Lợi nhuận lọc dầu ở châu Á đã giảm trong những tuần gần đây khi Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu nhiên liệu trong bối cảnh hạn ngạch xuất khẩu cao được phân bổ cho các nhà máy lọc dầu của nước này trong những tháng gần đây. Tỷ suất lợi nhuận của việc lọc dầu diesel vẫn ở mức cao lịch sử và chúng có thể bắt đầu tăng trở lại sau khi lệnh cấm nhập khẩu nhiên liệu Nga bằng đường biển của EU có hiệu lực vào ngày 5 tháng 2. Đơn cử như, tỷ suất lợi nhuận của dầu gasoil, thành phần chính của dầu diesel, từ việc xử lý dầu thô Dubai tại một nhà máy lọc dầu ở Singapore đã giảm 34% từ mức cao nhất trong quý IV là 46,83 USD/thùng vào giữa tháng 10 xuống còn 30,90 USD vào đầu tuần này, theo ước tính của Clyde Russell, nhà báo phụ trách chuyên mục bình luận về Hàng hóa và Năng lượng châu Á của Reuters.
Trong tương lai, tỷ suất lợi nhuận của nhiên liệu ở châu Á sẽ phản ánh hai xu hướng trái ngược nhau – xu hướng giảm do xuất khẩu nhiên liệu của Trung Quốc có khả năng cao hơn và xu hướng tăng do châu Âu có khả năng cạnh tranh đối với dầu diesel và các sản phẩm khác từ châu Á do không nhập khẩu nhiên liệu của Nga.
Xuất khẩu nhiên liệu của Trung Quốc đã tăng vọt trong tháng 12, với doanh số bán xăng ở nước ngoài tương đương với mức kỷ lục của tháng 10 năm 2020, sau hạn ngạch xuất khẩu khổng lồ mà chính quyền cấp cho các nhà máy lọc dầu vào cuối năm 2022.
Xuất khẩu xăng đạt 1,91 triệu tấn trong tháng 12, cán mốc kỷ lục từng đạt được vào tháng 10 năm 2020, trong khi xuất khẩu dầu diesel tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 3 năm 2021, ở mức 2,79 triệu tấn, theo dữ liệu chính thức của Trung Quốc.
Mức xuất khẩu cao trong tháng 12 là kết quả của đợt cấp hạn ngạch xuất khẩu nhiên liệu lớn nhất được các cơ quan chức năng ban hành cho năm 2022. Trung Quốc đã phân bổ 15 triệu tấn hạn ngạch xuất khẩu nhiên liệu mới cho các nhà máy lọc dầu lớn vào cuối tháng 9. Xuất khẩu cũng cao do nhu cầu trong nước vẫn còn yếu khi Trung Quốc bắt đầu nới lỏng vào tháng 12 chính sách ‘không Covid’ dẫn đến gia tăng số ca nhiễm.
Tuy nhiên, xuất khẩu nhiên liệu của Trung Quốc trong tháng 1 có thể thấp hơn nhiều so với tháng 12 do các nhà máy lọc dầu tìm cách dự trữ xăng và dầu diesel cho nhu cầu trong nước vào dịp Tết Nguyên đán vào ngày 22 tháng 1, và đáp ứng kỳ vọng nhu cầu trong nước tăng cao sau khi các hạn chế Covid-19 được dỡ bỏ, theo các nhà phân tích nhận định.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc mở cửa trở lại và hạn ngạch xuất khẩu nhiên liệu cao hơn được phân bổ trong đợt đầu tiên của năm 2023 có vẻ lạc quan về nhu cầu và xuất khẩu nhiên liệu của Trung Quốc trong những tháng tới.
Biên lợi nhuận lọc dầu ở châu Á có thể tăng cao hơn nếu châu Âu - đang tranh nhau để thay thế nhiên liệu của Nga sau ngày 5 tháng 2 - chuyển sang mua nguồn cung nhiều hơn từ các nhà máy lọc dầu châu Á.
“Một khi lệnh cấm vận của EU đối với xuất khẩu nhiên liệu đường biển của Nga có hiệu lực, chúng ta có thể thấy giá xăng và đặc biệt là dầu diesel vẫn được hỗ trợ nhờ nguồn cung thắt chặt,” Ole Hansen, Trưởng phòng Chiến lược Hàng hóa tại Ngân hàng Saxo, cho biết trong một phân tích vào tuần trước.
“Nga có thể gặp khó khăn trong việc vận chuyển dầu diesel của mình tới những người mua khác khi các khách hàng chính ở châu Á quan tâm nhiều hơn đến việc cung cấp cho các nhà máy lọc dầu của họ dầu thô giá rẻ của Nga, sau đó có thể biến chúng thành các sản phẩm nhiên liệu bán theo giá thị trường toàn cầu hiện hành,” Hansen nói thêm.
Ông lưu ý rằng sự thiếu hụt dường như có thể xảy ra đối với dầu diesel mặc dù tiềm năng có thêm nguồn cung từ Hoa Kỳ và Trung Đông.
Hansen cho biết: “Dường như có khả năng xảy ra tình trạng thiếu hụt, nhất là khi xét đến triển vọng phục hồi mạnh mẽ ở Trung Quốc dẫn đến hạn ngạch xuất khẩu thấp hơn”.
Theo chiến lược gia này, nhu cầu nhiên liệu máy bay phục hồi dự kiến có khả năng gây áp lực lên sản lượng dầu diesel, “tạo ra một sự hỗ trợ khác cho chênh lệch giá cho sản phẩm chưng cất ở hai bên bờ Đại Tây Dương”.
Có rất nhiều điều không chắc chắn liên quan đến nguồn cung nhiên liệu của Nga trong những tháng tới, điều quan trọng là liệu Nga có thể chuyển những thùng dầu bị thay thế từ châu Âu sáng nơi khác hay không và liệu mức trần giá theo kế hoạch đối với nhiên liệu của Nga có mang lại hiệu quả như dự định hay không. Liên minh châu Âu đang xem xét đặt mức trần giá 100 đô la một thùng đối với dầu diesel của Nga để hạn chế khả năng suy giảm nguồn cung toàn cầu sau khi lệnh cấm của EU đối với các sản phẩm tinh chế của Nga có hiệu lực vào ngày 5 tháng 2. Trong khi chỉ còn vài ngày nữa là lệnh cấm của EU có hiệu lực, nhưng EU hiện vẫn còn bất đồng về mức trần giá dầu diesel và các sản phẩm khác của Nga.
Nguồn tin: xangdau.net