Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Liên minh OPEC+ lại cạnh tranh nội bộ: Hạ giá bán để tăng thị phần

 Trong bối cảnh các khách hàng lớn ráo riết gom dầu thô trước mùa đông năm nay, các nhà sản xuất lớn trong liên minh OPEC+ như Arab Saudi, Iraq và Iran đang hạ giá bán dầu để tranh giành thị phần của nhau.

 

Cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đang tạo một trụ đỡ vững chắc cho thị trường dầu mỏ khi mà Trung Quốc, Ấn Độ và châu Âu ráo riết gom hàng để giải quyết cú sốc thiếu điện và khí đốt trước khi mùa đông ập đến.

Chưa kể, liên minh dầu mỏ OPEC+ vẫn giữ vững lập trường chính sách, kiên quyết không bơm thêm dầu thô ra thị trường bất chấp lời kêu gọi của các khách hàng lớn như Trung Quốc và Ấn Độ.

Các yếu tố trên đang định hình lại bức tranh thị trường, buộc các nhà sản xuất dầu mỏ tại Trung Đông phải cân nhắc kỹ lưỡng giá bán chính thức cho tháng 11 tới để gia tăng thị phần hết mức có thể.

Hạ giá bán để tăng thị phần

Saudi Aramco đã giảm giá lô hàng giao tháng 11 cho châu Á khoảng 0,1 - 0,5 USD/thùng. Tương tự, tập đoàn này cũng giảm giá lô hàng đi Tây Âu khoảng 0,5 - 1 USD/thùng và đi Địa Trung Hải khoảng 0,3 - 0,6 USD/thùng. Động thái đó chứng tỏ Saudi Aramco đã sẵn sàng cạnh tranh để giành thêm thị phần.

Trên thực tế, Saudi Aramco đã hạ giá bán chính thức đối với các lô dầu thô giao cho châu Âu từ tháng 9, cũng tức là tháng thứ hai mà OPEC+ bắt đầu tăng nguồn cung, theo thông tin của oilprice.com.

Song, dù khối lượng dầu thô mà gã khổng lồ ngành năng lượng xuất sang lục địa già có tăng nhẹ thì tổng lượng hàng do Arab Saudi bán cho châu Âu vẫn còn hụt khoảng 100.000 - 150.000 thùng/ngày so với trước đại dịch COVID-19.

Dường như muốn tham gia cuộc chiến giá dầu với Arab Saudi, SOMO - công ty nhà nước chịu trách nhiệm quảng bá các sản phẩm dầu thô của Iraq ra nước ngoài, cũng đã hạ giá bán chính thức cho các lô dầu Basrah giao tháng 11 tới châu Á. Mức giảm dao động trong khoảng 0,4 - 0,5 USD/thùng.

Việc giảm giá dầu xuất khẩu của Iraq sẽ thúc đẩy khách hàng tiếp tục tìm đến các sản phẩm dầu thô của nước này. Vào tháng trước, mức chênh lệch giữa dầu Basrah Light của Iraq và dầu Arab Medium của Arab Saudi đã tụt xuống mức thấp nhất trong 5 năm. Các chuyên gia dự báo mức chênh lệch này sẽ duy trì trong tháng 11.

Ở diễn biến khác, kể từ khi ông Ebraihim Raisi được bầu làm Tổng thống Iran, thời điểm mà dầu thô của nước này trở lại thị trường ngày càng khó đoán.

Iran vốn là một trong các nhà sản xuất dầu thô lớn nhất của liên minh OPEC+, tuy nhiên xuất khẩu dầu thô của quốc gia Trung Đông này đã lao dốc nghiêm trọng sau khi chính quyền cựu Tổng thống Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và tái áp dụng các lệnh trừng phạt với Tehran.

Các chuyên gia cảnh báo, nếu Tổng thống Biden dỡ bỏ trừng phạt, Iran có thể ồ ạt bơm dầu trở lại thị trường, ước tính khoảng 2,5 triệu thùng/ngày. Điều này có thể tác động mạnh đến các động lực chính của thị trường.

Theo báo chí phương Tây, Tehran hiện đang đưa ra nhiều yêu cầu khác bên cạnh những cam kết đã được đề cập trong thỏa thuận hạt nhân trước đó. Do vậy, quá trình đàm phán giữa các bên sẽ trở nên khó khăn hơn, đặc biệt là khi Iran không chịu trực tiếp đàm phán với chính quyền Tổng thống Biden.

Gần đây, AP dẫn lời phát ngôn viên Ned Price của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, đặc phái viên phụ trách vấn đề Iran của Nhà Trắng Robert Malley cùng người đồng cấp Anh, Pháp và Đức đã tham gia thảo luận về thỏa thuận trên tại Paris vào ngày 22/10.

Ông Price nhấn mạnh: "Sau quá trình tham vấn, các nước nhất trí rằng chúng tôi cần phải nối lại tiến trình đàm phán tại thủ đô Vienna (Áo) sớm nhất có thể để khôi phục hoàn toàn thỏa thuận hạt nhân với Iran".

Dù ngành dầu mỏ trong nước còn bấp bênh do những diễn biến xoay quanh thỏa thuận hạt nhân, công ty dầu khí quốc gia NIOC của Iran vẫn nối gót Arab Saudi hạ giá bán chính thức cho các lô hàng giao tháng 11 đến châu Á khoảng 0,35 - 0,4 USD/thùng.

Khoảng 2/3 tổng lượng dầu thô xuất khẩu của Iran đang tập trung về Trung Quốc, dù trên thực tế dữ liệu hàng hải cho thấy thị trường tiêu thụ nhiều dầu mỏ của Iran nhất là Malaysia, trung bình đạt khoảng 500.000 thùng/ngày trong hai tháng 7 và 8 năm nay.

Nguồn tin: Vietnambiz

ĐỌC THÊM