Giá “vàng đen” lao dốc mạnh trong phiên 30/3, với việc giá dầu Brent giảm chạm mức thấp nhất kể từ tháng 11/2002.
Giá dầu thế giới tiếp tục giảm mạnh trong phiên này, trong đó giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ trượt xuống dưới 20 USD/thùng do các thương nhân gia tăng lo ngại đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp làm suy yếu nhu cầu dầu toàn cầu và cuộc chiến giá dầu giữa Ả Rập Saudi và Nga có thể gây ra tình trạng dư cung.
Cụ thể, giá dầu Bren sụt 2,09 USD, tương đương 8,4%, chốt phiên ở mức 22,84 USD/ thùng, sau khi có thời điểm trong phiên giao dịch lao dốc còn 22,58 USD/thùng - mức thấp nhất kể từ tháng 11/2002.
Giá dầu tiếp tục giảm mạnh trong ngày 30/3.
Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ sụt 1,11 USD, tương đương 5,2%, xuống còn 20,40 USD/thùng. Giá mặt hàng dầu này ở đầu phiên giảm mạnh về mức 19,92 USD/thùng.
Các nhà phân tích cho rằng đà trượt giảm thê thảm của giá “vàng đen” trong thời gian gần đây khi chi phí sản xuất ở mức cao, cùng với tình trạng nguồn cung dồi dào có thể buộc các nhà sản xuất dầu mỏ phải ngừng sản xuất” - chuyên gia phân tích năng lượng Jac Staunovo của UBS nhận định.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 29/3 thông báo sẽ kéo dài việc thực hiện chỉ thị "dãn cách xã hội" tới ngày 30/4 nhằm ngăn chặn sự lây lan nhanh chóng của dịch COVID-19 tại Mỹ.
Trong khi đó, quan chức phụ trách y tế của vùng England, tiến sĩ Jenny Harries hôm 29/3 đã đề nghị chính phủ Anh có thể kéo dài lệnh phong tỏa toàn quốc trong 6 tháng khi cảnh báo
London sẽ đối mặt với làn sóng đỉnh dịch Covid-19 lần thứ hai nếu dỡ bỏ sớm những biện pháp phong tỏa. Theo bà Harries, trong thời gian 6 tháng tới, chính phủ sẽ đánh giá tình hình sau mỗi 3 tuần và đưa ra những điều chỉnh phù hợp đối với các biện pháp giãn cách xã hội, từng bước đưa nước Anh trở lại hoạt động bình thường.
Theo Bjornar Tonhaugen - nhà nghiên cứu trưởng dầu mỏ của Rystad Energy, các chuỗi cungứng thị trường nhiên liệu có thể sụp đổ khi tình trạng dư cung tái diễn trong tháng 4 và tháng 5.
Bên cạnh đó, thị trường dầu mỏ toàn cầu trong phiên này cũng chịu sức ép từ cuộc chạy đua tăng sản lượng giữa Ả Rập Saudi và Nga trong thời gin tới.
Một quan chức của Bộ Năng lượng Ả Rập Saudi hôm 27/3 cho biết, nước này không đàm phán với Nga về các giải pháp nhằm giúp cân bằng thị trường, mặc dù chính quyền Washington ngày càng gia tăng sức ép yêu cầu chấm dứt đà giảm của giá dầu, vốn đã giảm hơn 60% kể từ đầu năm đến nay.
Với nhu cầu dầu được dự báo sẽ sụt từ 15 - 20 triệu thùng/ngày, giảm 20% so với năm ngoái, các nhà phân tích cho rằng các nước ngoài Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), dẫn đầu là Nga, sẽ cần phải cắt giảm sản lượng lớn mới có thể cân bằng thị trường.
Nhà phân tích hàng hóa Satoru Yoshida tại Rakuten Securities cho biết các ngân hàng trung ương đã nới lỏng chính sách tiền tệ và các chính phủ đã triển khai các gói kích thích kinh tế đối phó dịch Covid-19, song đây mới chỉ là những biện pháp mang tính hỗ trợ, không phải là giải pháp mang tính triệt để.
Theo chuyên gia Yoshida, giá dầu sẽ còn chịu sức ép và có thể tiếp tục giảm sâu cho tới khi nào dịch bệnh có dấu hiệu chấm dứt.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) ngày 30/3 đã giảm lãi suất hợp đồng mua lại đảo ngược (repo) ở mức lớn nhất kể từ năm 2015, trong bối cảnh giới chức Bắc Kinh đang đẩy mạnh các biện pháp nới lỏng tiền tệ nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19. PBoC cho biết hạ lãi suất đối với các hợp đồng mua lại đảo ngược kỳ hạn 7 ngày từ 2,4% xuống còn 2,2% - mức thấp kỷ lục trong 5 năm qua. Hợp đồng mua lại đảo ngược là một quá trình trong đó PBoC mua chứng khoán từ các ngân hàng thương mại thông qua đấu thầu, với thỏa thuận bán ra trong tương lai..
Nguồn tin: kinhtedothi.vn