Việc giá dầu thô liên tục tăng mạnh trong 6 tuần trở lại đây và neo trên ngưỡng 80 USD/thùng được kỳ vọng sẽ giúp Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn cải thiện đáng kể kết quả kinh doanh trong quý 3/2023.
Kỳ vọng lợi nhuận được cải thiện khi giá dầu tăng cao
Trong quý 2/2023, sản lượng tiêu thụ của Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã cổ phiếu BSR – sàn UPCoM) tiếp tục duy trì ở mức cao trên 1,8 triệu tấn, tương đương với cùng kỳ năm 2022 và tăng tới 15% so với quý 1/2023. Công suất hoạt động của nhà máy vượt 8% công suất thiết kế trong quý.
Tuy nhiên, doanh thu của Lọc hóa dầu Bình Sơn chỉ đạt 33.670 tỷ đồng doanh thu, giảm mạnh 35,7% so với quý 2/2023 và giảm 1,2% so với quý 1/2023. Mặc dù công ty ghi nhận khoản hoàn nhập dự phòng hàng tồn kho và lãi tỷ giá tổng cộng khoảng 750 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận ròng trong quý 2/2023 chỉ đạt 1.326 tỷ đồng, giảm gần 87% so với mức cao kỷ lục của quý 2/2022, và giảm 18,2% so với quý 1/2023.
Chênh lệch giá crack giữa giá xăng dầu Singapore và giá dầu Brent (USD/thùng). (Nguồn: Bloomberg, SSI Research)
Kết quả kinh doanh của Lọc hóa dầu Bình Sơn sụt giảm chủ yếu do giá bán quân bình quân giảm 38% so với quý 2/2022 và giảm 8% so với quý 1/2023. Đồng thời, mức chênh lệch giá crack (crack spread, chênh lệch giá dầu thô và giá sản phẩm tinh chế từ dầu) đã bị thu hẹp mạnh từ mức trung bình 19 USD/thùng trong quý 1/2023 xuống chỉ còn 14 USD/thùng trong quý 2/2023.
Tuy nhiên theo đánh giá mới nhất của SSI Research, lợi nhuận quý 3/2023 của Lọc hóa dầu Bình Sơn sẽ được cải thiện và đạt mức tăng trưởng so với cùng kỳ và so với quý trước do giá dầu thô tăng trở lại và chênh lệch giá crack lần lượt là 13% và 20% so với quý trước.
Theo dõi giá xăng dầu hàng ngày trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Giá dầu thô thế giới đang tăng trở lại từ giữa tháng 7/2023 đến nay khi liên minh OPEC+, đặc biệt là Saudi Arabia và Nga – hai quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, tiếp tục duy trì việc cắt giảm sản lượng khai thác. Đà tăng của giá dầu thô cũng được hỗ trợ bởi đồng USD yếu đi và triển vọng cải thiện ở nền kinh tế Hoa Kỳ; qua đó, bù đắp các lo ngại về sự suy giảm nhu cầu từ Trung Quốc.
Lợi nhuận ròng của BSR và chênh lệch giá crack trong khu vực (USD/thùng). (Nguồn: Bloomberg, SSI Research)
SSI Research dự báo lợi nhuận ròng của Lọc hóa dầu Bình Sơn trong năm nay sẽ đạt 6.400 tỷ đồng, giảm 56% so với mức nền cao kỷ lục của năm ngoái. Lũy kế nửa đầu năm nay, Lọc hóa dầu Bình Sơn ghi nhận lãi ròng gần 3.000 tỷ đồng, hoàn thành 181% mục tiêu lợi nhuận cả năm. Kế hoạch kinh doanh năm nay của Lọc hóa dầu Bình Sơn được xây dựng trên giả định giá dầu thô ở mức 70 USD/thùng.
Trong tuần trước, giá dầu thô thế giới đã xác lập mạch tăng kéo dài 6 tuần liên tiếp. Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) vừa nâng dự báo giá dầu thô Brent sẽ đạt mức trung bình 86 USD/thùng trong nửa cuối năm nay, tăng tới 7 USD/thùng so với dự báo trước đây.
Đồng quan điểm như trên, tập đoàn tài chính UBS (Thụy Sĩ) dự báo thị trường dầu thô toàn cầu sẽ bị thiếu hụt hơn 1,5 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 9/2023 và giá dầu thô Brent sẽ dao động từ 85 – 90 USD/thùng trong những tháng tới đây.
Lùi thời gian bảo dưỡng, cổ phiếu BSR tăng 54%
Vừa qua, Lọc hóa dầu Bình Sơn đã được lùi thời gian bảo dưỡng tổng thể 50 ngày sang tháng 3/2024 nhằm đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước khi Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn bảo dưỡng. Điều này sẽ góp phần cải thiện kết quả kinh doanh của Lọc hóa dầu Bình Sơn nửa cuối năm nay.
Tuy nhiên, SSI Research lưu ý, lợi nhuận ròng của Lọc hóa dầu Bình Sơn trong năm 2024 có thể sẽ giảm 8% so với năm 2023 do sản lượng tiêu thụ giảm 14% khi công ty tiến hành bảo dưỡng tổng thể.
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu BSR của Lọc hóa dầu Bình Sơn từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)
Xem thêm: "Thiếu hụt nguồn cung mới kéo dài đẩy giá thuê bất động sản công nghiệp tăng cao" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Đáng chú ý, vừa qua Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2028, nâng công suất thiết kế của Nhà máy Dung Quất tăng 16% từ 148.000 thùng/ngày lên 171.000 thùng/ngày - tương đương 7,6 triệu tấn/năm.
Đây sẽ là động lực tăng trưởng của doanh nghiệp trong dài hạn, thúc đẩy doanh thu cũng như cải thiện khả năng sinh lời của công ty thông qua việc nâng cao tỷ trọng sản phẩm giá trị cao sau khi đi vào hoạt động từ quý 1/2028.
Bên cạnh đó, Lọc hóa dầu Bình Sơn đang tích cực giải quyết nốt tiêu chí cuối cùng liên quan đến các khoản nợ quá hạn để được niêm yết cổ phiếu BSR tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh với mục tiêu chuyển sàn trong quý 3/2023.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 10/8, giá cổ phiếu BSR của Lọc hóa dầu Bình Sơn đạt 20.500 đồng/cổ phiếu. So với thời điểm đầu năm nay, cổ phiếu BSR đã tăng gần 54%. Đáng chú ý, sau giai đoạn dài tích lũy, cổ phiếu BSR đã xác lập xu hướng đi lên kể từ cuối 4/2023, với mức tăng đạt 31% tính đến thời điểm hiện tại.
Nguồn tin: Tạp chí công thương