Nhu cầu năng lượng gia tăng ở các nền kinh tế Đông Nam Á đang thúc đẩy các thương vụ thâu tóm và sáp nhập (M&A) dầu khí trong khu vực.
Hồi tháng 3, công ty khai thác và thăm dò dầu khí PTTEP, đơn vị thành viên của tập đoàn dầu khí quốc gia Thái Lan PTT, thông báo mua lại các tài sản dầu khí của công ty thăm dò khí đốt và dầu mỏ Murphy Oil (Mỹ) tại Malaysia với giá 2,1 tỉ đô la Mỹ. Ảnh: New Straits Times
Theo công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie, kể từ đầu năm, Đông Nam Á đã chứng kiến các thương vụ M&A dầu khí trị giá 2,8 tỉ đô la.
Hồi tháng 3, công ty khai thác và thăm dò dầu khí PTTEP, đơn vị thành viên của tập đoàn dầu khí quốc gia Thái Lan PTT, quyết định mua lại các tài sản dầu khí của công ty thăm dò khí đốt và dầu mỏ Murphy Oil (Mỹ) tại Malaysia với giá 2,1 tỉ đô la.
Wood Mackenzie dự báo khoảng 14 tỉ đô la tài sản dầu khí có thể được trao tay ở khu vực Đông Nam Á trong 2019 vì đang có nhiều thương vụ M&A tầm cỡ như thương vụ PTTEP-Murphy được kỳ vọng sẽ hoàn tất trong năm nay.
Các thương vụ lớn như PTTEP-Murphy cho thấy quy mô giá trị giao dịch trong hoạt động M&A dầu khí ở Đông Nam Á đang tăng vọt vì trong năm năm qua, giá trị trung bình của các thương vụ M&A dầu khí của khu vực này chỉ là 111,6 triệu đô la, theo dữ liệu của S&P Global Market Intelligence.
Wood Mackenzie cho biết trong bốn năm qua, tổng giá trị của các thương vụ trong ngành năng lượng ở châu Á ở mức khoảng từ 5,4 đến 8,7 tỉ đô la.
Nhà phân tích Andrew Harwood ở công ty Wood Mackenzie kỳ vọng các bên thực hiện M&A sẽ là các tập đoàn dầu khí quốc gia ở Đông Nam Á và các đối thủ nhỏ hơn trong khu vực có sự hậu thuẫn tài chính từ một số công ty dầu khí quốc tế tầm trung đang có những tham vọng ở Đông Nam Á.
Khi các nền kinh tế ở Đông Nam Á tiếp tục tăng trưởng, nhu cầu năng lượng của họ đồng thời tăng theo. Điều này có nghĩa là các tập đoàn dầu khí quốc gia như như Pertamina của Indonesia và PTT của Thái Lan sẽ phải đầu tư lên đến 30 tỉ đô la trong những năm tới để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước, theo Wood Mackenzie.
Nhu cầu năng lượng đang tăng nhanh trong khu vực và nhu cầu vốn và đầu tư công nghệ để khai khác các mỏ dầu mới cũng có thể tạo ra động lực để níu chân một số công ty dầu khí quốc tế tầm trung ở lại Đông Nam Á. Tuy nhiên, một số ông lớn dầu khí toàn cầu khác lại đang tìm cách thoát khỏi khu vực.
Parul Chopra, nhà phân tích ở công ty nghiên cứu thị trường năng lượng Rystad Energy (Na Uy), cho biết: “Trong số các ông lớn dầu khí toàn cầu, tập đoàn Shell tiếp tục thanh lý tài sản trong khu vực và đang nhắm đến kế hoạch chuyển nhượng 35% cổ phần mà Shell đang nắm giữ tại dự án khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Abadi ở Indonesia với giá đến một tỉ đô la Mỹ”.
Trong khi đó, các tập đoàn dầu khí quốc gia ở Đông Nam Á, đang chuyển hướng nhắm đến đến các dự án và tài sản dầu khí trong khu vực, thay vì ở bên ngoài.
Hồi tháng 4, S&P Global Ratings công bố báo cáo cho biết sau khi các hoạt động mở rộng đầu tư sang châu Phi và Tây Á đón nhận các kết quả thất vọng trong một số trường hợp, “hầu hết các nhà sản xuất dầu khí tư nhân và quốc gia ở châu Á đang gia tăng tập trung vào các thị trường ở quê nhà trong nỗ lực tìm kiếm các trữ lượng mới và mở rộng quy mô sản lượng khai thác”.
Đợt phục hồi giá dầu trong những tháng gần đây có thể làm gia tăng lạm phát và gây áp lực cho đồng nội tệ ở nhiều nền kinh tế nhập khẩu ròng dầu thô của châu Á, nơi mức độ phụ thuộc vào dầu nhập khẩu dao động từ 50% nhu cầu ở Indonesia đến 83% nhu cầu ở Ấn Độ và 90% nhu cầu ở Philippines.
Theo một báo cáo gần đây ở bộ phận nghiên cứu của Ngân hàng ANZ, đợt tăng giá dầu trong chín tháng đầu của năm ngoái khiến đồng nội tệ của một số nền kinh tế châu Á như Ấn Độ, Indonesia và Philippines, vốn đang chịu thâm hụt tài khoản vãng lai, bị rớt giá mạnh.
Báo cáo của ANZ nhận định giá dầu tăng cao giữa lúc thị trường đang đối mặt các rủi ro nguồn cung vẫn là một lo ngại đối với đồng nội tệ ở các nền kinh tế này. Song giá dầu phục hồi có thể khuyến khích các động lực M&A dầu khí, giúp khởi động các dự án trong khu vực vốn bị ngưng trệ do giá dầu suy giảm vào những năm trước.
S&P Global Ratings cho biết trong đợt tăng giá dầu vừa rồi, các công ty dầu khí Trung Quốc đã tích cực thâu tóm các tài sản dầu khí ở nước ngoài bao gồm ở khu vực Đông Nam Á. S&P Global Ratings lưu ý khi giá dầu giảm, các công ty dầu khí quốc gia Trung Quốc không tiến hành các vụ M&A lớn nào ở nước ngoài.
Nguồn tin: thesaigontimes.vn