có nhiều hy vọng về việc Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt cho Venezuela trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung dầu và giá tăng do cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, để cho phép ‘vàng đen’ một lần nữa chảy ra khỏi gã khổng lồ dầu mỏ Nam Mỹ này. Nhưng điều này vẫn chưa thành hiện thực. Tuy đã cho phép một số giao dịch dầu được thực hiện nhưng tuyên bố của Venezuela với thế giới là rõ ràng - nước này đã sẵn sàng để bơm và xuất khẩu một lượng lớn dầu thô bất cứ khi nào có cơ hội.

Mặc dù chính phủ Mỹ bao nhiêu lần từ chối lời thỉnh cầu của Venezuela về việc chấm dứt các lệnh trừng phạt và lấp khoảng trống nguồn cung để lại do các lệnh trừng phạt đối với năng lượng của Nga, nhưng nước này sẽ không từ bỏ nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu dầu thô. Tổng thống Madero trong tuần này tuyên bố Venezuela sẵn sàng tiếp tục sản xuất và xuất khẩu dầu cho các nước trên thế giới bất cứ khi nào có cơ hội. Tại một sự kiện được tổ chức trong chuyến thăm của Tổng thư ký OPEC tới Caracas, ông Maduro cho biết “Venezuela sẵn sàng và sẵn lòng thực hiện vai trò của mình và cung ứng nguồn cung ổn định và an toàn cho thị trường dầu khí mà nền kinh tế thế giới cần.

Nhà độc tài nước này đã dập tắt lo ngại rằng ngành công nghiệp dầu mỏ của Venezuela còn lâu mới phục hồi, sau nhiều năm sản lượng thấp và thiếu sự đầu tư. Sản lượng của Venezuela hiện ở mức khoảng 700.000 thùng / ngày so với 2,3 triệu thùng/ngày cách đây hai thập kỷ. Điều này xuất phát từ các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ áp đặt đối với hoạt động buôn bán dầu thô của Venezuela, vốn trước đây cung cấp khoảng 96% thu nhập của cả nước.

Vào tháng 5, Tổng thống Biden đã nhượng bộ một số biện pháp trừng phạt, cho phép Venezuela xuất khẩu dầu sang châu Âu để trả nợ. Công ty Eni của Ý và tập đoàn dầu mỏ lớn Repsol của Tây Ban Nha đã được phép vận chuyển dầu thô của Venezuela tới châu Âu theo hình thức hoán đổi dầu để trả nợ, giúp lấp khoảng trống nguồn cung trong khu vực. Đây không phải là sự thay đổi mà Venezuela đã hy vọng, nhưng nó mang lại sự lạc quan hơn cho việc nhượng bộ nhiều hơn trong những tháng tới.

Nhưng vào tháng 8, Maduro quyết định dừng việc vận chuyển dầu để trả nợ đến châu Âu, tuyên bố ông muốn nhiên liệu tinh chế từ Eni và Repsol để đổi lấy dầu thô thay cho thỏa thuận hiện tại. Venezuela đã gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nhiên liệu tinh chế trong những tháng gần đây, khi nhiều nhà máy lọc dầu của nước này đang trong tình trạng hư hỏng. Venezuela đã giao dịch dầu thô để lấy condensate với Iran nhằm đáp ứng nhu cầu của mình, tránh được các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với hai nước. Nếu Venezuela có thể nhập khẩu nhiều dầu tinh chế hơn, nước này có thể hỗ trợ tốt hơn cho sự phục hồi của ngành công nghiệp dầu mỏ, khi một số hoạt động đòi hỏi phải có chất pha loãng để tiếp tục sản xuất. Cho đến nay, châu Âu vẫn chưa đồng ý yêu cầu này, một lần nữa lại để lại khoảng trống về nguồn cung.

Nhưng Venezuela có bao nhiêu tiềm năng dầu mỏ? Gã khổng lồ dầu mỏ Nam Mỹ có trữ lượng dầu thô lớn nhất thế giới, theo ước tính chiếm khoảng 18,2% thùng dầu của thế giới vào năm 2016. Và mặc dù sản lượng hiện tại đang ở mức thấp do các lệnh trừng phạt, nhưng Maduro tin rằng nước này có thể nhanh chóng tăng sản lượng lên vài trăm nghìn thùng dầu mỗi ngày. Tuy nhiên, sự gia tăng sản lượng dài hạn đáng kể sẽ đòi hỏi các khoản đầu tư lớn từ nước ngoài vào hoạt động thăm dò và cơ sở hạ tầng dầu khí.

Thiết bị hỏng hóc, mỏ dầu vô chủ và thiếu nhân lực chỉ là một số thách thức mà các chuyên gia năng lượng nhấn mạnh là những rào cản để đạt được thành công trong sản xuất về lâu dài. Điều này, cùng với sự bất ổn chính trị, đã ngăn cản nhiều công ty dầu mỏ đầu tư vào khu vực, mặc dù trữ lượng dồi dào. Hiện tại, tập đoàn dầu khí lớn của Hoa Kỳ Chevron, ENI của Ý và Repsol của Tây Ban Nha tiếp tục hoạt động tại nước này, khi các công ty khác, chẳng hạn như ExxonMobil, đã rút lui sau các lệnh trừng phạt đối với ngành.

Câu hỏi về ‘điều đỡ tệ hại hơn trong hai điều tệ hại’ đã dấy lên trong những tháng gần đây. Nhiều người đặt câu hỏi liệu các lệnh trừng phạt Venezuela có nên được nới lỏng để giảm bớt gánh nặng cho châu Âu và Bắc Mỹ do mất nguồn cung dầu của Nga hay không. Tuy nhiên, mối quan hệ chính trị mật thiết của Venezuela với Cuba, Trung Quốc và Nga đã khiến nhiều người trở nên chỉ trích hơn đối với lựa chọn này. Sự dùng dằng này đã khiến các biện pháp trừng phạt được nới lỏng trong vài tháng. Tuy nhiên, một số người hiện đang đặt câu hỏi liệu các lệnh trừng phạt áp dụng đối với dầu của Venezuela đã có hiệu lực bao giờ hay chưa.

Ngay từ đầu, không có phân tích rõ ràng về kết quả dự đoán của các lệnh trừng phạt. Cựu trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Tây bán cầu Kimberly Breier cho rằng các lệnh trừng phạt được ban hành mà không đánh giá được nhiều hậu quả hoặc tác động tiềm ẩn đối với người dân Venezuela. Bà nhận định, "Hoàn toàn không có bằng chứng" rằng lệnh trừng phạt dầu mỏ sẽ dẫn đến việc loại bỏ Maduro, nhưng Bolton "đặt kỳ vọng rằng bằng cách nào đó điều này sẽ xảy ra một cách kỳ diệu".

Điều này đã dẫn đến một cuộc suy thoái kinh tế lớn ở nước này, thiếu nhiên liệu trầm trọng và điều kiện sống tồi tệ của người dân Venezuela. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt đã không ngăn được nước này bán dầu của mình, vì họ tiếp tục thúc đẩy quan hệ thương mại với Iran và Trung Quốc. Vì vậy, với câu hỏi về việc liệu các lệnh trừng phạt có hiệu quả ngay từ đầu hay không, tình trạng thiếu hụt nguồn cung toàn cầu và việc Maduro sẵn sàng khuyến khích các hoạt động khai thác dầu của quốc gia này ngay khi được phép, thì tình hình có thể sớm thay đổi đối với Venezuela.

Nguồn tin: xangdau.net  

ĐỌC THÊM