Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Lý do thực sự khiến Big Oil từ chối tăng sản lượng

 

Trong vài tuần qua, mối quan hệ bất hòa ngày càng leo thang giữa Tổng thống Joe Biden và các công ty sản xuất dầu khí đá phiến ở West Texas. Khi giá khí đốt tăng cao tạo thêm sức ép cho người dân Mỹ vốn đã cảm nhận được áp lực lạm phát, căng thẳng kinh tế đang phản ánh lên chính quyền Biden, vốn đang kêu gọi để có được ai đó, bất kỳ ai - có thể là OPEC hoặc các nhà sản xuất ở lưu vực Permian - để tăng sản lượng và giảm bớt tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Tuy nhiên, cho đến nay, Big Oil vẫn chưa có động tĩnh.

Có rất nhiều suy đoán về lý do cho trường hợp này. Các chuyên gia đã bình luận về các khía cạnh chính trị của sự bế tắc này, lưu ý rằng ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch thiên về phe cánh hữu có rất ít động lực để giúp đỡ một chính quyền mà họ coi là chống đối và đe dọa đến sinh kế của mình. Về phần mình, Tổng thống Biden đã cáo buộc ngành dầu khí có khả năng thực hiện "hành vi bất hợp pháp" khi các giám đốc điều hành công ty dầu mỏ trở nên giàu có hơn nhờ giá dầu tăng cao và đã yêu cầu mở một cuộc điều tra liên bang về vấn đề này.

Tuy nhiên, theo các nguồn khác, lý do thực sự khiến Big Oil không tăng sản lượng đơn giản là vì vấn đề kinh tế học. Việc giữ nguồn cung eo hẹp là quá tốt cho lợi nhuận. Và nếu chính Tổng thống Biden là người gánh chịu sự chỉ trích cho giá cao, thì điều đó lại càng tốt. Quả thực, theo số liệu của Deloitte LLP, các hãng khai thác dầu ở Hoa Kỳ hiện đang kiếm được nhiều tiền hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử kéo dài hơn một thập kỷ của cuộc cách mạng đá phiến. "Và đây có thể chỉ là sự khởi đầu", Bloomberg Markets đưa tin trong tuần này. “Dòng tiền tự do, chỉ số quan trọng được các nhà đầu tư theo dõi, có thể sẽ tăng 38% trong năm tới, với giả định giá dầu vẫn leo dốc”.

Việc hạn chế sản lượng là một diễn biến mới cho ngành công nghiệp đá phiến, và rõ ràng là nó đang được đền đáp. Trước đây, lưu vực Permian đã không thể cưỡng lại tâm lý "khoan, khoan, khoan" khi giá dầu cao, cuối cùng làm ngập thị trường và kéo giá rớt xuống lại. Sau đó, điều này sẽ được theo sau bởi một giai đoạn cắt giảm sản lượng và các biện pháp thắt lưng buộc bụng cho đến khi giá dầu phục hồi, và sau đó các công ty sẽ giới hạn sản lượng và quá trình này sẽ bắt đầu lại một chu kỳ bùng nổ và phá sản đáng kinh ngạc có thể dự đoán được.

Nhưng giờ điều đó không còn nữa. Bloomberg viết: “Sau khi trợ cấp hiệu quả cho người tiêu dùng trong suốt những năm 2010 thông qua việc khoan với tốc độ quá nhanh làm giảm giá dầu toàn cầu, ngành công nghiệp đá phiến dường như đã có được một công thức chiến thắng: điều độ sản xuất, hạn chế tái đầu tư vào những giếng mới và giảm nợ”. Do đó, đá phiến Mỹ nhất quyết không chịu thay đổi kế hoạch sản xuất và từ chối tăng thêm nguồn cung bất chấp mọi lời kêu gọi từ Nhà Trắng. Bất chấp thực tế là nhu cầu năng lượng toàn cầu đã tăng trở lại mức trước đại dịch, nhưng sản lượng dầu của Mỹ vẫn thấp hơn 12% so với tháng 2 năm 2020, ngay trước khi ảnh hưởng của đại dịch được cảm nhận trên toàn thế giới. Con số này thể hiện một khối lượng lớn nguồn cung - mức giảm 12% tương đương với việc giảm toàn bộ sản lượng dầu của Vịnh Mexico.

Trớ trêu thay, Permian hiện đang sẵn sàng tăng sản lượng lên mức cao kỷ lục và dự kiến sẽ ​​đạt 4,95 triệu thùng/ngày vào tháng 12 năm nay, nhưng mức tăng này sẽ không đủ để thu hẹp khoảng trống sản lượng 12%. Các công ty vẫn đang kìm hãm việc tăng sản lượng ở các lưu vực khác vì họ tiếp tục tận hưởng lợi nhuận cao ngất ngưởng và hướng tới tình trạng thừa cung tiềm ẩn trên toàn cầu trong năm tới nếu sản lượng tăng quá nhanh trong ngắn hạn, cuối cùng dẫn họ quay trở lại chu kỳ bùng nổ và phá sản cổ điển mà họ gần như đã thoát ra được.

Nguồn tin: xangdau.net

ĐỌC THÊM