Ngày 2-7-2019, Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác do Nga dẫn đầu đã thông qua một điều lệ để duy trì liên minh OPEC+ theo cơ chế “hợp tác lâu dài”, nhằm chống lại sự bùng nổ nguồn cung dầu đá phiến của Mỹ.
Vào cuối năm 2016, khi phải đối mặt với sự sụp đổ của giá dầu thô, OPEC đã đồng thuận với 10 quốc gia dầu mỏ khác, trong đó có Nga, Mexico và Kazakhstan, hình thành một liên minh dưới tên gọi OPEC+ nhằm hạn chế mức sản xuất, giảm lượng dầu bơm ra thị trường nhằm đẩy giá dầu tăng lên.
OPEC+ thông báo gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng đến tháng 3-2020
Sau nhiều lần gia hạn thỏa thuận, ngày 2-7-2019, tất cả các quốc gia trong OPEC+ tiếp tục gia hạn thêm 9 tháng thỏa thuận hồi tháng 12-2018 nhằm giảm nguồn cung 1,2 triệu thùng/ngày (mbd) so với mức sản lượng vào tháng 10-2018.
Việc kéo dài thời hạn thỏa thuận tới tháng 3-2020 là điều cần thiết, vì hiện nay giá dầu vẫn đang chịu áp lực từ nguồn cung cấp dồi dào, chủ yếu do sự bùng nổ dầu đá phiến của Mỹ và do mức tiêu thụ dầu thô toàn cầu giảm.
14 thành viên của OPEC và 10 quốc gia đối tác, trong đó có Nga, đã nhất trí phê duyệt điều lệ hợp tác sau cuộc họp thượng đỉnh ở Vienna, Áo ngày 2-7-2019. Arập Xêút mô tả điều lệ này là một tất yếu của lịch sử mặc dù nó cần phải được tất cả 24 chính phủ phê duyệt trước khi trở thành hiện thực.
Thỏa thuận hợp tác được ký ngày 2-7-2019 được coi là sự củng cố đoàn kết nội bộ OPEC+ nhằm chống lại Mỹ, nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới, nguồn cung dầu đá phiến của Mỹ tăng không ngừng.
“Cơ chế hợp tác lâu dài giữa các nước tham gia OPEC+ là một nền tảng để các nước thường xuyên tụ họp với nhau nhằm giám sát thị trường và có phản ứng kịp thời nếu thấy cần thiết bằng cách phối hợp chặt chẽ hơn việc sản xuất dầu của các quốc gia thành viên” - Bộ trưởng Bộ Năng lượng Nga Alexander Novak nhận định - “Đây là một nền tảng vững chắc cho một tương lai hợp tác lâu dài. Chúng tôi không xây dựng chiến lược của mình chỉ để đáp trả Mỹ mà để đáp ứng với những gì thị trường cần”.
Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak và người đồng cấp Arập Xêút Khaled al-Falih
Theo Bộ trưởng Bộ Năng lượng Nga, sự biến động giá dầu gần đây không được giải thích bởi một yếu tố duy nhất mà phản ánh nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu khi bị vướng vào các cuộc chiến thương mại, chẳng hạn như cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Những cuộc chiến này đang làm bức tranh kinh tế thế giới tối đi.
Dựa trên sự tự nguyện nghiêm ngặt của các quốc gia, điều lệ hợp tác của OPEC+ là sự tập hợp tất cả các thể chế hóa - Tổng thư ký OPEC, ông Mohammed Barkindo, cho biết.
Theo Bộ trưởng Năng lượng Arập Xêút Khaled al-Falih, đây là bước cần thiết để ngăn chặn sự suy yếu của OPEC. Các nước OPEC chỉ chiếm hơn 30% sản lượng dầu thế giới. Sự tham gia của Nga là cần thiết, vì Nga là nước sản xuất dầu thô lớn thứ hai thế giới sau Mỹ và trước cả Arập Xêút.
