Các chuyên gia cho rằng, đề xuất tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu của Bộ Tài chính trong bối cảnh hiện nay là không hợp lý.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng vừa thừa lệnh Thủ tướng Chính phủ ký tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Nghị quyết về Biểu thuế bảo vệ môi trường, trong đó có đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu lên kịch khung.
Theo đó, thuế bảo vệ môi trường với xăng sẽ tăng từ 3.000 đồng/lít lên mức kịch khung cho phép là 4.000 đồng/lít. Dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên kịch trần 2.000 đồng/lít... Ngoài xăng dầu, một số mặt hàng khác như than đá, dung dịch HCFC, túi nilon, cũng được Bộ Tài chính đề xuất tăng thêm từ 1.000 đồng đến 10.000 đồng, tuỳ loại.
Diễn biến tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu qua các năm (Ảnh minh họa: KT)
Nếu phương án này được tăng qua, tổng số thuế bảo vệ môi trường dự kiến thu sẽ vào khoảng 57.612 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 15.189 tỷ đồng/năm.
Giải trình thiếu thuyết phục
Theo TS Bùi Trinh, chuyên gia kinh tế, Bộ Tài chính lý giải việc giảm thuế nhập khẩu về 0% là do hội nhập kinh tế, ký kết các hiệp định thương mại khiến nguồn thu ngân sách giảm nên phải tăng các nguồn thu khác đề bù vào khoản thiếu hụt, vậy câu hỏi đặt ra là "hội nhập" để làm gì?
“Chúng ta ký kết nhiều hiệp định hội nhập hợp tác quốc tế, trong khi đó, nền sản suất của Việt Nam còn yếu, chủ yếu là gia công. Khi hội nhập, thuế nhập khẩu về 0%, hàng hoá từ các nước vào Việt Nam rẻ hơn, hàng hoá trong nước sẽ khó cạnh tranh được với nước ngoài. Không những thế, hụt thu ngân sách do thuế xuất nhập khẩu giảm lại tăng thuế nội địa, khiến người dân phải chịu ngày càng nhiều gánh nặng”, TS Bùi Trinh nhận định.
Về lý do tăng thuế với xăng dầu để bảo vệ môi trường, TS Bùi Trinh cho biết, theo tính toán, ngành vận tải không phải là ngành thải ra khí nhà kính lớn nhất. Ngành này thậm chí còn thải ra chất thải thấp hơn bình quân chung của nền kinh tế. Ngành thải ra khí nhà kính lớn nhất chính là công nghiệp chế biến. Bên cạnh đó là xuất khẩu, sản xuất hàng xuất khẩu thải ra khí nhà kính chiếm 51% tổng phát thải. Trong đó, sản xuất hàng xuất khẩu cơ bản thuộc lĩnh vực FDI, chiếm 73%.
“Việc Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu vì mục đích bảo vệ môi trường hoàn toàn không hợp tình, hợp lý.”, TS Bùi Trinh khẳng định.
Tăng thuế xăng dầu có thể kéo giảm tăng trưởng
Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, là nguyên liệu đầu vào của tất cả các ngành sản xuất trong nền kinh tế. Do đó, mặt hàng này có tăng giá như thế nào thì người dân và doanh nghiệp vẫn phải sử dụng. Tuy nhiên, khi những mặt hàng này tăng giá sẽ làm giá thành sản xuất tăng theo, từ đó ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng.
“Bộ Tài chính cho rằng việc điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường sẽ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân năm 2018 khoảng 0,11-0,15%. Nhưng đây là mới chỉ tính đến CPI trực tiếp qua người tiêu dùng, chưa tính đến việc ảnh hưởng tới sản xuất, qua đó ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế. Ngoài ra, còn ảnh hưởng lan tỏa, đến chu kỳ sản xuất sau khi nền kinh tế sử dụng nguyên liệu đầu vào đã được tăng thuế cũng chưa được tính”, TS Bùi Trinh chỉ rõ.
Tăng thuế xăng dầu sẽ khiến giá thành sản xuất tăng và ảnh hưởng tới nền kinh tế (Ảnh minh họa: KT)
Đồng tình với quan điểm này, TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, các lập luận của Bộ Tài chính đưa ra cho đề xuất tăng thuế của mình chỉ mang tính ngụy biện, lập luận chưa thuyết phục và cố đạt được mục đích tăng thuế. Trong khi đó, theo ông Long, việc tăng thuế luôn ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh, kéo giảm tăng trưởng.
“Để bù nguồn thu ngân sách thiếu hụt, giải pháp căn cơ là cơ cấu lại phần chi để giảm chi, mở rộng nguồn thu khác, phải nuôi dưỡng nguồn thu, không nhăm nhăm vào thu thuế từ xăng dầu. Các dự báo thời gian tới giá xăng dầu sẽ còn tăng cao, cộng với việc tăng thuế sẽ khiến giá xăng dầu bị đẩy quá mức”, TS Ngô Trí Long nói.
TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách cũng chỉ rõ tăng thuế xăng dầu sẽ gây ra những thiệt hại rất lớn đối với kinh tế xã hội.
“Tăng thuế với xăng dầu sẽ làm tăng chi phí nguyên vật liệu, tăng phí vận tải cho người sử dụng, kéo theo việc tăng giá một loạt các mặt hàng, từ đó gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân và doanh nghiệp. Còn mục tiêu chính là thu thuế để bảo vệ môi trường như tên gọi của sắc thuế này lại bị lu mờ so với mục đích thu để bù đắp thiếu hụt ngân sách", TS. Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, Chính phủ đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát năm nay ở mức dưới 4%, tuy nhiên, mới hết quý 1 chỉ số giá tiêu dùng đã tăng hơn 2%, nên nếu tăng thuế xăng dầu chắc chắn lạm phát sẽ khó giữ. Hiện chúng ta đang ưu tiên phục hồi tăng trưởng, việc tăng thuế môi trường với xăng dầu có thể làm mất đà tăng trưởng đó. Do đó, Bộ Tài chính cũng như Chính phủ cần cân nhắc kỹ những điều này./.
Nguồn tin: vov.vn