Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Lo lắng về quá trình phục hồi kinh tế, OPEC hạ mạnh dự báo nhu cầu dầu toàn cầu

Mức dự báo mới nhất thấp hơn 400 nghìn thùng dầu/ngày so với tính toán của tháng trước, đồng thời giảm 9,5 triệu thùng dầu/ngày so với cùng kỳ năm trước.

Ảnh: GettyImages

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã hạ dự báo nhu cầu dầu trong năm nay. Theo OPEC, nhu cầu dầu sẽ thấp hơn kỳ vọng trước đây bởi kinh tế Ấn Độ và một số nền kinh tế khác tại châu Á đi xuống.

Đồng thời, OPEC cảnh báo rủi ro kinh tế đi xuống trong khoảng thời gian còn lại của năm và trong nửa đầu năm tới vẫn còn, theo tin từ CNBC.

Trong báo cáo mới công bố vào ngày hôm nay, nhóm các nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới đã hạ dự báo đã hạ mạnh dự báo nhu cầu dầu toàn cầu xuống còn 90,2 triệu thùng dầu/ngày.

Mức này thấp hơn 400 nghìn thùng dầu/ngày so với tính toán của tháng trước, đồng thời giảm 9,5 triệu thùng dầu/ngày so với cùng kỳ năm trước.

Báo cáo được công bố ở thời điểm các thành viên trên thị trường năng lượng ngày một lo lắng về tình trạng kinh tế thế giới đang mất đà phục hồi, nhu cầu năng lượng giảm trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Tổ chức bao gồm những thành viên xuất khẩu dầu và sản phẩm năng lượng lớn nhất thế giới này vào ngày thứ Hai cho biết đã giảm dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu trong nhóm nước OECD khoảng 100.000 thùng.

Tuy nhiên, nhu cầu dầu tại nhóm nước ngoài OECD được ước tính giảm đến 500.000 thùng/ngày do nhu cầu tiêu thụ dầu tại châu Á, đặc biệt Ấn Độ, giảm.

OPEC tin rằng tác động tiêu cực của việc kinh tế suy giảm tăng trưởng lên nhu cầu dầu tại châu Á sẽ kéo dài trong cả nửa đầu năm 2021.

“Ngoài ra, vẫn tồn tại rủi ro đi xuống, đặc biệt có nguyên nhân do tình trạng lây nhiễm Covid-19 tăng lên và chưa có vắc xin. Ngoài ra, tốc độ phục hồi của hoạt động kinh tế và tăng trưởng nhu cầu dầu tại một số nước châu Á, trong đó có Ấn Độ, vẫn chưa chắc chắn”, OPEC nhấn mạnh.

OPEC cho rằng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng 6,6 triệu thùng dầu/ngày lên mức 96,9 triệu thùng dầu/ngày vào năm sau. Mức dự báo này thấp hơn 400 nghìn thùng dầu/ngày so với dự báo được đưa ra trước đây.

Phiên giao dịch ngày thứ Hai trên thị trường châu Á, giá dầu Brent giao dịch ở mức 39,76USD/thùng, giảm 0,2%. Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI duy trì ở mức 37,26USD/thùng, giảm 0,1%. Tính từ đầu năm đến nay, giá dầu đã giảm khoảng 40%.

Kinh tế toàn cầu đang hồi phục mạnh mẽ sau khoảng thời gian sụp đổ vào mùa xuân năm nay, tuy nhiên số liệu mới công bố cho thấy quá trình phục hồi mạnh mẽ tính từ sau khi các quy định phong tỏa được gỡ bỏ hiện đang mất đà.

Điều này cho thấy kinh tế toàn cầu sẽ có thể mất nhiều tháng, thậm chí hàng năm mới có thể phục hồi trở lại ngưỡng trước đại dịch.

Theo Wall Street Journal, các số liệu mới công bố từ nước Anh cho thấy tình trạng của quá trình phục hồi kinh tế. Kinh tế Anh trong khoảng thời gian từ tháng 7 sang tháng 8/2020 tăng trưởng được 6,6%, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng 8,7% của tháng trước đó.

Như vậy, kinh tế Anh có thể tăng trưởng đến 15% trong quý 3/2020 sau khi tăng trưởng âm 20,4% trong quý 2/2020.

Tuy nhiên, sản lượng kinh tế Anh hiện vẫn thấp hơn 11,7% so với thời điểm tháng 2/2020, tức là trước khi dịch bệnh trở nên căng thẳng. Sản lượng trong ngành dịch vụ, ngành phụ thuộc vào sự tiếp xúc trực tiếp, giảm 12,6% trong tháng 2/2020, sản lượng công nghiệp trong khi đó giảm 7%.

Những con số mới công bố cho thấy quan điểm của nhiều chuyên gia kinh tế đã đúng đắn, đó là quá trình trở lại ngưỡng trước đại dịch của nhiều nền kinh tế trong thế giới các nước giàu sẽ diễn ra vô cùng chậm chạp, đại dịch Covid-19 cản trở nhiều hoạt động kinh tế, từ hoạt động đi lại, giải trí cho đến việc làm tại doanh nghiệp.

Theo các số liệu kinh tế mới công bố, tăng trưởng mạnh trong quý 3/2020 sau đó được tiếp nối bằng khoảng thời gian tăng trưởng chậm khi mà doanh nghiệp, người lao động và chính phủ phải điều chỉnh với khoảng thời gian bất ổn kéo dài do đại dịch bùng phát.

Nguồn tin: bizlive.vn 

ĐỌC THÊM