Chưa năm nào “con tàu” non trẻ Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) phải đối mặt với hàng loạt cơn sóng cả như 2016. Giá dầu giảm mạnh và giữ ở mức thấp, chính sách về thuế cho sản phẩm lọc dầu Dung Quất bất cập… khiến công ty gặp vô vàn khó khăn.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất luôn vận hành ổn định ở công suất 105-107%.
Với chỉ tiêu phải trở thành công ty hàng đầu trong lĩnh vực lọc hóa dầu, BSR đã vượt sóng cả, vững tay chèo, đưa sản lượng của Nhà máy về đích trước 52 ngày, góp phần tăng doanh thu gần nửa tỷ USD.
Vì sao doanh thu thêm 12.000 tỷ đồng?
Vào lúc 21h00 ngày 9/11/2016 - dấu mốc ghi nhận BSR chính thức hoàn thành chỉ tiêu sản lượng 5,8 triệu tấn sản phẩm các loại, về đích sớm 52 ngày so với kế hoạch năm 2016. Hơn nữa, từ đó đến hết năm, BSR sẽ sản xuất thêm hơn 1 triệu tấn sản phẩm các loại (doanh thu tăng thêm khoảng 12.000 tỷ đồng); nộp ngân sách tăng thêm khoảng 2.000 tỷ đồng. Tổng sản lượng đạt khoảng 6,91 triệu tấn và cao hơn sản lượng năm 2015 khoảng 100 nghìn tấn sản phẩm.
Để có được kết quả đó phải kể đến “nút thắt” về thuế đã được Chính phủ ký Quyết định số 1725/QĐ-TTg (ngày 3/9/2016) đồng ý chấp thuận cho Công ty BSR được hoạt động theo cơ chế tự chủ cạnh tranh sòng phẳng kể từ ngày 1/1/2017.
Chính phủ sẽ bãi bỏ thu điều tiết đối với các sản phẩm dầu, LPG, sản phẩm hoá dầu tiêu dùng trong nước (hiện ở mức 13% đối với xăng). Cùng đó, cũng bãi bỏ các mức giá trị ưu đãi (hiện được cộng 3-7% thuế nhập khẩu vào giá bán). Quyết định cũng đáp ứng đúng đề xuất mà Công ty BSR đưa ra nhiều lần, đó là giảm thuế nhập khẩu dầu diesel và nguyên liệu bay Jet A1 từ 10% hiện tại về 0% - là ngang bằng với thuế suất - thuế nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu hiện nay. trên thị trường.
Ông Trần Ngọc Nguyên - Tổng giám đốc BSR phân tích: “Với quyết định này, BSR sẽ chủ động cạnh tranh trên thị trường. Hiện nay, BSR mới sản xuất đáp ứng được 40% nhu cầu, còn 60% nhu cầu xăng dầu vẫn phải nhập khẩu. Vì vậy việc đưa giá xăng dầu cạnh tranh với hàng ngoại nhập là điều kiện rất tốt để các nhà phân phối mua hàng của BSR trong thời gian tới”.
Theo ông Nguyên, BSR có nhiều lợi thế cạnh tranh khi bán hàng cho các doanh nghiệp (DN) trong nước như giảm chi phí vận chuyển và bảo hiểm, tránh rủi ro chênh lệch tỷ giá… Khi mua hàng trong nước, đoạn đường vận chuyển ngắn, giúp giảm chi phí vận chuyển và bảo hiểm rẻ hơn. Hơn nữa, việc thanh toán bằng Việt Nam đồng sẽ giúp DN nhập khẩu không bị ảnh hưởng khi tỷ giá đồng USD tăng. Về thời gian đóng thuế, DN nhập khẩu phải đóng thuế nhập khẩu xong mới nhập được hàng, trong khi đó mua hàng của BSR, họ được thanh toán thuế nhập khẩu chậm 30 ngày. Đặc biệt, mua hàng trong nước của BSR, sẽ giúp DN ít bị ảnh hưởng bởi giảm giá hàng tồn kho nhờ thời gian giao hàng nhanh (khi nhập khẩu, thời gian vận chuyển lâu khiến DN nhập khẩu thiệt hại khi giá giảm).
Khi giá cạnh tranh hơn thì ắt hẳn hàng hóa sẽ được thông kho, nhà máy sẽ chạy vượt công suất và hẳn nhiên Nhà nước sẽ có lợi từ chuỗi giá trị ấy. Việc vận hành NML Dung Quất đạt 105% là yếu tố quan trọng hàng đầu giúp Công ty BSR hoàn thành sớm chỉ tiêu sản lượng, vượt chỉ tiêu cả năm 2016. Công suất của Nhà máy 6,5 triệu tấn dầu thô nhưng BSR sẽ sản xuất khoảng 6,91 triệu tấn sản phẩm, vượt thiết kế 0,41 triệu tấn (tăng 5% so với thiết kế).
