Hoa Kỳ đã thông báo việc giải phóng dầu từ kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR) hôm thứ Ba, đồng thời nói rằng họ hy vọng OPEC+ sẽ tiếp tục bổ sung 400.000 thùng mỗi ngày vào sản lượng mỗi tháng theo như kế hoạch đã vạch ra vào tháng Bảy.
Trong khi Chính quyền Hoa Kỳ muốn liên minh OPEC+ bơm dầu nhiều hơn và từ đó giúp hạ nhiệt giá dầu và xăng cao, thì liên minh các nhà sản xuất dầu Trung Đông và Nga không thể nâng sản lượng lên nhiều hơn mức họ đang khai thác — ngay cả khi mục tiêu duy nhất của họ là giúp người tiêu dùng Mỹ trả giá xăng thấp hơn nhiều (dù điều này là không phải).
Nguyên nhân chủ yếu nằm ở công suất dự phòng của OPEC+ đang thu hẹp, chỉ tập trung ở một số nhà sản xuất lớn tại Trung Đông. Nhóm OPEC+ nói chung đã và đang phải vật lộn với việc đạt được hạn ngạch của mình trong nhiều tháng do các thành viên OPEC ở châu Phi hoạt động kém hiệu quả đáng kể bởi thiếu công suất dự phòng và các khoản đầu tư.
Các nhà phân tích cho biết công suất dự phòng thậm chí còn thấp hơn các ước tính chính thức.
Vì vậy, ngay cả khi OPEC+ để ý đến những lời kêu gọi liên tục và nỗ lực phối hợp từ các quốc gia tiêu thụ dầu- dẫn đầu là Hoa Kỳ - để sản xuất nhiều hơn, thì cũng không có khả năng tăng sản lượng nhanh chóng. Việc để công suất sản xuất dự phòng ở mức tương đối thấp sẽ khiến thị trường - và giá dầu - dễ bị tác động hơn trước các cú sốc gián đoạn nguồn cung.
Công suất sản xuất dầu dự phòng đang thu hẹp
"Khi OPEC tăng cường sản lượng, công suất dự phòng của họ sẽ giảm đi. So với mức đệm 9 triệu thùng/ngày trong Quý 1 năm 2021, công suất dự phòng hiệu quả có thể giảm xuống dưới 4 triệu thùng/ngày vào Quý 2 năm 2022 và chỉ tập trung ở một số quốc gia Trung Đông, mặc dù cung dự kiến sẽ vượt cầu”, IEA cho biết trong báo cáo hàng tháng vào tháng 10.
Và nó cũng quay trở lại thông điệp mà nó được tạo ra trong cuộc khủng hoảng dầu mỏ vào những năm 1970 - giữ cho nguồn cung dầu toàn cầu đáng tin cậy để đáp ứng nhu cầu.
IEA cho biết vào tháng trước: “Công suất dự phòng toàn cầu thu hẹp cho thấy rõ đầu tư cần tăng lên để đáp ứng nhu cầu nhiều hơn nữa”, mặc dù thực tế là tổ chức này đã đề xuất vào đầu năm nay rằng một thế giới không phát thải ròng sẽ không cần đầu tư mới vào dầu sau năm 2021.
Ngành này cũng cảnh báo về tình trạng công suất dự phòng đang thu hẹp.
"Công suất dự phòng của ngành dầu mỏ, hiện ở mức 3-4 triệu thùng/ngày đang mang lại sự thoải mái nhất định cho thị trường, tuy nhiên, quan ngại của tôi là lớp đệm này có thể đang mỏng đi, đặc biệt là trong năm tới khi nhu cầu dự kiến sẽ phục hồi hơn nữa", Giám đốc điều hành của Saudi Aramco, Amin Nasser cho biết vào đầu tháng này.
“Những câu hỏi xung quanh việc liệu nhóm OPEC+ có đủ công suất dự phòng hay không và tác động lên giá dầu đang ngày càng được nhắc tới nhiều trong các cuộc thảo luận của trader và nhà đầu tư", hãng tư vấn năng lượng Energy Aspects cho biết sau cuộc họp hàng tháng của OPEC+ vào tháng 11.
"Phân tích của chúng tôi cho thấy OPEC+ có công suất dự phòng ít hơn nhiều so với một số tổ chức lớn và nhiều người trên thị trường giả định. Hơn nữa, công suất dự phòng không được phân bổ đồng đều trong liên minh và các quốc gia khác nhau gặp trở ngại trong việc nâng sản lượng, làm phức tạp việc đánh giá nguồn cung mà OPEC+ sẽ bổ sung trong năm tới ", các nhà phân tích của Energy Aspects cho biết thêm.
