Các sự kiện xảy ra năm 2019 chính là lời nhắc nhở về việc chuỗi cung ứng dầu mỏ của thế giới dễ bị tấn công đến thế nào. Đặt vào hoàn cảnh hiện nay, yếu tố địa chính trị của dầu mỏ càng không thể bị xem nhẹ.
Tháp lọc dầu của Saudi Aramco tại cơ sở Abqaiq bị hư hại sau tấn công. Ảnh: Bloomberg
Thời gian qua, Iran thường xuyên bị cáo buộc là thủ phạm tấn công các tàu chở dầu, đường ống dẫn dầu và cơ sở lọc dầu tại Trung Đông. Tuy nhiên, theo tờ Bloomberg, những phản ứng dây chuyền nhanh chóng trôi đi do dư luận thế giới có xu hướng quên lãng yếu tố địa chính trị của “vàng đen”.
Giờ đây, trước tình hình căng thẳng sôi sục sau vụ Mỹ không kích sát hại Thiếu tướng Qassem Soleimani, Chỉ huy đơn vị Quds của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), câu hỏi lớn được đặt ra đối với trị trường rằng liệu Iran có chọn dầu mỏ làm vũ khí để trả đũa Mỹ.
Không có lý do đặc biệt để tin rằng Tehran sẽ nhắm vào dầu mỏ ngoại trừ việc ngay cả các cơ sở lọc dầu được bảo vệ nghiêm ngặt nhất cũng dễ bị tấn công, trong khi tuyến vận tải biển sôi động qua Eo biển Hormuz cũng bộc lộ vô số cơ hội để làm gián đoạn.
Theo số liệu theo dõi tàu thuyền của Bloomberg, tháng trước, gần 34 triệu thùng dầu thô của Saudi Arabia, Iraq và Kuwait đã lưu thông qua eo biển này để ra khỏi vịnh Ba Tư và hướng đến các bến cảng của Mỹ.
Các vụ không kích vào nhà máy lọc dầu lớn nhất của Saudi Arabia tại Abqaiq và Khurais hồi tháng 9 đã làm thâm hụt 5,7 triệu thùng dầu của nước này mỗi ngày – sự cố gián đoạn lớn kỷ lục trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Sự cố này chính là hồi chuông cảnh báo rằng hệ thống an ninh dầu mỏ thế giới không đảm bảo như chúng ta vẫn nghĩ.
Trong khi nhóm phiến quân Houthi tại Yemen nhận trách nhiệm tấn công, Mỹ và Saudi Arabia đã buộc tội Iran trực tiếp thực hiện vụ không kích. Các nhà điều tra Liên hợp quốc được phái đến Saudi Arabia đã không thể xác minh được cáo buộc của Washington và Riyadh. Về phần mình, Tehran nhiều lần phủ nhận nước này liên quan đến sự vụ trên.
Loạt tấn công bằng thiết bị bay không người lái lập tức đẩy giá dầu lên cao, song tình trạng này không kéo dài lâu. Nhu cầu dầu mỏ ảm đạm cùng động thái khắc phục nhanh chóng của Saudi Arabia để trấn an thị trường bằng cách khai thác kho dự trữ và công suất dự phòng đã đưa giá dầu trở lại dưới mức trước khi xảy ra tấn công trong vài ngày.
Tuy vậy, tình hình hiện nay đã khác. Giá dầu đã ở trên quỹ đạo đi lên kể từ đầu tháng 10/2019 và vụ ám sát ông Soleimani đã đẩy giá lên mức cao nhất từ hồi tháng 4/2019.
Mặc dù những dự báo về tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ trong nửa đầu năm 2020 vẫn chưa được cải thiện nhưng lời hứa hẹn về một thỏa thuận thương mại giai đoạn đầu giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ được ký kết vào cuối tháng này đã mang lại sự lạc quan hơn.
Trong khi đó, phía nguồn cung có thể thắt chặt theo thỏa thuận mới giữa Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và những đối tác sản xuất lớn (gọi chung là OPEC+).
Việc Saudi Arabia cam kết cắt giảm thêm 400.000 thùng mỗi ngày vượt quá mục tiêu đã nhất trí sẽ chỉ đưa sản lượng trở lại mức trung bình mà vương quốc này áp dụng kể từ tháng 3.
Hoạt động sản xuất dầu thô và nước ngưng tụ - một dạng dầu nhẹ chiết xuất từ các mỏ khí đốt - của Nga năm ngoái đã đạt mức cao kỷ lục từ thời hậu Xô Viết trên cơ sở trung bình hàng năm. Việc loại bỏ nước ngưng khỏi hạn ngạch mới, khiến Nga phù hợp với tiêu chuẩn các nước OPEC, sẽ giúp nước này tuân thủ mục tiêu sản lượng mới dễ dàng hơn. 1/4 lượng giảm sản lượng dầu thô cuối tháng 12 đã được bù đắp bởi sản lượng ngưng tụ cao hơn.
Nguyên nhân thắt chặt về nguồn cung nhiều khả năng đến từ sự chậm lại của tăng trưởng sản lượng ở Mỹ cũng như khả năng mất thêm nguồn cung từ 6 quốc gia “Shaky Six” – những nước thành viên OPEC bị buộc cắt giảm sản lượng hoặc có nguy cơ giảm sản lượng như Algeria, Venezuela, Iran...
Nguồn tin: baotintuc.vn