Từ 1.1.2018, xăng E5 sẽ thay thế toàn bộ xăng RON 92 trên thị trường. Ảnh: P.V
Theo đúng lộ trình, từ 1.1.2018 cả nước sẽ chính thức dừng cung cấp xăng RON 92 để thay thế bằng xăng E5. Hiện đang có 4 nhà máy được mong đợi là nguồn cung cấp đầy đủ nhiên liệu sản xuất xăng E5. Tuy nhiên, 3 trong số đó lại đang hoạt động cực kỳ yếu kém hoặc “đắp chiếu” nằm chờ phá sản, còn 1 đơn vị thì năng lực sản xuất không thể đủ cung ứng cho toàn bộ thị trường.
3/4 nhà máy cung cấp nhiên liệu ethanol hiện không hoạt động
Theo số liệu Bộ Công Thương cho biết, việc cung cấp nhiên liệu để phối trộn xăng E5 hiện được cung cấp bởi Cty TNHH Tùng Lâm (một đơn vị tư nhân) với công suất 15% so với tổng công suất thiết kế khoảng 200.000m3/năm. Với tổng lượng nhiên liệu này, sau khi phối trộn sẽ cho ra 3,9 triệu mét khối xăng E5 thành phẩm. Như vậy tổng sản lượng của riêng Cty TNHH Tùng Lâm chắc chắn không đủ nguồn cung cho thị trường một khi xăng RON 92 không còn được sử dụng.
Bởi theo tính toán, tổng lượng xăng E5 tiêu thụ trên địa bàn cả nước trong năm 2016 khoảng 590.000m3, chiếm 8% so với tổng lượng xăng tiêu thụ trên thị trường; xăng RON 92 chiếm khoảng 4,767 triệu mét khối, tương đương 70% so với tổng lượng xăng khoáng.
Trong trường hợp chuyển toàn bộ việc tiêu thụ xăng RON 92 sang xăng E5, dự báo tổng lượng tiêu thụ trên cả nước ước đạt 5,357 triệu mét khối. Trong khi đó, tổng nhu cầu E100 (nhiên liệu ethanol để phối trộn thành xăng thành phẩm E5 - PV) trong năm 2016 chiếm khoảng 29.500m3. Sau 1.1.2018, ước tính nhu cầu nguyên liệu E100 để pha chế E5 khoảng 267.850m3.
Trên thực tế, để chuẩn bị cho lộ trình sử dụng xăng E5 thay thế xăng RON 92, có ba nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học để cung ứng cho công tác phối trộn tạo xăng E5 thành phẩm đã được triển khai xây dựng từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, tới lúc này, cả ba nhà máy trên đều có những khó khăn không hề nhỏ và nhiều khả năng không thể đảm bảo đi vào sản xuất, tạo ra sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Báo cáo gần nhất của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) gửi Bộ Công Thương ngày 22.9 cho biết, cả ba nhà máy trên hiện đang trong quá trình xử lý nhiều vướng mắc về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, cơ chế và pháp luật. Đó là các Dự án nhà máy nhiên liệu sinh học Dung Quất, Dự án nhà máy nhiên liệu sinh học Bình Phước và Dự án nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ với công suất thiết kế 100.000m3/năm. Nếu cả 3 nhà máy này đi vào hoạt động hết công suất cùng với 200.000m3 nhiên liệu từ Cty TNHH Tùng Lâm sẽ đảm bảo lượng cung xăng E5 cho thị trường. Tuy nhiên, thực trạng các nhà máy này đều đang rất “bết bát”.
Cụ thể, Dự án nhà máy nhiên liệu sinh học Dung Quất còn vướng mắc về hợp đồng EPC với đối tác dẫn tới việc “thời gian nghiệm thu, quyết toán có thể kéo dài và phức tạp hơn…”. Không những vậy, chính Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cũng bày tỏ lo ngại việc có nhiều nhà đầu tư tham gia có thể khiến công tác đấu thầu sẽ bị kéo dài.
