Có một sự chênh lệch lớn giữa lượng dầu dự trữ toàn cầu theo ước tính và mức dự trữ dầu toàn cầu theo quan sát thực tế.
Ước tính của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vào tuần trước cho thấy 200 triệu thùng dầu đã không được kiểm kê dựa trên các tính toán về tồn kho và các kho dự trữ toàn cầu được quan sát.
Theo một bản tin của Bloomberg, IEA đã tính toán rằng, dựa trên những giả định về cung và cầu nhất định, dự trữ dầu toàn cầu năm ngoái lẽ ra đã giảm 400 triệu thùng. Nhưng thay vào đó, dự trữ dầu đã giảm 600 triệu thùng.
200 triệu thùng "mất tích" có thể chỉ tương đương với số dầu được tiêu thụ trên toàn cầu trong hai ngày, nhưng xét về lượng dự trữ của OECD, đó là một con số lớn.
Bloomberg dẫn lời IEA cho biết: “Việc hồi cứu cho thấy khó khăn trong hai năm qua trong việc phân tích và dự báo cung cầu một cách đáng tin cậy. Bài học được rút ra cho năm 2022 và cho phép chúng tôi hiểu rõ hơn về thị trường của mình."
"Nhưng thùng dầu mất tích"
Vậy, những thùng dầu đó đã đi đâu? Tất nhiên, không ai mất chúng, và chúng cũng không bị thay thế.
Rất có thể, 200 triệu thùng "mất tích" là kết quả của việc cơ quan này đánh giá quá cao nguồn cung dầu toàn cầu, và đánh giá thấp nhu cầu hoặc sự kết hợp của cả hai, Julian Lee, chiến lược gia dầu mỏ của Bloomberg, lưu ý.
Những "thùng bị mất" cho thấy rõ thực tế là IEA tập trung vào việc kiểm đếm các kho dự trữ dầu của OECD, các nền kinh tế phát triển, trong khi các kho dự trữ ở các nền kinh tế đang phát triển hiếm khi được báo cáo thường xuyên. Ví dụ điển hình cho trường hợp này là nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, Trung Quốc, nơi tồn kho dầu thô và sản phẩm tinh chế thường vẫn còn là một bí ẩn vì các nhà chức trách không báo cáo số liệu. Lượng dầu thô và sản phẩm mà Trung Quốc đã hoặc đang tích trữ thường là tùy thuộc vào suy đoán và dựa trên dữ liệu hình ảnh vệ tinh cho các kho chứa có thể quan sát được trên mặt đất.
Các đánh giá về kho dự trữ của OECD của IEA cũng được quan sát thông qua các cuộc khảo sát trên không, nhưng cơ quan này chủ yếu sử dụng kho dự trữ của các quốc gia phát triển làm thước đo chính cho tồn kho toàn cầu. Điều này cho thấy vào những thời điểm có sự gián đoạn lớn đối với cung và cầu dầu thế giới - như trong hai năm qua - IEA và tất cả các tổ chức dự báo khác về vấn đề đó, đều phải đối mặt với những thách thức lớn để đánh giá sự cân bằng thị trường dầu.
Nguồn cung được đánh giá quá cao
IEA đã thừa nhận nhiều điều như vậy trong Báo cáo Thị trường Dầu của mình cho tháng 1 vào tuần trước.
Cơ quan này cho biết: “Sự chênh lệch ngày càng lớn giữa những thay đổi về nguồn cung được quan sát và tính toán cho thấy nhu cầu có thể cao hơn hoặc nguồn cung thấp hơn so với báo cáo hoặc giả định”.
Giả định ưu tiên đằng sau ước tính nguồn cung là nhóm OPEC+ đã bổ sung 400.000 thùng/ngày vào tổng nguồn cung mỗi tháng kể từ tháng 8 năm 2021.
Nhưng trên thực tế, cho đến nay OPEC+ đã không đạt được mục tiêu tăng 400.000 thùng/ngày vào mỗi tháng kể từ tháng Tám và có khả năng sẽ tiếp tục như vậy trong những tháng tới.