Theo Kỹ sư Đặng Ngọc Đình Điệp, Phó Trưởng phòng Kỹ thuật BSR, nếu tăng công suất của phân xưởng Chưng cất dầu thô (CDU) lên cao hơn so với 100% công suất và điều chỉnh dải công suất của các phân xưởng phía sau một cách phù hợp sẽ giúp tăng thêm lợi nhuận. Công suất Nhà máy tăng thêm khoảng 10-15% thì các chi phí cố định thay đổi không đáng kể.
Ngoài ra, lợi nhuận của Công ty BSR tăng cao do thực hành tiết kiệm, áp dụng nhiều giải pháp khoa học vào sản xuất. Công ty đã tiết kiệm được 481 tỷ đồng trong 10 tháng năm 2016. Các tiết kiệm như tự thực hiện bảo dưỡng sửa chữa, tiết giảm chi phí… đạt 123 tỷ đồng. Với tiêu thụ năng lượng nội bộ của Nhà máy, định mức được phê duyệt là 7,6%, thực tế đạt được là 7,33%; tiết kiệm 127,68 tỷ đồng.
Đặc biệt, Công ty BSR phối hợp với hãng Solomon (đơn vị chuyên đánh giá xếp loại các nhà máy lọc dầu trên thế giới) để “tìm” vị trí của NMLD Dung Quất so với 400 nhà máy lọc dầu trên thế giới. Sau một thời gian hợp tác, Solomon đưa ra hàng loạt thông tin hữu ích về nhà máy để bộ phận chuyên môn BSR nghiên cứu, tìm giải pháp khắc phục.
Sau đó, hãng Shell Global dựa trên những phân tích của Solomon tiếp tục khuyến nghị BSR những giải pháp kỹ thuật để nâng cao hiệu quả chế biến của Nhà máy. Shell Global đề xuất 34 giải pháp vận hành và nhóm các giải pháp có cải hoán.
Kỹ sư Ngô Đức Khánh cho biết thêm: “Phòng Kỹ thuật đã sàng lọc ra 17 giải pháp đưa vào áp dụng tại các phân xưởng của Nhà máy. Trong đó có những giải pháp đạt hiệu quả kinh tế cao như: giảm tỷ lệ hồi lưu tháp NHT Splitter T1202, giảm tỷ lệ tuần hoàn hydro (H2:Oil) ở phân xưởng CCR (giai đoạn 1), giảm áp suất đầu ra máy nén MAB, giảm tiêu thụ MPS tại thiết bị phản ứng của phân xưởng RFCC, hạn chế xả đuốc ở D2401… Hiện có 11 giải pháp đã được áp dụng, mỗi tháng tiết kiệm cho Công ty khoảng 3,6 tỷ đồng”.
Tổng Giám đốc Trần Ngọc Nguyên trao đổi cùng kỹ sư, cán bộ nhà máy.
130 triệu đô… tiết kiệm
Trong 7 năm vận hành, quản lý NMLD Dung Quất, bằng trí tuệ và sự sáng tạo không mệt mỏi, Công ty BSR đã thực hiện 130 sáng kiến, làm lợi cho Nhà nước 128,9 triệu USD; có 596 cải tiến Kaizen, làm lợi 1,85 triệu USD và thực hiện 33 đề tài, nghiên cứu khoa học khác. Có thể nói, 130 triệu đô la (gần 3.000 tỷ đồng) tương đương với GDP một tỉnh trung bình khá ở Việt Nam là con số đáng tự hào, khích lệ của những người thợ lọc dầu trẻ. Cũng phải nói thêm rằng, độ tuổi lao động ở NMLD Dung Quất thuộc dạng trẻ trung nhất, trung bình 35 - 40 tuổi.
Một số sáng kiến tiêu biểu như: Thu hồi hoàn toàn dầu thải nhẹ tại phân xưởng Chưng cất dầu thô (CDU) với giá trị làm lợi khoảng 8,51 triệu USD/năm; Tối ưu hóa cơ cấu sản phẩm của Nhà máy đem lại hiệu quả kinh tế 12,6 triệu USD/năm; Nâng công suất vận hành của Nhà máy cho phép tăng lợi nhuận tối đa; Nâng cao độ tin cậy cho hệ thống cắt liên động (intertripping) giữa các cấp điện áp 22kV/22kV, 22kV/6.6kV, 22kV/0.4kV, 6.6kV/6.6kV.
