Giá dầu thế giới tăng mạnh trong ngày 22/7 khi bối cảnh gia tăng lo ngại nguồn cung dầu tại Trung Đông có thể bị gián đoạn.
Trong phiên giao dịch này, giá “vàng đen” leo dốc hơn 2% do thị trường lo ngại về nguồn cung dầu mỏ tại vùng Vịnh bị ảnh hưởng sau khi Iran bắt giữ tàu chở dầu của Anh hồi tuần trước.
Giá dầu phục hồi mạnh trong ngày 22/7.
Giá dầu Brent tăng 1,41 USD, tương đương 2,26%, lên mức 63,88 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI cũng nhích 1,13 USD, tương đương 2,03%, được giao dịch ở mức 56,76 USD/thùng.
Giá dầu WTI đã lao dốc hơn 7% và Brent đã mất hơn 6% trong tuần qua.
Trong một lưu ý gửi khách hàng ngày 22/7, tổ chức tư vấn năng lượng JBC Energy nhận định: “Căng thẳng xung quanh vấn để Iran, đặc biệt là giữa Tehran và London liên quan đến các vụ bắt giữ tàu dầu tại Eo biển Hormuz, có thể càng tăng thêm những rủi ro địa chính trị đang kéo dài ở Trung Đông.
Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) hôm 19/7 thông báo đã bắt giữ tàu chở dầu mang cờ Anh mang tên Stena Impero đang trên hành trình tới một hải cảng ở Ả Rập Saudi, song bất ngờ đổi lộ trình sau khi đi qua eo biển tại vùng Vịnh. Phía Iran cho biết tàu đã bị bắt giữ sau khi va chạm với một tàu cá của Iran, "vi phạm luật hàng hải quốc tế".
Động thái này đã làm gia tăng lo ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung dẩu mỏ tại Eo biển Hormuz, nơi trung chuyển khoảng 20% nguồn cung dầu thế giới.
Trong một diễn biến liên quan, Thủ tướng Anh Theresa May đã triệu tập cuộc họp ủy ban các vấn đề khẩn cấp COBR trong ngày 22/7 để thảo luận về vụ việc trên. Người phát ngôn của bà May cho biết, các quan chức an ninh "sẽ thảo luận cách thức duy trì an ninh hàng hải tại Vịnh Persian". Đây sẽ là cuộc họp thứ 3 của ủy ban trên kể từ khi xảy ra vụ bắt giữ trên và sẽ là cuộc họp đầu tiên do Thủ tướng May chủ trì.
Các nhà giao dịch đang đẩy mạnh đầu tư vào thị trường dầu mỏ trong bối cảnh leo thang căng thẳng giữa Iran với Mỹ và các nước phương Tây ở vùng Vịnh, cùng với dấu hiệu nguồn cung toàn cầu giảm mạnh.
Việc Iran bắt giữ tàu dầu của Anh là diễn biến căng thẳng chính trị mới nhất tại khu vực Trung Đông trong vòng gần 3 tháng qua sau khi chính quyền Mỹ siết các lệnh trừng phạt mới đối với ngành dầu mỏ của Tehran từ đầu tháng 5.
Trong khi đó, số liệu công bố cuối tuần trước cho thấy, xuất khẩu dầu từ Ả Rập Saudi Arabia - nước xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới - giảm xuống mức thấp trong 18 tháng qua trong tháng 5/2019.
Căng thẳng địa chính trị giúp giá dầu phục hồi trong phiên này mặc dù Goldman Sachs hôm 21/7 hạ dự báo nhu cầu dầu thế giới năm 2019 xuống còn 1,275 triệu thùng dầu/ngày do kinh tế toàn cầu đang phát đi những tín hiệu gây thất vọng.
Nguồn tin: kinhtedothi.vn