Giá dầu thế giới năm 2017 được dự báo sẽ có xu hướng tăng khá mạnh so với năm 2016. Với đặc thù vừa nhập khẩu vừa xuất khẩu dầu và các sản phẩm từ dầu, kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động thế nào từ giá dầu tăng?
Giá dầu sẽ tạo áp lực lớn lên hoạt động điều hành giá, kiểm soát lạm phát. Ảnh: Quân Huyền
Giằng co giữa chính sách của OPEC và Mỹ
Theo số liệu từ Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại thuộc Bộ Công Thương, ngày 13/2, giá dầu brent giao ngay ở mức khoảng 56,5 USD/thùng. Giá dầu tăng, theo nhiều dự báo sẽ là xu hướng của cả năm 2017.
Theo ông Hoàng Công Tuấn, Trưởng Bộ phận nghiên cứu kinh tế của Công ty CP Chứng khoán MB (MBS), giá dầu đầu năm 2017 được hỗ trợ rất lớn từ việc nguồn cung dầu giảm. Khối OPEC từ tháng 12/2016 đã đặt ra kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu 1,2 triệu thùng/ngày bắt đầu từ tháng 1/2017 và 11 nước ngoài OPEC, trong đó có Nga, cam kết cắt giảm sản lượng 558.000 thùng mỗi ngày. Thời điểm này thỏa thuận này đã được thực thi khá nghiêm túc.
Nguồn cung giảm sẽ đẩy giá dầu tăng lên, tuy nhiên, ông Hoàng Công Tuấn dự báo, sẽ không vượt trên 70 USD/thùng vì tác động từ những chính sách của Mỹ.
Mỹ có khả năng sẽ tăng nguồn cung dầu mỏ và khí đốt cho thị trường nội địa và quốc tế. Kế hoạch năng lượng của Tổng thống Donal Trump cũng hỗ trợ mạnh cho ngành công nghiệp dầu đá phiến. Sự xuất hiện và tăng trưởng của dầu đá phiến làm cơ cấu thị trường dầu mỏ thay đổi, và gây áp lực lên OPEC. Theo nhiều dự báo, Mỹ sẽ gia tăng sản lượng dầu đá phiến nếu giá dầu ở mức 50 - 60USD/thùng, nâng sản lượng dầu của Mỹ lên trên 9 triệu thùng/ngày trong năm 2017, bù lấp phần lớn vào mức cắt giảm của OPEC và kìm hãm đà tăng giá dầu ở mức độ nhất định.
Giá dầu năm 2017 sẽ giằng co giữa một bên là nguồn cung giảm do thực hiện thỏa thuận của OPEC và một bên là tăng nguồn cung từ Mỹ. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long dự báo, giá dầu năm nay tăng khoảng 55% so với bình quân năm 2016. Còn ông Hoàng Công Tuấn dự báo mức giá năm nay sẽ ở quanh 60 USD/thùng.
Tháng 1 vừa qua, trong Báo cáo "Triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2017", Ngân hàng Thế giới (WB) đã nâng dự báo giá dầu thế giới có thể tăng đến 55 USD/thùng, thay vì mức dự báo đưa ra hồi tháng 6/2016 là 50 USD/thùng. Nguyên nhân là do thị trường thế giới đang dần dần thoát khỏi thực trạng dư thừa nguồn cung dầu mỏ, và giá dầu sẽ thoát khỏi xu thế liên tục lập đáy mới trong suốt thời gian từ giữa năm 2014 đến nay. Báo cáo của WB cũng cho rằng kết quả cuộc bầu cử ở Mỹ có thể dẫn đến một số thay đổi mang tính nền tảng trong thị trường năng lượng thế giới, song sự thay đổi này là có giới hạn.
Bất lợi sẽ nhiều hơn
Trong thông báo kết luận cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá được Văn phòng Chính phủ phát đi đầu năm nay, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhận định, năm 2017, Quốc hội đề ra chỉ tiêu tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%. Việc thực hiện nhiệm vụ điều hành giá, kiểm soát lạm phát sẽ gặp rất nhiều áp lực, khó khăn hơn năm 2016. Theo Phó Thủ tướng, đó là do có nhiều yếu tố dự báo gây sức ép lên mặt bằng giá như xu hướng hồi phục của giá xăng dầu và giá các hàng hóa cơ bản trên thị trường thế giới, việc điều chỉnh giá các hàng hóa quan trọng, thiết yếu (điện, dịch vụ y tế, giáo dục...) theo lộ trình thị trường.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định, với kinh tế Việt Nam, giá dầu tăng sẽ bất lợi nhiều hơn là có lợi. Bởi vì giá dầu tăng tuy giúp nguồn thu ngân sách tăng, nhưng cũng làm tăng chi phí đầu vào. Trong khi năng suất lao động của Việt Nam thấp, thì chi phí đầu vào tăng sẽ khiến hàng hóa của chúng ta khó cạnh tranh hơn rất nhiều.
Đi sâu vào tác động lên lạm phát, ông Hoàng Công Tuấn cho rằng, giá dầu năm 2017 sẽ tạo sức ép không nhỏ. Năm 2016, một trong những yếu tố giúp lạm phát thấp là do nền kinh tế được hưởng lợi rất lớn từ giá dầu, giá nhiều hàng hóa cơ bản giảm, nhưng năm nay đang trên đà tăng trở lại. Trong khi nền kinh tế Việt Nam nhập khẩu lớn, giá đầu vào cho sản xuất sẽ tăng, ảnh hưởng đến giá cả. Cùng với đó là giá dịch vụ y tế còn 27 tỉnh, thành chưa điều chỉnh tăng, giá điện 2 năm nay không tăng, năm nay có thể điều chỉnh tăng.
Giá dầu tăng cũng đã bước đầu phản ánh trong CPI tháng đầu tiên của năm nay. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, có 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính tăng trong tháng đầu năm 2017. Trong đó, đáng chú ý là nhóm giao thông với mức tăng cao nhất, đạt 3,21%. Nguyên nhân khiến cho nhóm giao thông tăng cao là do giá xăng dầu ảnh hưởng từ các đợt điều chỉnh tăng gần đây. Tính chung tháng 1/2017, chỉ số giá nhóm nhiên liệu tăng 6,41% so với tháng trước, góp phần làm cho CPI tăng khoảng 0,27%.
Với những tác động này, nhiều chuyên gia cho rằng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cần chủ động bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, điều hành giá bán xăng dầu trong nước phù hợp kết hợp với sử dụng linh hoạt quỹ bình ổn giá xăng dầu. Ngân hàng Nhà nước cũng cần có thông điệp rõ ràng để giữ ổn định mặt bằng lãi suất, điều hành linh hoạt tỷ giá...
Nguồn tin: Baodauthau