Các nhà tinh chế dầu thô lớn của Trung Quốc đã quyết định liên kết với các tập đoàn dầu mỏ hàng đầu của nước này trên cơ sở gia tăng mạnh mẽ dầu thô nhập khẩu trong thời gian đại dịch (quý II/2020).
Sàn giao dịch dầu Trung Quốc?
Theo số liệu của cơ quan hải quan Trung Quốc, nhập khẩu dầu thô của nước này trong tháng 5/2020 tăng 15% so với tháng 4/2020 lên gần 48 triệu tấn (khoảng 11,3 triệu thùng/ngày), mức kỷ lục đã đạt trước đó vào tháng 11/2019. Sự gia tăng này phản ánh quy mô phục hồi nhu cầu từ nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, đồng thời cho thấy Trung Quốc đang tận dụng triệt để điều kiện giá thấp để bổ sung dự trữ chiến lược.
Theo S&P Global Platts, Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục mua dầu thô dự trữ cho tương lai và khối lượng nhập khẩu tháng 6 dự kiến sẽ phá kỷ lục trong tháng 5 vừa qua. Do đó, sản lượng nhập khẩu dầu thô của nước này có khả năng vượt quá khả năng lưu trữ của các nhà máy lọc dầu. Trữ lượng dầu thô ở Trung Quốc trong tuần từ 15 - 21/6 tăng lên tới 842 triệu thùng, cao nhất kể từ năm 2017.
Đại diện các nhà máy tinh chế dầu thô lớn ở Trung Quốc thuộc sở hữu của 4 tập đoàn dầu khí bao gồm PetroChina, Sinopec, CNOOC, Sinochem đang đàm phán ở giai đoạn chi tiết kế hoạch thành lập liên minh nhập khẩu dầu thô. Sản lượng nhập khẩu dầu thô cho quá trình tinh chế của các nhà máy này là khoảng 5 triệu thùng/ngày (bằng 20% sản lượng dầu thô của OPEC). Nếu kế hoạch này được triển khai, liên minh nhập khẩu dầu này sẽ trở thành nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới. Theo Bloomberg, sáng kiến thành lập liên minh nhập khẩu dầu thô này nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ Trung Quốc và các cơ quan quản lý nhà nước.
Trong giai đoạn đầu của kế hoạch, các thành viên chủ chốt trong liên minh sẽ nộp hồ sơ dự thầu tập thể đối với nhập khẩu các lô hàng dầu thô ESPO của Nga và dầu châu Phi trên thị trường giao ngay. Các công ty dầu khí khác có thể nộp đơn đăng ký tham gia mua chung loại dầu ESPO của Nga vào đầu tháng 8 tới. Trong tương lai, liên minh nhập khẩu dầu thô này có thể mở rộng và cho phép nhiều nhà nhập khẩu dầu thô độc lập, nhất là các nhà máy tinh chế dầu thô độc lập tham gia.
Các tập đoàn dầu khí Trung Quốc đã quyết định cùng nhau bảo vệ lợi ích của mình trong bối cảnh giá dầu tăng mạnh trên thị trường giao ngay, xảy ra ngay khi Trung Quốc bắt đầu phục hồi nền kinh tế. Các nhà nhập khẩu Trung Quốc muốn đảm bảo an toàn và ổn định trước những biến động mạnh từ thị trường. Đây là bước đi có thể nói là sẽ góp phần xóa bỏ nạn đầu cơ khi giá dầu tăng. Phía Trung Quốc không muốn một đối thủ/tổ chức nào nào đó sử dụng công cụ kinh tế chính trị để gây bất ổn tạm thời giá dầu toàn cầu. Nếu kế hoạch đi vào hoạt động sẽ đánh dấu bước ngoặt lớn trên thị trường khi Trung Quốc có vai trò lớn hơn đối với thị trường cung cầu dầu toàn cầu trong tương lai.
Đây là một tín hiệu cho thị trường dầu toàn cầu rằng, sự kết hợp giữa các nhà nhập khẩu dầu thô là hoàn toàn có thể xảy ra (không ngoại trừ khả năng các nhà nhập khẩu dầu EU hay ASEAN cũng kết hợp lại). Sự kết hợp này tương tự như việc các nhà máy luyện kim lớn nhất Trung Quốc thành lập liên minh nhập khẩu nguyên liệu chung và phân bổ cho các thành viên vào năm 2003. Liên minh này hiện bao gồm hơn 10 nhà máy luyện kim và chiếm hơn 80% lượng đồng nhập khẩu của Trung Quốc.