Khả dĩ hơn, nhà máy nhiên liệu sinh học Bình Phước được Tổ công tác chuyên trách của PVN đánh giá “hiện là thời điểm thuận lợi để xem xét khởi động lại nhà máy” và PVN đã yêu cầu PVOil tính toán lại để “báo cáo phương án chạy lại có E100 vào tháng 1.2018”; đồng thời tín hiệu tích cực được đảm bảo bằng việc đã có 7 ngân hàng tài trợ vốn cho dự án đồng ý phương án vận hành trở lại. Tệ hại hơn cả là nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ hiện không khác gì một nhà máy chết khi cơ sở vật chất và trang thiết bị máy móc xuống cấp trầm trọng chỉ còn chờ phá sản.
Trạm phối trộn sẵn sàng, các cây xăng vẫn chưa nhiều biến đổi!
Điểm lại thực trạng 3 dự án nhà máy nhiên liệu sinh học trên để thấy được rằng, thực tế đảm bảo nguồn cung nhiên liệu để sản xuất xăng E5 không hề dễ dàng, ngay cả khi các nhà máy đã đi vào hoạt động trở lại do nhiều vướng mắc nên chắc chắn không thể đảm bảo chạy hết công suất.
Hồi đầu tháng 7, Bộ Công Thương đã làm việc với các đầu mối kinh doanh xăng dầu để chỉ đạo triển khai dịch vụ cung cấp xăng E5. Hiện đã có 5 đầu mối có hệ thống phối trộn xăng E5 đang hoạt động, ngoài ra có hai đầu mối đã triển khai xây lắp nhưng chưa hoạt động. Nếu cả bảy đầu mối này đều hoạt động, mỗi năm có thể phối trộn khoảng 6-7 triệu mét khối xăng E5 thành phẩm. Vấn đề chỉ là có đủ nhiên liệu để các đơn vị tạo ra sản phẩm hay không?
Sau 1.1.2018, cho dù có thể các nhà máy nhiên liệu trong nước chưa thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu vẫn còn giải pháp khác là nhập nhiên liệu để phối trộn, đảm bảo cung cấp đủ cho thị trường. Tuy nhiên, để ổn định nguồn nguyên liệu cũng như ổn định giá, trong buổi làm việc với Bộ Công Thương, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex Phạm Đức Thắng cùng nhiều đại diện các đơn vị kinh doanh xăng dầu khác như PVOil, Cty CP Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu… đã đề nghị “điều chỉnh thuế nhập khẩu E100 để các doanh nghiệp trong nước không độc quyền; bảo đảm khi trong nước có vấn đề sẽ nhập khẩu để kinh doanh ổn định”.
Hiện xăng E5 đã được đưa vào sử dụng song song với RON 92 tại nhiều trạm cung cấp xăng bán lẻ. Tuy nhiên, lượng xăng E5 bán lẻ chiếm tỉ trọng khá thấp. Cũng bởi tỉ trọng thấp như vậy nên nguồn cung hiện thời khá dồi dào và các đơn vị đầu mối kinh doanh xăng dầu chưa đến mức phải lo lắng.
Ngày 11.9, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) ban hành văn bản số 1200/PLX-KTXD thông báo về kế hoạch triển khai cung cấp xăng E5 thay thế hoàn toàn xăng RON 92. Nghĩa là trước ngày 1.1.2018, các trạm cung cấp xăng dầu bán lẻ phải hoàn thiện cơ sở vật chất về các hầm chứa, trụ bơm xăng E5 đảm bảo tuyệt đối các tiêu chuẩn về an toàn, kỹ thuật và chất lượng xăng khi cung cấp tới người tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện các trạm bán lẻ xăng dầu vẫn chưa có nhiều động thái khuyến khích người dùng sử dụng xăng E5 thay thế.
Nguồn tin: laodong.vn