Giá dầu Brent tăng 0,74%, lên mức 42,30 USD/thùng trong phiên 8/10 sau khi lao dốc 1,6% ở phiên trước đó.
Giá dầu phục hồi trong phiên này khi việc khai thác nhiên liệu tại Vịnh Mexico bị tạm dừng để tránh siêu bão Delta.Tuy nhiên, đà leo dốc còn bị hạn chế phần nào do lo ngại về nhu cầu nhiên liệu chưa phục hồi mạnh khi cơ hội có thêm gói kích thích kinh tế mới của Mỹ tiêu tan cùng với tồn kho dầu thô của Mỹ tăng cao hơn dự kiến.
Giá dầu Brent tăng gần 1% trong phiên 8/10.
Cụ thể, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ nhích 27 xu Mỹ, tương đương 0,68%, lên 40,22 USD/thùng khi chốt phiên thứ Năm sau khi giảm 1,8% trong phiên ngày 7/10.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao sau tăng 31 xu Mỹ, khoảng 0,74%, lên 42,30 USD/thùng, sau khi mất 1,6% ở phiên ngày thứ Tư.
Do lo ngại siêu bão Delta mạnh cấp 3 sắp đổ bộ, nhà sản xuất dầu Chevron Corp đã sơ tán 183 giàn khoan ngoài khơi với sản lượng gần 1,5 triệu thùng mỗi ngày.
Theo số liệu của Chính phủ Mỹ, sản lượng dầu ở khu vực Vịnh Mexico đạt 1,65 triệu thùng/ngày trong tháng 7/2020. Siêu bão Delta đã "đóng cửa" 29% hoạt động sản xuất dầu ngoài khơi của Mỹ ở Vịnh Mexico, chiếm 17% tổng sản lượng dầu thô Mỹ.
Trong khi đó, sản lượng dầu ở khu vực Biển Bắc của châu Âu có khả năng bị ảnh hưởng nặng nề do cuộc đình công của các công nhân ngành dầu mỏ nước này cũng là yếu tố hỗ trợ giá dầu.
Nhà điều hành mỏ Equinor cho biết mỏ dầu Johan Sverdrup, mỏ lớn nhất Biển Bắc được phát hiện ngoài khơi Na Uy với công suất lên tới 470.000 thùng/ngày sẽ phải đóng cửa sản xuất trừ khi cuộc đình công kết thúc vào ngày 14/10.
Công ty ConocoPhillips sẽ ngừng hoạt động khai thác nếu cuộc đình công diễn ra theo kế hoạch vào ngày 10/10. Công đoàn Lederne ngày 6/10 thông báo kéo dài đình công ngành dầu tới ngày 10/10 trừ khi đạt thỏa thuận về lương. Sản lượng của Na Uy giảm 8% vì tình trạng đình công.
Tuy nhiên, thị trường “vàng đen” vẫn chịu áp lực đi xuống do nhu cầu đối với mặt hàng này phục hồi chậm. Hy vọng nhu cầu tại Mỹ sớm phục hồi về mức trước thời điểm bùng phát đại dịch Covid-19 cũng không cao sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa đình chỉ đàm phán với đảng Dân chủ về gói cứu trợ mới.
Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows nói ông không lạc quan về khả năng đạt một thỏa thuận hỗ trợ kinh tế và chính quyền Tổng thống Trump muốn có các gói kích thíc kinh tế nhỏ hơn.
“Ông Trump rút khỏi đàm phán với phe Dân chủ về gói cứu trợ mới tạo ra nhiều bất ổn cho nền kinh tế Mỹ”, nhà phân tích Vivek Dhar của ANZ cho hay.
Tồn kho tại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 2/10 tăng mạnh hơn ước tính. Cụ thể, tồn kho dầu thô tăng 501.000 thùng, gấp gần hai lần so với dự đoán tăng 294.000 thùng từ Reuters.
Tồn kho xăng giảm 1,4 triệu thùng xuống còn 226,8 triệu thùng, thấp nhất kể từ tháng 11/2019, so với kỳ vọng giảm 471.000 thùng. Tồn kho sản phẩm tinh chế giảm 962.000 thùng như ước tính./.
Nguồn tin: kinhtedothi.vn