Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Liệu giá dầu có rơi xuống 40 USD/thùng?

Tính chất bất ổn của thị trường dầu mỏ ngày càng gia tăng trong nửa cuối năm 2018, khi giá dầu chạm tới mức cao nhất 4 năm trước khi nhanh chóng bước vào chuỗi giảm giá dài nhất trong 3 thập kỷ. Nếu cách đây vài tháng, các chuyên gia từng nghĩ tới triển vọng giá dầu 100 USD/thùng thì hiện tại, câu hỏi được đặt ra là liệu giá dầu có rơi xuống mức 40 USD/thùng?

Giá dầu thô Brent đã giảm xuống còn khoảng 60 USD/thùng vào giữa tuần này.

Giá dầu thô Brent đã giảm xuống còn khoảng 60 USD/thùng vào giữa tuần này, chạm tới mức thấp nhất 1 năm qua, trong khi giá dầu WTI giao dịch ở 52 USD/thùng. Theo các chuyên gia kinh tế, có 3 yếu tố chính có khả năng đẩy giá dầu lao dốc xuống 40 USD/thùng.

Ả Rập Xê út

Với việc mối lo ngại dư thừa nguồn cung ngày càng gia tăng, các thành viên thị trường đang chờ đợi Ả Rập Xê út, quốc gia đứng đầu Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tiên phong trong việc cắt giảm sản lượng trong cuộc hợp OPEC diễn ra vào ngày 6/12 tới.

Thực tế, thị trường dầu mỏ đang có những biến động nhanh chóng, khó lường so với mọi dự báo đưa ra trước đó. Nếu như trong tháng 6, giá dầu từng leo lên đỉnh cao nhất 4 năm nhờ mối lo ngại thiếu hụt nguồn cung khi Mỹ áp đặt các lệnh cấm vận lên hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran, thì chỉ vài tháng sau đó, mối lo dư cung đã trở lại.

Tất cả xuất phát từ việc OPEC và Nga quyết định tạm ngừng cắt giảm sản lượng và thúc đẩy hoạt động sản xuất khi giá dầu hồi phục về mức dễ chịu hơn, 

Kể từ tháng 6, sản lượng của các nhà sản xuất dầu mỏ lớn bao gồm OPEC, Nga và Mỹ đều đạt các mức kỷ lục mới. Trong đó, sản lượng của Ả Rập Xê út lần đầu tiên trong lịch sử vượt qua con số 11 triệu thùng/ngày.

Tại cuộc họp sắp tới, các nhà đầu tư kỳ vọng OPEC sẽ lại tiến hành cắt giảm sản lượng, tuy nhiên điều này không chắc chắn xảy ra. Hiện tại, Tổng thống Mỹ Donald Trump thể hiện thái độ sẽ chống lại bất kỳ động thái cắt giảm sản lượng nào của OPEC, bởi nước Mỹ đang tận hưởng lợi thế từ giá dầu rẻ. Trong khi đó, Nga - nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất ngoài OPEC tham gia cắt giảm sản lượng cũng không lấy làm hào hứng khi phải thực hiện lại chiến lược này.

Chiến tranh thương mại

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có cuộc gặp gỡ vào cuối tháng 11 tại hội nghị G20. Đây được xem là niềm hy vọng mới trong việc giải tỏa cuộc chiến tranh thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nếu vậy, giá dầu sẽ nhận được động lực hỗ trợ tích cực và có khả năng tăng giá.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, điều này khó có thể xảy ra. Michael Spence, nhà kinh tế nhận giải Nobel kinh tế nhận định, sẽ không có những thay đổi nhanh chóng như vậy đối với xung đột lợi ích giữa 2 quốc gia và chiến tranh thương mại sẽ còn kéo dài trong thời gian tới.

Chưa kể, ngay cả khi đạt được sự đồng thuận, đây cũng chỉ là tiền đề mở ra các thảo luận, đàm phán trong tương lai, không phải là giải pháp cho các mâu thuẫn hay tháo gỡ các hàng rào thuế quan được đặt ra hiện tại.

Lãi suất

Nền kinh tế Mỹ tăng trưởng tích cực, tỷ lệ thất nghiệp rơi xuống mức 3,7%... Tất cả các tín hiệu kinh tế tốt tạo động lực để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiến hành nâng lãi suất thêm một lần nữa trong tháng 11. Khi đó, USD sẽ tiếp tục mạnh lên và khiến các hàng hóa định giá bằng đồng tiền này trở nên đắt đỏ hơn, trong đó có dầu mỏ. Như vậy, nhu cầu đối với dầu mỏ sẽ càng đi xuống, đẩy giá loại nguyên liệu này xuống dốc hơn nữa.

Dễ nhận thấy, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung không thể giải quyết trong một sớm một chiều, nhiều khả năng Fed sẽ tiếp tục lộ trình bình thường hóa lãi suất và nếu OPEC từ chối cắt giảm sản lượng, viễn cảnh giá dầu xuống mức 40 USD/thùng là hoàn toàn có thể xảy ra.

Nguồn tin: kinhtedothi.vn

ĐỌC THÊM