Sau khi tái cấu trúc thành công, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đang xin lùi thời hạn thoái vốn đến 2020
Tiến thoái nưỡng nan
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, cho rằng hiện đang có vướng mắc trong việc vừa yêu cầu thoái vốn, tức là phải thu hút các nhà đầu tư ngoài nhà nước, nhưng đồng thời cũng yêu cầu bắt buộc doanh nghiệp phải rút ra khỏi một số ngành nghề kinh doanh và như thế có thể khiến nhà đầu tư lưỡng lự.
“Tôi cho rằng khi đã cổ phần hóa, nhà nước chỉ nắm giữ 51% cổ phần, thậm chí thấp hơn, thì việc kinh doanh ngành nghề gì nên để các cổ đông quyết định” theo ông Khánh.
Trong khi đó, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục, chia sẻ Tại thời điểm chuyển từ công ty nhà nước sang công ty cổ phần năm 2011, giá trị vốn hóa của Tập đoàn khoảng trên 16.000 tỉ đồng, nhưng đến nay đã lên tới khoảng 90.000 tỉ đồng, tăng 5,6 lần.
Tập đoàn cũng đóng vai trò quan trọng trong bình ổn thị trường khi chiếm tới 48% thị phần xăng dầu cả nước; cùng với đó là các số liệu về doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách.
Cũng trong tháng 8, Petrolimex vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương về phương án thoái vốn Nhà nước. Tập đoàn đã có văn bản đề nghị nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên tối đa 49%. Tuy nhiên, sau đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ đạo tạm thời duy trì room ngoại tại Petrolimex không quá 20% vốn điều lệ.
Theo tính toán của Petrolimex, tỷ lệ còn lại dành cho nhà đầu tư nước ngoài hiện chỉ còn hơn 9%, tương đương 116 triệu cổ phiếu.
Đưa PGBank sáp nhập HDBank
Theo BCTC hợp nhất soát xét nửa đầu năm 2018, Petrolimex ghi nhận doanh thu thuần 96.630 tỉ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất trong số các niêm yết trên sàn chứng khoán. Lợi nhuận gộp đạt 7.243 tỉ đồng, tăng 16%.
Phần lãi từ liên doanh liên kết tăng sau kiểm toán từ 317 tỷ lên 335,5 tỉ đồng, giúp lợi nhuận ròng của Petrolimex tăng thêm hơn 15 tỉ đồng, đạt 2.077 tỉ đồng, cao hơn 17% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng tài sản của Petrolimex sau nửa năm đạt gần 66.823 tỉ đồng, tăng 8%. Tài sản ngắn hạn chiếm 69%, chủ yếu là tiền và tiền gửi hơn 18.588 tỉ đồng. Khoản tiền gửi mang về doanh thu tài chính gần 315 tỉ đồng cho Petrolimex trong nửa đầu năm. Mặt khác, công ty cũng có hơn 15.888 tỉ đồng hàng tồn kho trong cơ cấu tài sản.
Về nguồn vốn, Petrolimex đang vay nợ 16.990 tỉ đồng, chiếm 37% nợ phải trả với 87% là nợ vay ngắn hạn. Mặt khác, công ty có 2.838 tỉ đồng lợi nhuận lũy kế chưa phân phối và 2.247 tỉ đồng thặng dư vốn cổ phần, bên canh quỹ đầu tư phát triển và quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu 2.383 tỉ đồng.
Tính đến thời điểm hiện tại, Tập đoàn đã tái cấu trúc thành công, hoàn tất việc hình thành 6 Tổng công ty hoạt động hiệu quả theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con; Công ty cổ phần trong năm 2013 – 2017.
Về thoái vốn nhà nước tại công ty mẹ, Tập đoàn đề nghị cấp có thẩm quyền đồng ý giãn thời hạn thoái vốn đến năm 2019-2020, thay vì 2018 như kế hoạch và tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tối đa đến 49%.
Dự kiến trong năm 2018 sẽ hoàn thành việc sáp nhập Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xăng dầu Petrolimex (PGBank) sáp nhập vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank). Việc sáp nhập theo quy định sẽ tăng lợi nhuận của Petrolimex khoảng 1.000 tỉ đồng.
Tổng Giám đốc Petrolimex Trần Ngọc Năm, cho biết Bình quân 8 tháng đầu năm 2018, trong tổng lượng xăng dầu bán ra của Petrolimex, 47% là xăng E5 Ron 92, có tháng tỷ lệ này đạt 50% tổng lượng xăng dầu bán ra.
Nguồn tin: nhipcaudautu.vn