Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Lý do khiến chính quyền Trump và Ả Rập Saudi vẫn bất đồng về kiểm soát giá dầu

Tổng thống Mỹ Donald Trump thường đưa ra những lời chỉ trích về cách kiểm soát giá dầu của OPEC do Ả Rập Saudi dẫn đầu trong các thông điệp trên Twitter cũng như các cuộc phỏng vấn trên truyền hình. 

Chính quyền Mỹ không muốn giá dầu tăng cao

Tổng thống Donald Trump và chính phủ Ả Rập Saudi thường có quan điểm thống nhất đối với hầu hết các vấn đề lớn, song hai bên lại có quan điểm khác biệt trong việc kiểm soát giá dầu, điều này có thể dẫn tới tình trạng thị trường năng lượng biến động trong năm 2019/2020.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thái tử Ả Rập Mohammed bin Salman Al Saud chụp ảnh tại Nhà Trắng hồi tháng 3/2018.

Để phù hợp với cách tiếp cận mang tính biểu tượng của mình đối với chính phủ, ông Trump đã tiếp tục bình luận công khai về giá dầu và vai trò của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), do Ả Rập Saudi dẫn đầu, trong các thông điệp trên Twitter cũng như các cuộc phỏng vấn trên truyền hình.

Trong 2 năm 2018 và 2019, việc can thiệp của Tổng thống Mỹ cho thấy chính quyền Trump ưu tiên giữ giá dầu Brent chuẩn ở mức dưới 70USD/thùng. Người đứng đầu Nhà Trắng cũng hạn chế việc chỉ trích đối với OPEC khi giá vẫn duy trì mức giá dưới 75 USD/thùng.

Tuy nhiên, khi giá “vàng đen” vượt quá các mức đó, ông Trump đã lên tiếng phản đối Ả Rập Saudi và các quốc gia vùng Vịnh khác, đồng thời lưu ý rằng họ đang được hưởng lợi từ chiếc ô an ninh đắt đỏ của Hoa Kỳ.

Hiện Mỹ đang khẳng định vị trí là nhà sản xuất và tiêu thụ xăng dầu hàng đầu thế giới, vì vậy việc giá dầu leo dốc mạnh đã ảnh hưởng đến người tiêu dùng trong nước.

Giá dầu mỏ tăng sẽ chuyển thu nhập của người tiêu dùng, người lái xe tại vùng Trung Tây công nghiệp sang doanh thu cho các nhà máy khoan dầu và các bang sản xuất tại Texas, Oklahoma, North Dakota và Alaska.

Trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm 2020 tới, ông Trump có nguy cơ mất nhiều cử tri hơn tại vùng Trung Tây nếu giá dầu tiếp tục tăng mạnh.

Saudi vẫn cần nguồn thu từ dầu mỏ

Trái ngược với Mỹ, Ả Rập Saudi muốn giá dầu ở mức trên 70USD/thùng, thậm chí lên mức hơn 80USD để tăng ngân sách của chính phủ nhằm hỗ trợ quá trình cải cách kinh tế tốn kém và cân bằng cán cân thanh toán tài chính. Theo cơ quan tiền tệ nước này, tổng tài sản dự trữ ngoại tệ của Ả Rập Saudi trong năm 2018 đạt 497 tỷ USD, không thay đổi so với năm 2017.

Việc ổn định tài sản dự trữ đã giảm mạnh trong 3 tháng cuối năm 2018 và kéo dài sang những tháng đầu năm nay do giá dầu bất ngờ sụt giảm mạnh trong quý cuối cùng năm ngoái.

Trong giai đoạn từ tháng 9/2017 đến tháng 9/2018, nhờ giá dầu tăng cao, việc kiểm soát chặt vấn đề nợ nước ngoài và dòng vốn đã giúp chính quyền Riyadh đưa tổng tài sản dự trữ tăng từ 485 tỷ USD lên 507,2 tỷ USD. Tuy nhiên, do giá dầu lao dốc cùng với việc tăng chi tiêu của chính phủ và nới lỏng một số biện pháp thắt lưng buộc bụng khiến dự trữ giảm gần 23 tỷ USD từ tháng 9/2028 đến cuối tháng 2/2019.

Theo báo cáo của Cơ quan tiền tệ Ả Rập Saudi, tính đến cuối tháng 2/2019, tổng tài sản dự trữ của nước này đã giảm xuống còn 484,6 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2011.

Giá dầu đã tăng mạnh kể từ cuối năm ngoái, được thúc đẩy bởi việc cắt giảm sản lượng của OPEC.

Các mục tiêu trái ngược

Sự bất đồng giữa chính quyền Mỹ và Ả Rập Saudi về việc kiểm soát giá dầu sẽ kéo dài trong dài hạn, đó là chiến lược bầu cử tổng thống của ông Trump muốn giữ giá dầu dưới 70USD, và chiến lược kinh tế - chính trị của Ả Rập Saudi, cần đẩy giá lên hơn 70 USD/thùng.

Các mục tiêu trái ngược sẽ kéo dài dai dẳng, ít nhất là cho đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tiếp theo vào tháng 11/2020, mặc dù cả Washington và Riyadh đều nỗ lực hạn chế tránh xảy ra tình trạng bất đồng trong các lĩnh vực khác.

Ả Rập Saudi cần sự hỗ trợ của chính quyền Trump để theo đuổi cuộc chiến ở Yemen và xa hơn là cô lập đối thủ Iran tại Trung Đông. Đổi lại, Tổng thống Trump cần sự hỗ trợ của Ả Rập Saudi để kiềm chế Iran và theo đuổi vai trò làm trung gian giải quyết tranh chấp giữa Israel và Palestine.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng về cơ bản, mối quan hệ này là một mối quan hệ bất bình đẳng và Nhà Trắng kỳ vọng Ả Rập Saudi sẽ quản lý thị trường dầu mỏ để đảm bảo giá dầu không tăng quá nhiều.

Cụ thể, Nhà Trắng hối thúc Ả Rập Saudi sẽ tăng sản lượng của chính mình để bù đắp bất kỳ sự thiếu hụt nguồn cung nếu có từ Iran và Venezuela do đang chịu các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ.

Tổng thống Mỹ đã phát tín hiệu rằng ông muốn Ả Rập Saudi bù đắp toàn bộ nguồn cung dầu thiếu hụt từ Iran và Venezuela ngay cả khi giá ở mức dưới 70USD, trong khi Riyadh nói rằng không cần phải tăng sản lượng trừ khi giá dầu tăng cao hơn.

Hiện tại, căng thẳng giữa Mỹ và Ả Rập Saudi có thể được kiểm soát bằng một số chính sách ngoại giao khéo léo, nhưng xung đột sẽ leo thang nếu giá dầu tăng lên trên 75USD/thùng trong bối cảnh Mỹ tiếp tục đe dọa áp thêm biện pháp trừng phạt đối với Iran.

Nguồn tin: kinhtedothi.vn

ĐỌC THÊM