Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã công bố bản báo cáo thị trường dầu hàng tháng hôm thứ Năm tuần trước, và thông tin này đủ để đưa WTI xuống dưới 50 đôla sau một đợt phục hồi ngắn kéo dài trong một tuần.
Báo cáo này cho thấy sản xuất của OPEC đã đạt đến một tầm cao mới vào tháng 7, khi các thành viên đã cung cấp vượt hạn mức cắt giảm sản xuất đã đồng ý vào tháng 11 năm ngoái và kéo dài đến tháng 5 này. Tuy nhiên, trong nhóm này có rất nhiều khả năng cho sự gián đoạn mà có thể đẩy giá lên hoặc xuống tùy vào từng hoàn cảnh.
Tổng sản lượng OPEC đạt mức cao nhất trong năm, vượt 32,9 triệu thùng/ngày trong tháng 7, tăng 172.600 thùng/ngày so với tháng 6.
Saudi Arabia báo cáo sản lượng hàng tháng là 10,06 triệu thùng/ngày. Quốc gia này đã vượt quá hạn ngạch sản lượng phần lớn là do nhu cầu theo mùa cao hơn, và có khả năng sẽ giảm lại khi kết thúc mùa hè.
Saudi đã tuyên bố dự định sẽ hạn chế xuất khẩu ở mức 6,6 triệu thùng/ngày trong tháng Tám và tin rằng tồn kho, đã giảm trong vài tháng qua, sẽ tiếp tục giảm và cho phép giá lên lại trên 50 USD. Một đại biểu của Saudi đã báo cáo với OPEC rằng sản lượng thực sự của nước này là 10,01 triệu thùng/ngày.
Iraq và UAE, hai nước đã liên tục thất bại trong việc đạt được các mục tiêu hạn ngạch kể từ tháng 11, báo cáo sản lượng giảm. Iraq đã sản xuất 4,4 triệu thùng/ngày, giảm khoảng 33.000 thùng/ngày so với tháng trước đó và bù lại sự gia tăng nhẹ từ Ả-rập Xê-út. UAE cũng đã ghi nhận sự sụt giảm nhỏ trong sản xuất, trong khi được biết Angola đã đưa 19.000 thùng/ngày ra khỏi thị trường.
Tuy nhiên, câu chuyện lớn là sản xuất đang tăng từ các nước được miễn trừ khỏi cắt giảm chính thức. Libya, nước đang khôi phục lại nền kinh tế sau khi chính phủ Qaddafi sụp đổ vào năm 2011, báo cáo sản xuất tăng trong tháng 7.
Theo nguồn tin thứ cấp của OPEC, sản lượng Libya lên đến 1.001 triệu thùng/ngày, tăng hơn 150.000 thùng/ngày so với tháng 6 năm 2017.
Chỉ trong tháng này, Libya đã khôi phục mỏ dầu Sharara, nơi đã bị đóng cửa do những gián đoạn vào đầu tuần này. Mỏ dầu này đã góp phần cho sự thành công của Libya để vượt hơn 1 triệu thùng/ngày trong tháng trước, và tin tức về sự hoạt động trở lại của nó đã làm cho giá cả sụt giảm vào ngày 6 tháng 8.
Nigeria cũng tăng cường sản xuất. Quốc gia cận Sahara này đã tăng sản lượng thêm 34.000 thùng/ngày trong tháng 7 theo các nguồn thứ cấp; còn theo truyền thông trực tiếp báo cáo thì có mức tăng kinh khủng 117.000 thùng/ngày. Đây là mức cao 17 tháng khi nó cố gắng duy trì vị trí trước đây.
Sản lượng Nigeria hiện đang đạt trung bình khoảng 1,7 triệu thùng/ngày, vẫn thấp hơn mức trung bình năm 2015. Nếu sản lượng vượt 1,8 triệu thùng/ngày, có khả năng Nigeria sẽ cảm thấy áp lực từ những nước còn lại trong OPEC để hạn chế sản xuất.
Sự gia tăng sản xuất liên tục của Libya và Nigeria nên được dự báo khi hai nước này giành lại vị trí của mình và tìm thị trường cho các hỗn hợp dầu thô nhẹ.
Venezuela tiếp tục hỗn loạn trong tháng Bảy. Nước này đã giảm thêm 15.000 thùng/ngày, tiếp tục một đợt sụt giảm sản xuất duy trì kể từ năm 2016, khi tình hình kinh tế của đất nước ngày càng tồi tệ và nhiều áp lực hơn được đặt lên PDVSA, công ty dầu khí quốc doanh của nước này. Ngay bây giờ sản lượng của Venezuela chỉ ở mức dưới 2 triệu thùng/ngày, giảm so với sản lượng năm 2015 dao động quanh mức 2,4 triệu thùng/ngày.
Có một số tin đồn rằng một sự gián đoạn lớn ở Venezuela, có lẽ là kết quả từ các biện pháp trừng phạt của Mỹ hoặc sự bùng nổ tình trạng đối lập giữa chính phủ Maduro và các đối thủ của nó, có thể đẩy giá tăng vọt. Mặc dù thị trường đã chứng minh khả năng hồi phục đáng kinh ngạc khi đối mặt với những gián đoạn về địa chính trị và gia tăng căng thẳng, nhưng thảm hoạ của một nơi sản xuất lớn như Venezuela, nơi dự trữ dầu lớn nhất thế giới, có thể là quá nhiều cho giá phải gánh chịu.
Dù nhóm đã nỗ lực gần một năm để cắt giảm lượng hàng tồn kho toàn cầu thông qua việc hạn chế nguồn cung được phối hợp và tính toán, nhưng sự tác động đến giá lại gây thất vọng. EIA đã chỉ ra rằng tồn kho toàn cầu đã giảm một cách đáng kể trong nửa đầu năm 2017, nhưng vẫn còn cao hơn mức trung bình 5 năm của họ.
CNBC đưa tin rằng quyết tâm của các nhà sản xuất dầu để hạn chế sản lượng khi tồn kho tiếp tục giảm và giá dao động tại hoặc dưới 50 đô la đang bắt mờ nhạt. Trong khi Nigeria và Libya chịu trách nhiệm chính về mức sản xuất lịch sử trong tháng 7, thì phần lớn các thành viên của OPEC đã bơm quá giới hạn đã thỏa thuận.
Mặc dù Ảrập Xê-út bàn về việc kiểm soát sản xuất của OPEC, và ngụ ý rằng những cắt giảm sâu hơn đang được bàn đến nhưng có thể sự tuân thủ thậm chí sẽ còn thấp hơn nữa vào tháng Tám, trong khi các nước như Libya và Nigeria bơm nhiều hơn để bù đắp tổn thất ở Venezuela. Kết quả cuối cùng có thể là những gì chúng ta đã nhìn thấy trong nhiều tháng qua: Nỗ lực của OPEC nhằm hạn chế sản xuất bị phá hoại bởi các ưu tiên và hoàn cảnh khác nhau giữa các quốc gia thành viên.
Nguồn tin: xangdau.net