Phó Thủ tướng Alexander Novak cảnh báo Nga sẵn sàng chuyển bất kỳ nguồn cung dầu nào bị các nước châu Âu từ chối đến các khu vực khác như châu Á, nếu Liên minh châu Âu (EU) đưa ra lệnh cấm vận dầu mỏ.
Ông lập luận rằng châu Âu, khu vực phụ thuộc vào Nga cho khoảng 1/4 lượng dầu thô nhập khẩu, sẽ phải tìm nguồn cung cấp thay thế có giá đắt hơn.
Bình luận này được đưa ra sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov hồi đầu tháng này đã thách thức phương Tây đưa ra lệnh cấm dầu.
Ông nói: "Hãy để phương Tây trả nhiều hơn những gì họ từng trả cho Liên bang Nga, và để nó giải thích cho người dân hiểu tại sao họ phải trở nên nghèo hơn."
Ủy ban châu Âu hôm qua đã công bố khoản 210 tỷ euro để châu Âu chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2027 và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.
EU cũng đang hướng tới việc loại bỏ dần nguồn cung dầu của Nga và muốn đưa biện pháp này vào gói trừng phạt thứ sáu sau khi tuyên bố hạn chế nhập khẩu than từ nước này cách đây hai tháng.
Tuy nhiên, Hungary vẫn tiếp tục không ủng hộ lệnh cấm, khi các lệnh trừng phạt đòi hỏi phải có sự ủng hộ nhất trí từ khối.
Các nhà đàm phán EU và chính phủ Hungary trong những ngày gần đây đã đàm phán về một giải pháp tài chính tiềm năng để bù đắp cho những khó khăn kinh tế do cắt nguồn dầu của Nga.
Các con số được đề xuất được cho là gần một tỷ euro.
Châu Âu là khu vực mua hàng đầu của Nga, có nghĩa là việc loại bỏ 4 triệu thùng/ngày sẽ gây khó khăn cho EU, nó cũng sẽ là một đòn giáng mạnh đối với Điện Kremlin.
Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng 2, EU đã chi 28 tỷ euro cho nguồn cung dầu mỏ mua từ Điện Kremlin - nhiều hơn đáng kể so với khoản viện trợ đã cam kết dành cho Ukraine.
Tuần trước, Callum Macpherson, người đứng đầu bộ phận hàng hóa tại Investec, nói với City A.M. rằng Nga sẽ rất khó tìm được người mua mới sẵn sàng mua dầu với khối lượng tương đương với những người mua châu Âu.
Điều này có nghĩa là nguồn cung dầu có thể rời khỏi thị trường và một lần nữa đẩy giá đi lên - vốn đã vượt trên mốc 100 đô la.
Ông nói: “Nếu lệnh cấm toàn diện và được đưa ra nhanh chóng, sẽ là một thách thức thực sự đối với Nga khi chuyển hướng dầu và do đó, sẽ đưa dầu thô ra khỏi thị trường toàn cầu, khiến EU phải cạnh tranh với các nước tiêu thụ khác để có được nguồn dầu thô khác - điều đó chắc chắn sẽ đồng nghĩa với giá cao hơn.
Craig Erlam, một nhà phân tích cấp cao tại OANDA, nói thêm: “Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ thấy một lệnh cấm, câu hỏi là nó được thực hiện như thế nào và liệu nó có đặc biệt hiệu quả hay không. Thời gian thực hiện lệnh cấm càng lâu, Nga càng có nhiều cơ hội tìm kiếm thị trường thay thế”.
Khách hàng của Gazprom chịu sức ép và thanh toán bằng đồng ruble
Cho đến nay, EU đã tránh được các lệnh trừng phạt đối với khí đốt của Nga, khi khối này phụ thuộc vào Nga cho 40% kim ngạch nhập khẩu của mình.
Chỉ có Lithuania là đã hành động đơn phương đưa ra lệnh cấm vận, khi châu lục này lo ngại về khả năng thiếu hụt nguồn cung vào mùa đông này mà không có nguồn cung thay thế.
Cùng với giọng điệu lạc quan của mình đối với dầu Nga, Novak tiết lộ một nửa trong số 54 khách hàng của Gazprom đã mở tài khoản tại Gazprombank, Phó Thủ tướng Nga tiết lộ.
Điện Kremlin đang buộc người mua khí đốt của Nga thanh toán bằng đồng ruble, bất chấp thực tế là gần như tất cả các hợp đồng cung cấp của châu Âu đều được thỏa thuận bằng đồng euro hoặc đô la.
Tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký ban hành luật đối với các khách hàng 'không thân thiện' ở nước ngoài phải thanh toán bằng đồng ruble nhằm nỗ lực củng cố đồng tiền của nước này và để trả đũa các lệnh trừng phạt nặng nề của phương Tây sau cuộc xâm lược Ukraine.
Thông qua một hệ thống thanh toán mờ ám, các công ty châu Âu phải mở tài khoản tại Gazprombank và chuyển euro hoặc đô la, sau đó được chuyển đổi sang ruble trước khi giao dịch.
Liên minh châu Âu (EU) đã lên án yêu cầu của Nga, nhưng họ đã đạt được thỏa hiệp với các công ty phương Tây - cho phép họ giao dịch khí đốt của Nga với điều kiện tuyên bố giao dịch hoàn tất sau khi chuyển euro hoặc đô la vào tài khoản Gazprombank.
Tháng trước, Nga đã ngừng cung cấp khí đốt cho Bulgaria và Ba Lan vào tháng 4 sau khi cả hai quốc gia từ chối đáp ứng yêu cầu trả tiền cho khí đốt của Nga bằng đồng ruble.
Ngày càng có nhiều suy đoán rằng Phần Lan có thể là nước tiếp theo, vì hãng cung cấp năng lượng thuộc sở hữu nhà nước của nước này là Gasum cũng đã từ chối chuyển sang kế hoạch thanh toán mới.
Tuần này, Gasum tiết lộ sẽ đưa tranh chấp về các khoản thanh toán bằng đồng ruble với Công ty xuất khẩu Gazprom của Nga lên trọng tài.
Phần Lan gần đây đã công bố ý định gia nhập NATO - điều này càng khiến Điện Kremlin phản kháng nhiều hơn.
Nguồn tin: CityAM
© Bản tiếng Việt của xangdau.net