Nhà máy cũng có giải pháp thu hồi hoàn toàn dầu thải nhẹ tại phân xưởng CDU. Lật lại lịch sử, khoảng năm 2010, dầu thải chỉ được đưa vào chế biến ở CDU với lưu lượng hết sức hạn chế do chứa nhiều tạp chất, làm cho hệ thống tách muối của CDU hoạt động không tốt. Khi Nhà máy bắt đầu sản xuất xăng Jet-A1cho máy bay thì yêu cầu kỹ thuật khắt khe hơn, bắt buộc phải dừng việc chế biến dầu thải này. Các kỹ sư đã tối ưu lượng dầu thải sản xuất ra từ tháp D-1106, giảm từ 6 xuống 1,7m3/h bằng kỹ thuật thu hồi.
Trong số những giải pháp kỹ thuật thì giải pháp “Tối ưu hóa cơ cấu sản phẩm của Nhà máy đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất, khoảng 12,6 triệu USD/năm. Các kỹ sư BSR đã từng bước nghiên cứu, phân tích đánh giá các điểm ảnh hưởng đến cơ cấu sản phẩm từ đó xây dựng quy trình tính toán tối ưu kế hoạch vận hành. Những nghiên cứu này đã giúp BSR chủ động trong việc lập kế hoạch sản xuất tối ưu trong điều kiện dầu thô chế biến ngày càng đa dạng, đảm bảo cơ cấu và chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao khách hàng và mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất.
Đội ngũ kỹ sư của BSR đã tập trung nghiên cứu giải pháp tối ưu hóa công suất vận hành NMLD Dung Quất nhằm nâng cao lợi nhuận chế biến. Vì khi công suất nhà máy tăng thêm khoảng 10-15% thì các chi phí cố định thay đổi không đáng kể, trong đó đa phần là chi phí năng lượng. Từ các nghiên cứu ban đầu, BSR đã xác định được giới hạn cho việc tăng công suất của nhà máy nằm ở phân xưởng CDU. Để đánh giá khả năng tăng công suất của phân xưởng này, một mô hình mô phỏng nhiệt động học đã được xây dựng và sử dụng kết hợp với các số liệu chạy thử nghiệm để đánh giá chi tiết cân bằng vật chất, cân bằng nhiệt cũng như hoạt động của các thiết bị khi công suất phân xưởng tăng lên.Việc đánh giá/nghiên cứu bằng mô hình được thực hiện với 03 loại hỗn hợp dầu khác nhau: hỗn hợp dầu thô đặc trưng; hỗn hợp dầu có hiệu suất phân đoạn naphtha cao; hỗn hợp dầu có hiệu suất phân đoạn DO cao. Hơn thế nữa, căn cứ kết quả nghiên cứu của hãng JGC (Nhật Bản) cho dự án nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất cho thấy, khi tăng công suất từ 10-15% so với giá trị thiết kế, toàn bộ các phân xưởng công nghệ, phụ trợ, ngoại vi đều không đòi hỏi phải cải hoán hoặc yêu cầu cải hoán nhỏ.
Ông Trần Nguyên Hoài Thu, Phó Trưởng phòng Sản xuất BSR nhận định: 10% công suất tức là nhà máy sẽ lọc thêm khoảng 15.000 thùng dầu/ngày, trong khi chi phí nhân lực, quản lý giữ nguyên; chi phí năng lượng, hóa phẩm, xúc tác chỉ tăng 5-7%. Khi Nhà máy hoạt động ở công suất 104 - 105% công suất thiết kế sẽ tạo thêm lợi nhuận khoảng 4,6 triệu USD/năm.
Ở Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất, những sáng kiến làm lợi nhiều tỷ đồng, thậm chí hàng trăm tỷ đồng có thể không đếm xuể. Tuy nhiên, có những sáng kiến không những mang lại giá trị bằng tiền mà còn nâng cao sự hoạt động an toàn, ổn định cho cả Nhà máy. Sáng kiến “Nâng cao độ tin cậy cho hệ thống cắt liên động (intertripping) giữa các cấp điện áp 22kV/22kV, 22kV/6.6kV, 22kV/0.4kV, 6.6kV/6.6kV” của nhóm tác giả do kỹ sư Nguyễn Văn Vị làm chủ biên có câu chuyện như thế. Sáng kiến này tuy có giá trị bằng tiền không lớn nhưng đã vinh dự nhận được giải nhì hội thi sáng tạo kỹ thuật Việt Nam 2016 (VIFOTEC).
Nguồn tin: Tienphong