Điều lệ hợp tác của OPEC+ để ngỏ cơ hội tham gia cho các nhà sản xuất dầu mỏ khác nếu họ muốn. “Chúng tôi tin tưởng rằng OPEC+ sẽ sớm có thành viên mới, rất có thể là ngay trong cuộc họp tiếp theo vào tháng 12-2019” - Tổng thư ký OPEC quả quyết. Bộ trưởng Arập Xêút tuyên bố đã nói chuyện với một số nước đứng bên ngoài liên minh OPEC+.
Iran không bằng lòng với liên minh OPEC+ mặc dù miễn cưỡng phải theo trong tình thế đang bị Mỹ cô lập ngành dầu mỏ.
Tuy nhiên, việc OPEC+ tăng cường đoàn kết, gia hạn thỏa thuận hạn chế nguồn cung dầu lại không được thị trường đón nhận như mong muốn. Giá dầu Brent vào lúc đóng cửa thị trường giao dịch ngày 2-7-2019 ở châu Âu giao tháng 9-2019 đã kết thúc ở mức 62,4 USD/thùng, giảm 4,1% so với mức đóng cửa của ngày 1-7. Tại New York, dầu WTI giao trong tháng 8-2019 mất 4,2%, xuống còn 56,25 USD/thùng.
Việc OPEC+ gia hạn thỏa thuận đến tháng 3-2020 diễn ra trong bối cảnh nguồn cung dầu dồi dào được thúc đẩy bởi sự bùng nổ dầu đá phiến của Mỹ và mức tiêu thụ dầu sụt giảm của thế giới do kinh tế trì trệ. Nhưng OPEC+ đã làm hết sức để ngăn chặn sự sụp đổ của giá dầu - Tamas Varga, nhà phân tích của PVM, cho biết.
Trích dẫn dữ liệu từ OPEC, ông Varga chỉ ra rằng, sự gia tăng sản lượng của các quốc gia không phải thành viên OPEC đã vượt xa sự gia tăng của nhu cầu dầu toàn cầu trong những tháng gần đây.
Với nguy cơ căng thẳng thương mại có khả năng tăng vào năm 2020, các tính toán có thể cho thấy sự sụt giảm trong sản xuất sẽ không kéo giá dầu lên cao mặc dù thỏa thuận ngừng chiến gần đây được ký kết giữa Mỹ và Trung Quốc - Michael Hewson, nhà phân tích của CMC, nhận định.
Ngoài những bất ổn về sự bế tắc giữa Bắc Kinh và Washington, các nhà đầu tư còn phải đối mặt với những lo ngại mới về cuộc chiến thuế quan leo thang giữa Mỹ với châu Âu và những tác động tiềm tàng của nó đối với tăng trưởng và nhu cầu năng lượng toàn cầu. Ngày 1-7-2019, Washington cho biết đang tiến hành các cuộc tham vấn để áp thuế mới đối với phô mai và rượu whisky của EU để trả đũa cho những gì Mỹ cho là EU lạm dụng trợ cấp cho các nhà sản xuất máy bay.
Nhận định về tình hình thị trường dầu mỏ thế giới 6 tháng cuối năm 2019, chuyên gia Michael Hewson cho rằng, sự can thiệp của OPEC+ dường như bị mờ nhạt bởi nhu cầu năng lượng toàn cầu suy giảm, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Trung - Mỹ và triển vọng kinh tế toàn cầu không sáng sủa. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đã 2 lần hạ thấp dự báo nhu cầu dầu thô toàn cầu cho năm 2019. Nhưng trước nhu cầu suy yếu, nguồn cung dầu thô vẫn dồi dào. Sản lượng dầu đá phiến của Mỹ tiếp tục tăng, cạnh tranh với OPEC và làm tăng lượng tồn kho dầu thế giới, vốn đã khá cao.
Nguồn tin: petrotimes.vn