Giá dầu trong những tuần gần đây đã để mất tất cả mức tăng đã đạt được kể từ khi Nga xâm lược Ukraine do ngày càng lo ngại thị trường suy thoái.
Có dấu hiệu tăng trưởng kinh tế chậm lại, điều này có thể làm giảm nhu cầu dầu. Nhưng những người tham gia thị trường dầu và các nhà phân tích đang chật vật để ước tính nhu cầu có thể bị ảnh hưởng nhiều bao nhiêu trong một cuộc suy thoái mà sẽ không giống như cuộc khủng hoảng và sụp đổ tín dụng năm 2008/2009.
Các yếu tố giảm giá đang chi phối tâm lý thị trường hiện tại, nhưng một số nhà phân tích nói rằng các nhà giao dịch trên sàn có thể đã đưa vào giá quá nhiều sự lo lắng về suy thoái.
Đồng thời, thị trường lao động Hoa Kỳ đang hoạt động tốt hơn kỳ vọng, bất chấp những tín hiệu ảm đạm khác cho thấy nền kinh tế Hoa Kỳ đang trì trệ. Hơn nữa, lạm phát hàng năm ở Mỹ trong tháng 7 đã giảm bớt so với tháng 6 nhờ giá xăng hạ nhiệt.
Tuy nhiên, tâm lý bi quan hiện đang chiếm ưu thế trên thị trường dầu, vì giới đầu tư đang chú ý nhiều hơn đến lo ngại suy thoái, xuất khẩu dầu ổn định của Nga trái với kỳ vọng ban đầu về 3 triệu thùng dầu bị mất mỗi ngày trong khu vực, và hoạt động của nhà máy Trung Quốc yếu hơn và các đợt phong tỏa liên quan COVID gây sức ép lên nhu cầu nhiên liệu.
Các tín hiệu tăng giá sắp xảy ra bao gồm mùa bão ở Mỹ trong tháng này và tháng tới, nơi các trận bão và cuồng phong nghiêm trọng có thể buộc các cơ sở sản xuất ở vùng Vịnh Mexico phải ngưng hoạt động hoặc đóng cửa trước các nhà máy lọc dầu dọc theo duyên hải vịnh Mexico. Một yếu tố tăng giá khác vào cuối năm có thể xuất hiện từ việc giải phóng SPR của Mỹ vào cuối năm, hiện dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 10. Đồng thời, các nhà sản xuất dầu của Hoa Kỳ không tăng sản lượng quá nhiều - ngay cả ở mức giá 100 đô la - do tiếp tục duy trì kỷ luật vốn, chuỗi cung ứng hạn chế và lạm phát chi phí. Hiệu lực đầy đủ của lệnh cấm nhập khẩu dầu qua đường biển của EU, dự kiến có hiệu lực vào cuối năm, cũng là thách thức cho việc dự báo, cũng như tác động của giới hạn giá có thể có đối với dầu của Nga, điều này sẽ cho phép cấp bảo hiểm và các dịch vụ cho dầu thô của Nga nếu người mua cam kết mua bằng hoặc thấp hơn một mức giá nhất định.
Nỗi sợ hãi suy thoái
Tuy nhiên, thị trường dầu hiện đang lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu và sự phá hủy nhu cầu. Lo ngại suy thoái ở châu Âu đã gia tăng trong bối cảnh giá năng lượng tăng vọt và nguồn cung cấp khí đốt từ đường ống của Nga thấp đang buộc các công ty trong một số ngành sử dụng nhiều năng lượng phải hạn chế sản xuất. Tại Anh, Ngân hàng Trung ương nước này tuần trước cảnh báo nước này dự kiến sẽ bước vào cuộc suy thoái từ quý 4 năm nay, kéo dài đến cuối năm 2023.
Ngân hàng SEB cho biết trong một báo cáo nghiên cứu vào đầu tuần này, các vị thế đầu cơ mua ròng – chênh lệch giữa đặt cược giá lên và xuống – của Brent và WTI đã giảm xuống mức rất thấp vào đầu tháng 8 do lo ngại về suy thoái và tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy yếu.
