Quyết định của chính quyền Biden về đợt giải phóng lớn kho dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR) đã làm giảm giá dầu hiện nay. Việc giải phóng 180 triệu thùng đã được thông báo sẽ được thực hiện trong sáu tháng tới. Điều này đã tạo ra một sự thay đổi dự kiến trong đường cong tương lai của giá dầu Brent, bằng cách dịch chuyển giá đi xuống trong ngắn hạn trong khi đẩy chúng lên một lần nữa với mức tương đương với các hợp đồng hết hạn vào cuối năm nay. Nghiên cứu của Rystad Energy cho thấy có thể sẽ có một sự xoay chuyển vào khoảng tháng 9 năm 2022, khi việc xả kho SPR có thể kết thúc. Việc giải phóng này sẽ giúp giảm giá xăng tạm thời - giả sử hoạt động của nhà máy lọc dầu diễn ra bình thường – sự sụt giảm giá dầu thô nhanh chóng thường đi kèm với giảm giá các sản phẩm dầu. Điều này xảy ra vào thời điểm giá xăng trung bình ở Mỹ là 4,2 USD/gallon, mức cao nhất được ghi nhận.
Trên thực tế, lưu lượng giao thông đường bộ vẫn bị ảnh hưởng nặng nề ở Bắc Mỹ và Châu Âu do giá xăng quá cao, và ở Trung Quốc do phong tỏa liên quan Covid-19 gây ra. Chẳng bao lâu nữa, Trung Quốc sẽ cần phải quyết định liệu có nên kiên trì với chính sách zero-Covid tốn kém về mặt kinh tế hay không khi đối mặt với tình trạng lây nhiễm đang gia tăng nhanh chóng.
“Việc giải phóng 180 triệu thùng trong vòng 180 ngày, tức là trung bình 1 triệu thùng/ngày, trong khi xuất khẩu dầu thô của Nga có khả năng giảm hơn 2 triệu thùng/ngày. Việc xả kho SPR lớn nhất từ trước tới nay là một quyết định đúng đắn trong cuộc khủng hoảng hiện tại và người tiêu dùng sẽ sớm cảm nhận được lợi ích, nhưng nó chỉ giải quyết được một nửa vấn đề”, Claudio Galimberti, Phó Chủ tịch Cấp cao, Phân tích cho biết.
Xăng
SPR được thành lập cách đây 50 năm, với tuổi thọ dự kiến là 25 năm. Do đó, cơ sở hạ tầng đã cũ và có thể dễ bị lỗi và trục trặc. Việc xả kho sẽ làm giảm đáng kể mức SPR, do đó gieo mầm cho một đợt tăng giá trong tương lai khi nhu cầu dầu thô tăng do nhu cầu bổ sung kho dự trữ. Chất lượng dầu thô được giải phóng có thể sẽ được phân chia đồng đều giữa các loại dầu ngọt và chua.
Cân bằng toàn cầu trong 12-18 tháng tới vẫn không thay đổi
Tùy thuộc vào tốc độ xả kho SPR và thời lượng của nó, dự kiến cân bằng cung-cầu toàn cầu sẽ tạm thời được thay đổi. Giả sử việc xả kho SPR trung bình là 1 triệu thùng/ngày trong 180 ngày tới - và giữ mọi thứ khác không đổi, kể cả hoạt động sản xuất của OPEC+ và không có sự thay đổi về nhu cầu - thì cân bằng cung và cầu sẽ ít thắt chặt hơn trong sáu tháng tới.
Đặc biệt, việc rút kho dự trữ trong quý thứ ba sẽ ít rõ rệt hơn và chỉ dẫn đến trung bình 0,3 triệu thùng/ngày được rút ra trong quý 3 so với mức rút trung bình 1,3 triệu thùng/ngày trước khi xả kho SPR. Tuy nhiên, giả sử SPR sẽ cần được bổ sung trong suốt quý 4 và rất có thể là năm 2023, nhu cầu dầu thô sẽ tăng lên.
Mặc dù hiện tại rất khó ước tính tốc độ và thời lượng, nhưng sự gia tăng nhu cầu này có vẻ không thể tránh khỏi. Từ quan điểm đó, việc giải phóng SPR lớn tạo ra rất ít thay đổi cho sự cân bằng toàn cầu năm 2022-2023.
Các nguồn thay thế: OPEC+ vẫn tiếp tục duy trì thỏa thuận
Nhóm các quốc gia sản xuất dầu OPEC+ vào tuần trước cho biết sẽ đặt mục tiêu nâng sản lượng lên thêm 432.000 thùng/ngày trong tháng 5, tiếp tục với kế hoạch hàng tháng đã được thống nhất vào năm ngoái để bổ sung dần mức sản lượng cắt giảm khi bắt đầu đại dịch.
Không có cam kết nào của UAE hay Ả-rập Xê-út trong việc khai thác công suất dự phòng của mình và lấp đầy khoảng trống chênh lệch giữa cam kết của OPEC+ với tổng sản lượng thực tế, mà vào tháng Hai - trước khi có lệnh trừng phạt đối với Nga - ở mức gần 1 triệu thùng/ngày.
Với tốc độ này, và giả định sản lượng dầu thô của Nga sẽ mất 2 triệu thùng/ngày trong tương lai, khoảng cách giữa cam kết và sản lượng thực tế trong tháng 5 của OPEC+ có thể tăng lên 3,2 triệu thùng/ngày.
UAE và Ả Rập Xê-út không cảm thấy cần phải phá vỡ liên minh của họ với Nga và OPEC+, trong 24 tháng qua vốn đã cực kỳ thành công trong việc tái cân bằng thị trường toàn cầu sau sự sụp đổ nhu cầu lớn nhất do đại dịch gây ra.
Trong khi OPEC tiếp tục duy trì khối lượng khai thác, Ả Rập Xê Út tiếp tục tận dụng lợi thế của thị trường thắt chặt bằng cách nâng giá bán chính thức (OSP). Một đợt tăng OSP nữa của Ả Rập Xê Út cho dầu bán tới châu Á vào tháng Năm - rõ ràng cho thấy một thị trường dầu chua vừa khan hiếm.
Dòng chảy xuất khẩu dầu thô của Nga
Có những tín hiệu mạnh mẽ cho thấy xuất khẩu dầu thô của Nga đã được giữ vững cho đến nay, nhưng chưa rõ điểm đến. Những thùng dầu này cuối cùng có thể làm tăng mức dự trữ trong kho chứa nổi nếu không tìm được người mua. Các lựa chọn khác bao gồm xuất khẩu cao hơn sang Ấn Độ, và trên hết là Trung Quốc, nếu hai quốc gia này quyết định đánh đổi rủi ro bị Mỹ trừng phạt để lấy lợi ích từ việc mua được dầu Urals của Nga với giá rất thấp; Lựa chọn cuối cùng cho xuất khẩu dầu thô của Nga sẽ là pha trộn dầu thô, để làm cho xuất xứ của nó ít rõ ràng hơn.
Tuy nhiên, EU hôm thứ Ba đã tiến gần hơn đến việc cấm nhập khẩu dầu của Nga, điều này sẽ dẫn đến sự thay đổi cơ cấu lớn trong dòng chảy dầu thô từ châu Âu sang châu Á, vì châu Âu vẫn là điểm đến chính của dầu Nga cho đến nay. Theo ước tính, có thể mất tới 2 triệu thùng sản lượng dầu thô của Nga mỗi ngày nếu EU cấm khai thác dầu của Nga.
Nguồn tin: Rystad Energy
© Bản tiếng Việt của xangdau.net