OPEC+ chật vật để tăng sản lượng theo kế hoạch
Trong một lưu ý gần đây hơn, được Reuters đưa tin, Energy Aspects cho biết "Dữ liệu gần đây càng củng cố dự báo lâu nay của chúng tôi rằng ngày càng nhiều thành viên của OPEC sắp hết công suất dự phòng."
Một số thành viên đã phải vật lộn với việc đạt được hạn ngạch của mình trong những tháng gần đây, vì vậy OPEC+ thực sự đang bổ sung ít hơn 400.000 thùng/ngày theo thỏa thuận mỗi tháng.
Báo cáo thị trường dầu hàng tháng mới nhất của OPEC cho thấy dữ liệu từ các nhà phân tích, công ty theo dõi tàu chở dầu và báo cáo hàng tháng của OPEC trước đó cho thấy: OPEC chưa đạt hạn ngạch sản xuất của mình.
Trớ trêu thay, nhưng không có gì đáng ngạc nhiên, một trong những nước tụt hậu lớn nhất trong việc tuân thủ trong các thỏa thuận trước đó - Nigeria - hiện đang bơm thấp hơn hạn ngạch khoảng 200.000 thùng/ngày do thiếu vốn đầu tư, trong khi các sự kiện bất khả kháng thường xuyên cũng góp phần làm cho sản lượng thấp hơn nhiều so với mức được phép khai thác theo thỏa thuận.
Trong OPEC+, bức tranh về cơ bản là giống nhau - ước tính tỷ lệ tuân thủ quy định cắt giảm của nhóm đã tăng lên 116% vào tháng 10 từ 115% vào tháng 9.
OPEC+ sẽ thay đổi?
Trong khi OPEC+ đang chật vật để có được mức tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày, thị trường đang suy đoán liệu nhóm này có phản ứng tại cuộc họp vào tuần tới trước thông báo về việc giải phóng SPR của Mỹ phối hợp với các nước tiêu thụ dầu lớn khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc.
Các đợt xả kho này không đáng chú ý về khối lượng, vì chúng tương đương với nửa ngày (Trung Quốc) và hai ngày rưỡi (Mỹ) lượng tiêu thụ xăng dầu tương ứng của các quốc gia giải phóng dầu thô từ các kho dự trữ chiến lược. Nhưng thông điệp rất rõ ràng: Chính quyền Hoa Kỳ đã chán ngấy việc OPEC+ liên tục phớt lờ những lời kêu gọi cung cấp thêm dầu của họ.
Liệu việc giải phóng SPR sẽ là một lý do nữa để OPEC+ điều chỉnh tốc độ nới lỏng cắt giảm và bổ sung sản lượng ít hơn so với kế hoạch hoặc thậm chí tạm dừng việc tăng sản lượng hàng tháng hay không.
Hoa Kỳ hy vọng OPEC + sẽ tiếp tục kiên trì.
"OPEC+ cho biết họ sẽ bổ sung thêm 400.000 thùng, và hy vọng cũng như kỳ vọng của chúng tôi là họ sẽ tiếp tục và duy trì - tuân thủ cam kết đó khi nhóm họp vào tuần tới", Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết hôm thứ Ba sau khi thông báo xả kho SPR.
Bình luận đầu tiên từ OPEC+ đến từ Bộ trưởng Năng lượng UAE, Suhail Al Mazrouei, người cho biết hôm thứ Ba, được hãng tin năng lượng Ả Rập Attaqa dẫn lời, "Tôi không nghĩ chúng tôi sẽ thay đổi kế hoạch."
Damien Courvalin, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Năng lượng & Chiến lược gia Hàng hóa Cấp cao tại Goldman Sachs, nói với Bloomberg Television hôm thứ Ba rằng: “OPEC không có động lực để tăng sản lượng một cách mạnh mẽ và việc giải phóng SPR có lẽ an ủi họ”.
Những dự báo về tình trạng thừa cung dầu ngay từ quý 1 năm 2022 và sự bùng phát dịch COVID ở châu Âu - không thể loại trừ việc phong tỏa ở Đức - có thể sẽ có tác động lớn hơn đến bất kỳ quyết định nào của OPEC+ vào tuần tới so với việc giải phóng SPR.
Nguồn tin: xangdau.net