Các nhà giao dịch nói với Reuters trong tuần này, thị trường dầu thô giao ngay cũng đang hụt hơi do lo ngại kinh tế trì trệ hoặc suy thoái kinh tế.
“Thị trường đang rất bi quan tại thời điểm này. Không ai vội mua”, một nhà đầu tư tại Singapore nói với Reuters.
Tuy nhiên, thị trường lao động ở Mỹ vẫn tốt và dữ liệu việc làm mới nhất vượt xa ước tính của các nhà phân tích. Tổng số việc làm trong bảng lương phi nông nghiệp đã tăng 528.000 trong tháng Bảy và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,5%, Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ cho biết vào tuần trước. Những con số này đã phá tan ước tính của Dow Jones về 258.000 việc làm bổ sung và tỷ lệ thất nghiệp 3,6%.
Michael Gapen, nhà kinh tế tại Bank of America, cho biết trong một ghi chú được CNBC trích dẫn: “Báo cáo đã dội một gáo nước lạnh vào sự hạ nhiệt đáng kể trong nhu cầu lao động, nhưng đó là một dấu hiệu tốt cho nền kinh tế nói chung và người lao động tại Mỹ nói riêng”.
Một số nhà phân tích cho rằng mức giảm 9% của giá dầu thô WTI trong tuần trước đã bị phóng đại và những lo ngại về kinh tế có thể bị thổi phồng quá mức.
Caroline Bain, nhà kinh tế hàng hóa trưởng tại Capital Economics ở London, nói với Houston Chronicle: "Bức tranh lớn là thị trường có thể đang đưa vào giá quá nhiều nỗi sợ suy thoái".
Diễn biến giá dầu trong ngắn hạn sẽ được dẫn dắt bởi bức tranh kinh tế, lạm phát và việc tăng lãi suất, nhưng một số yếu tố tăng giá có thể khiến tâm lý quay trở lại đà tăng giá. Những yếu tố này bao gồm công suất dự phòng toàn cầu rất thấp, OPEC+ không có khả năng bơm nhiều hơn những gì khối này đang sản xuất hiện nay, và yếu tố khó lường là Nga và thế đối đầu với phương Tây. Nguồn cung của Nga ra thị trường có thể bị ảnh hưởng như thế nào và liệu Putin có ngừng bán dầu cho những nước tham gia áp giá trần cho dầu của Nga hay không sẽ trở nên rõ ràng hơn trong những tháng tới. Giới hạn giá được đề xuất bao gồm việc cấp bảo hiểm và các dịch vụ khác cho dầu của Nga, nhưng Moscow tuyên bố họ sẽ không xuất khẩu dầu của mình nếu giới hạn giá ở mức thấp hơn chi phí sản xuất.
Trong khi một số nhà phân tích cho rằng giá dầu thậm chí sẽ còn xuống thấp hơn với những cuộc suy thoái đang xuất hiện, thì những người khác cho rằng cuộc suy thoái lần này có thể khác và không dẫn đến sự sụt giảm thực tế trong nhu cầu dầu so với năm trước.
Chẳng hạn như Goldman Sachs đã điều chỉnh hạ dự báo cho giá dầu Brent cho quý này xuống 110 đô la/thùng, giảm so với dự đoán trước đó là 140 đô la/thùng, nhưng vẫn tin rằng trường hợp giá dầu cao hơn vẫn còn nhiều.
Các chiến lược gia của Goldman Sachs viết trong ghi chú tuần này được Bloomberg đưa tin: “Chúng tôi tin rằng trường hợp giá dầu cao hơn vẫn còn nhiều khả năng, ngay cả khi giả định rằng tất cả những cú sốc tiêu cực này xảy ra, khi nguồn cung vẫn thiếu hụt lớn hơn so với mức chúng tôi dự kiến trong những tháng gần đây”.
Nguồn tin: xangdau.net