Ngay cả các quan chức OPEC cũng thừa nhận nhóm OPEC+ sẽ phải chật vật để tăng nguồn cung ở mức cho phép và giá có thể tăng vọt lên 100 USD/thùng, một số quan chức từ các nhà sản xuất OPEC gần đây đã nói với Reuters.
IEA lưu ý trong báo cáo tháng 1 rằng nguồn cung dầu toàn cầu chỉ tăng 130.000 thùng/ngày trong tháng 12, lên 98,6 triệu thùng/ngày, "do gián đoạn nguồn cung ở Libya và Ecuador và mức tăng nhỏ hơn dự kiến từ OPEC+ đã bù trừ phần lớn sự tăng trưởng dự kiến."
IEA cho biết các nhà sản xuất OPEC+ đã đạt tổng mức tăng 250.000 thùng/ngày trong tháng trước, thấp hơn nhiều so với mức được phân bổ và thấp hơn 790.000 thùng/ngày so với mục tiêu của nhóm.
"Sự thiếu hụt này chủ yếu là do sản xuất kém ở Nigeria, Angola và Malaysia, tất cả đều phải đối mặt với các vấn đề kỹ thuật và vận hành. Nga đã bơm dưới hạn ngạch lần đầu tiên kể từ khi việc cắt giảm kỷ lục được thực thi”, IEA lưu ý
Rõ ràng, nguồn cung từ nhóm OPEC+ thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu mà IEA và các tổ chức dự báo khác đã giả định khi dự báo sự cân bằng thị trường.
Sự phục hồi nhu cầu bị đánh giá thấp
Mặt khác, nhu cầu phục hồi mạnh mẽ trong suốt năm 2021 và đã giữ vững trong làn sóng Omicron cho đến nay, trái ngược với các tính toán ban đầu từ IEA và các tổ chức dự báo khác rằng biến thể COVID mới sẽ làm gián đoạn tiêu thụ ở mức độ lớn hơn.
Báo cáo của IEA cho thấy, nhu cầu dầu toàn cầu đã tăng 1,1 triệu thùng/ngày lên 99 triệu thùng/ngày trong quý 4 năm 2021, bất chấp dự đoán sức tiêu thụ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi làn sóng Omicron.
Theo công ty dầu lớn nhất và là nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, gã khổng lồ Aramco của Saudi Arabia, nhu cầu dầu toàn cầu đang "tiến rất gần đến mức trước đại dịch", Giám đốc điều hành Amin Nasser cho biết hôm thứ Hai.
Thị trường thắt chặt hơn và giá dầu cao hơn
Nguồn cung dầu thấp hơn dự kiến - do OPEC+ không đủ công suất và tình trạng ngừng hoạt động đột ngột ở Libya, Ecuador và Kazakhstan - cùng với nhu cầu dầu cao hơn dự báo sẽ tiếp tục dẫn đến lượng dự trữ giảm trong tháng 11 và tháng 12, báo cáo của IEA cho thấy, trái ngược với những dự báo trước đó rằng tồn kho ở các nước OECD sẽ bắt đầu tăng vào quý 4 năm 2021.
Việc rút dầu trong kho tiếp tục diễn ra đã làm thắt chặt thị trường hơn so với dự kiến trước đó. Mặc dù dự báo thừa cung trong quý này, nhưng sẽ nhỏ hơn nhiều so với dự báo ban đầu và khả năng sự gia tăng kho dự trữ sẽ bắt đầu từ mức thấp hơn nhiều so với bình thường.
Nguồn cung eo hẹp hơn, cùng với công suất sản xuất dự phòng thu hẹp, đã khiến ngày càng nhiều ngân hàng đầu tư lạc quan về giá dầu. Theo đó, các ngân hàng lớn ở Phố Wall, bao gồm Goldman Sachs, Bank of America, JP Morgan và Morgan Stanley, dự báo giá sẽ chạm 100 USD/thùng ngay trong năm nay.
Nguồn tin: xangdau.net