Chỉ hai ngày sau khi dỡ bỏ bất khả kháng đối với tất cả các hoạt động xuất khẩu dầu, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Libya đã tuyên bố bất khả kháng một lần nữa, với lý do phong tỏa mới đối với các kho cảng xuất khẩu dầu của mình và quy việc này cho sự can thiệp từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
NOC đã đưa các kho cảng dầu tại Hariga, Brega, Zueitina, Es Sider và Ras Lanuf vào tình trạng bất khả kháng vào đầu năm nay, sau khi các lực lượng liên kết với Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của tướng Khalifa Haftar chiếm đóng các kho cảng xuất khẩu dầu và mỏ dầu của Libya.
Việc phong tỏa tại các cảng kéo dài hơn sáu tháng, nhưng các bên đang đàm phán - và rõ ràng đã đạt được - một thỏa thuận, cho việc mở lại các kho cảng dầu và khởi động lại sản xuất dầu, vốn đã giảm xuống chỉ còn 100.000 thùng mỗi ngày (bpd) so với 1,2 triệu bpd trước khi phong tỏa.
Thứ Sáu tuần trước, NOC đã dỡ bỏ lệnh phong tỏa, việc này có thể làm dấy lên lo ngại giữa các thành viên OPEC rằng nhiều nguồn cung hơn sẽ được cung cấp.
“Cuối cùng, chúng tôi rất vui mừng khi có thể thực hiện bước quan trọng này để phục hồi quốc gia và tôi muốn cảm ơn tất cả các bên tham gia các cuộc thảo luận gần đây vì đã giúp mang lại kết quả thành công này”, chủ tịch NOC, Mustafa Sanalla phát biểu.
Tuy nhiên, niềm vui chỉ trong ngắn ngủi. Chỉ một ngày sau khi xuất khẩu dầu khởi động trở lại, lực lượng vũ trang của Khalifa Hafter vào ngày 11 tháng 7 đã ra lệnh dừng xuất khẩu, lật ngược tư thế hợp tác của họ trong các cuộc đàm phán. NOC đã được thông báo rằng các hướng dẫn ngừng sản xuất đã được đưa cho các lực lượng vũ trang của Khalifa Hafter, bởi Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất”, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia cho biết trong một tuyên bố được trích dẫn bởi Libya Herald.
“Đây là điều đáng thất vọng, đặc biệt là sau những tuyên bố lặp đi lặp lại của các đại diện rất cao của UAE vào tuần trước để hỗ trợ những nỗ lực quốc tế để khởi động lại sản xuất dầu ở Libya. Lính đánh thuê Wagner và Syria hiện chiếm cảng dầu Es Sider và lính đánh thuê Wagner và Sudan đang đóng quân trong vùng lân cận mỏ dầu Sharara, ngăn dầu của Libya chảy ra ngoài”.
Nguồn tin: xangdau.net