Sự kết hợp này dự kiến cho phép các nhà nhập khẩu dầu Trung Quốc có thêm điều kiện thuận lợi cho việc mua dầu trên thị trường giao ngay và củng cố vị thế của họ thông qua việc hợp nhất các nguồn lực. Trong tương lai có thể dẫn đến việc hiện đại hóa quy trình mua sắm, nhập khẩu hàng hóa của cả nền kinh tế Trung Quốc. Bằng cách nhập khẩu chung dầu thô, các công ty Trung Quốc kỳ vọng sẽ có tác động rộng hơn đến khối lượng và giá dầu nhập khẩu. Một liên minh nhập khẩu khổng lồ xuất hiện sẽ kéo theo các công cụ bổ sung để gây ảnh hưởng đến nhà cung cấp. Hiển nhiên là các tập đoàn dầu khí Trung Quốc muốn hợp nhất nhập khẩu dầu để được giảm giá tối đa khi mua dầu.
Đối với thị trường dầu khí thế giới, sẽ là quan ngại nếu Trung Quốc có thể thành lập một tập đoàn/tổ chức người mua, giống như hoạt động của OPEC hiện nay trong quản lý nguồn cung dầu ra thị trường. Thương nhân Trung Quốc nổi tiếng với khả năng đàm phán quyết liệt và kiên quyết đòi giảm giá. Mục tiêu của Trung Quốc là để kiểm soát giá cả và điều này sẽ trở thành yếu tố quan trọng quyết định giá dầu toàn cầu trong tương lai khi Trung Quốc tham gia vào nỗ lực kiểm soát giá dầu.
Xuất khẩu dầu ESPO của Nga tăng trưởng đều đặn từ sau 2014 đến nay. Theo báo cáo của Argus Consulting, trong 6 tháng đầu năm 2020, Nga đã xuất khẩu khoảng 17,17 triệu tấn dầu ESPO, mức cao nhất kể từ khi xuất khẩu loại dầu này vào tháng 12/2009. Về lý thuyết, Nga sẽ được hưởng lợi từ sự xuất hiện của liên minh nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc nhưng các chuyên gia phân tích thị trường Nga nghi ngờ về khả năng tăng trưởng nhanh nhập khẩu dầu thô Nga. Nhu cầu tiêu thụ dầu của Trung Quốc sẽ phụ thuộc chủ yếu vào tốc độ phục hồi của tổng nhu cầu trong nền kinh tế cũng như tình hình giá dầu thế giới. Ngoài ra cũng cần tính đến việc các nhà nhập khẩu dầu Trung Quốc đã tích cực lấp đầy các kho dầu của mình trong thời gian sụp đổ giá dầu. Do đó, tốc độ tăng trưởng nhu cầu dầu của nước này sẽ chậm lại trong những tháng tới.
Bên cạnh đó, phía Nga sẽ gặp các rủi ro sau: Thứ nhất, đối với Nga, liên minh nhập khẩu dầu khổng lồ của Trung Quốc không có nghĩa là một khách hàng lớn đáng tin cậy. Các chuyên gia Nga cho rằng, nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc chỉ có thể tăng đáng kể trong một năm rưỡi nữa, khi nền kinh tế và thói quen tiêu dùng của người dân Trung Quốc phục hồi hoàn toàn. Ngoài ra, vấn đề đặt ra là liệu Nga có thể cung cấp đủ dầu ESPO cho Trung Quốc? Các nhà máy lọc dầu lớn nhất ở Trung Quốc quan tâm nhiều đến mua dầu ESPO trong khi sản xuất loại dầu này chỉ chiếm 25% sản lượng dầu thô của Nga. Do đó, không nên đặt kỳ vọng quá cao về nguồn cung dồi dào ESPO của Nga. Ngay cả khi có nhu cầu tăng đối với loại dầu này từ Trung Quốc, Nga cũng chưa chắc đáp ứng được đầy đủ nhu cầu của khách hàng. Thứ hai, với tư cách là nhà cung cấp, Nga có thể phải tước đi một số khách hàng tương đối đa dạng khác để đổi lấy một nhà nhập khẩu lớn, dẫn đến phụ thuộc nghiêm trọng cả về kinh tế và chính trị vào Trung Quốc. Nếu một ngày nào đó, liên minh nhập khẩu này thay đổi kế hoạch, Nga sẽ mất tất cả các khách hàng cùng một lúc.
Theo các chuyên gia Nga, thách thức chính của liên minh nhập khẩu này khi đi vào hoạt động là khả năng phối hợp chính sách và cách thức hoạt động của liên minh. Sinopec, PetroChina, CNOOC đã theo đuổi chính sách thương mại độc lập ở thị trường nước ngoài trong một thời gian dài trong mua sắm các nguồn năng lượng và đầu tư.
Nguồn tin: petrotimes.vn