Nhiều dấu hiệu rõ ràng xuất hiện trong tuần này cho thấy việc cắt giảm sản xuất của OPEC được thực hiện kể từ tháng 11 năm 2016 có thể được kéo dài quá thời hạn tháng 6 năm 2017. Hôm thứ ba, Ả-rập Xê-út đã bày tỏ sự sẵn sàng mở rộng cắt giảm, và báo cáo sản lượng hàng tháng của OPEC cho thấy Saudi vẫn tiếp vượt quá mức cam kết, cắt giảm sản lượng xuống còn 9,9 triệu thùng/ngày vào tháng 3, thấp hơn khoảng 100.000 thùng/ngày so với hạn ngạch hàng tháng đã nhất trí.
Tổng mức giảm trong sản lượng OPEC là 365.000 thùng/ngày, đưa tổng sản lượng xuống còn 31.68 triệu thùng/ngày. Sự tuân thủ quá mức của Ả Rập là một trong những yếu tố làm giảm sản lượng, nhưng cũng có những sụt giảm không tự nguyện như tại Libya và Nigeria. Cùng với Ả-rập Xê-út, các thành viên OPEC khác như Kuwait, Iraq, Algeria và Angola đều nói rằng cần phải cắt giảm thêm nữa để đưa thị trường trở lại trạng thái cân bằng.
Theo tờ Wall Street Journal, các nhà sản xuất Trung Đông đã chỉ ra rằng mức giá mục tiêu của họ là 60 USD, mức mà họ cảm thấy sẽ cho phép các nền kinh tế phục hồi mà không để cho sản xuất Mỹ tăng thêm nữa. Việc công bố quan điểm của Saudi và báo cáo của OPEC đã giúp cho giá phục hồi trong tuần này, nối tiếp đà tăng cuối tháng 3, đưa giá WTI lên trên 53 đôla một thùng.
Nghiên cứu từ Tập đoàn KLR được công bố hôm thứ Năm cho thấy tồn kho toàn cầu sẽ trở về bình thường vào cuối năm 2017 nếu mở rộng cắt giảm. Tình hình cung cầu ổn định cũng là triển vọng của IEA, cơ quan này đã dự báo nhu cầu sẽ giảm trong năm thứ hai liên tiếp vào năm 2017. Không tăng cũng không giảm, triển vọng của IEA cho thấy sự thận trọng, nhấn mạnh rằng tồn kho giảm và kéo dài thỏa thuận làm giá tăng sẽ thúc đẩy tăng trưởng mới trong sản xuất của Mỹ, và lặp lại xu hướng đầu năm 2017. Trong tháng 1, báo cáo về tồn kho khổng lồ giảm và sự gia tăng hoạt động của dầu đá phiến đã kéo giá rớt xuống mức trước tháng 11.
Cả KLR và IEA đều tin rằng việc mở rộng cắt giảm hơn nữa của OPEC sẽ thắt chặt nguồn cung, dẫn đến tồn kho giảm nhiều hơn và giá cao hơn vào 6 tháng cuối năm 2017. Tăng trưởng trong sản xuất của Mỹ, vốn đã tăng trong ba tháng đầu năm nay và có thể sẽ tiếp tục như vậy nếu như giá trên 50 USD, có thể bù vào sản lượng bị cắt giảm của OPEC. Nhưng có lẽ không hoàn toàn như vậy, nhất là nếu sự tuân thủ của các nước ngoài OPEC cao hơn nữa. Goldman Sachs dự báo sự trở lại của tình trạng ổn định giá trước năm 2003, với mức trung bình 50 đôla.
Đây là tin vui đối với các nhà đầu cơ giá lên với mong muốn kéo dài đà phục hồi hiện nay đến quý II năm 2017. Ủy ban của các nhà sản xuất trong vào ngoài OPEC đã đồng ý xem xét việc gia hạn cắt giảm vào đầu tháng 4, điều này làm củng cố niềm tin rằng thỏa thuận mở rộng cắt giảm có khả năng thành hiện thực.
Nhưng không phải tất cả các nhà sản xuất OPEC đều quan tâm đến ý tưởng cắt giảm thêm. Iran, mong muốn đẩy mạnh sản xuất vượt mức trước trừng phạt, chỉ chấp nhận cắt giảm hồi tháng 11 với điều kiện được phép tiếp tục tăng sản lượng lên 3,8 triệu thùng/ngày. Nước này đã đạt đến mức đó vào cuối năm 2016 và thậm chí đạt gần 4 triệu thùng/ngày, theo thông báo trực tiếp tới OPEC, nhưng có nhiều khả năng xuất khẩu tăng ấn tượng của Iran kể từ tháng 1 năm 2016 đến từ các cơ sở lưu kho trong và ngoài khơi, và sản xuất giếng dầu thực tế của Iran có thể giảm nếu không đầu tư đáng kể. Sản lượng của Iran đã giảm trong tháng 3, giảm 28,7 nghìn thùng/ngày xuống còn 3,79 triệu thùng/ngày, theo các nguồn thứ cấp.
Sự bướng bỉnh của Iran và thỏa hiệp gắt gao vào năm ngoái là một trong những trở ngại chính đối với thỏa thuận sản xuất. Một nỗ lực đàm phán về việc mở rộng cắt giảm có thể dẫn đến sức ép Ả Rập Saudi lên Iran để cắt giảm dưới 3,8 triệu thùng/ngày, một động thái chắc chắn sẽ gây ra sự phản kháng mạnh mẽ từ phía Iran. Khi chính phủ Iran hiện thời đang phải đối mặt với cuộc bầu cử lại vào tháng 5, thì một động thái cắt giảm sản xuất có thể được hiểu là dấu hiệu của sự suy yếu, đặc biệt là ở một quốc gia mà dầu từ lâu đã là tâm điểm của niềm tự hào quốc gia.
Iran có thể là một trở ngại lớn, vì có vẻ như các nhà sản xuất lớn khác đều muốn ủng hộ việc mở rộng cắt giảm. Thậm chí Iraq cũng cho thấy rằng họ nghĩ việc cắt giảm là cần thiết để đẩy giá lên tới 60 đôla. Các nhà sản xuất khác đã phải vật lộn với gián đoạn nội bộ và sự sụt giảm nghiêm trọng trong sản xuất, trong đó có Venezuela, Nigeria và Libya, có lẽ cũng chọn cách cắt giảm miễn là họ được miễn trừ. Do sự háo hức của của Kuwait và Saudi để thúc đẩy giá nên có khả năng đạt được một thỏa thuận hòa bình để tiếp tục cắt giảm trong khi trao cho các nhà sản xuất đang gặp khó khăn cơ hội phục hồi sản lượng bị mất.
Thực tế là giá cao hơn sẽ làm tăng giá trị tiềm năng của Saudi Aramco, công ty này sẽ có đợt IPO đầu tiên vào năm 2018. Chính phủ Saudi đã cắt giảm thuế cho Aramco từ 85% xuống còn 50%, một động thái làm cho công ty hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư.
Có khả năng OPEC sẽ tiếp tục thảo luận về khả năng mở rộng cắt giảm sản lượng để giữ giá đi lên. Các nhà phân tích và thị trường sẽ phải đợi xem OPEC nhìn nhận cảnh quan ngành công nghiệp dầu như thế nào tại cuộc họp vào tháng Năm tới. Nhưng nhiều dấu hiệu cho thấy việc kéo dài thỏa thuận của OPEC đang trở nên khó mà bỏ qua và đó là tin tốt cho các nhà đầu cơ giá lên cũng như các nhà sản xuất dầu đá phiến ở Mỹ.
Nguồn tin: xangdau.net