Công ty Dầu khí Quốc gia Libya (NOC) hôm 23/10 thông báo dỡ bỏ tình trạng bất khả kháng, bật đèn xanh cho việc nối lại xuất khẩu dầu từ hai trong số các cảng chính ở phía đông đất nước.
Cảng Ras Lanouf
Tuyên bố này được đưa ra vài giờ sau khi Liên hợp quốc (LHQ) thông báo một thỏa thuận ngừng bắn "có hiệu lực ngay lập tức" giữa hai phe đối địch ở Libya: Chính phủ Thống nhất Quốc gia (GNA), được công nhận bởi LHQ và có trụ sở tại Tripoli, và phe của Tướng Khalifa Haftar, kiểm soát miền đông Libya.
Sự đối đầu giữa hai lực lượng này đã dẫn đến việc xuất khẩu dầu của Libya bị gián đoạn kể từ tháng 1/2020 do các cơ sở dầu mỏ bị lực lượng của tướng Haftar phong tỏa với lý do sự phân bổ doanh thu từ dầu mỏ không công bằng giữa phía tây và phía đông đất nước.
"Tình trạng bất khả kháng được dỡ bỏ kể từ ngày 23/10/2020 tại các cảng Ras Lanouf và al-Sedra", hai trong số 5 cảng xuất khẩu dầu chính của Libya. Các hướng dẫn đã được đưa ra để khởi động lại sản xuất và xuất khẩu", NOC thông báo trên trang web của mình.
Trường hợp bất khả kháng, được viện dẫn trong những trường hợp ngoại lệ, cho phép NOC miễn trừ trách nhiệm trong trường hợp không tôn trọng các hợp đồng giao nhận dầu.
NOC cho biết họ đã nhận được "xác nhận rằng các lực lượng của tướng Haftar đã rời khỏi khu vực cảng, điều này cho phép tiếp tục xuất khẩu".
Vào tháng 9, tướng Haftar, người đã cố gắng trong 14 tháng để đánh chiếm Tripoli nhưng không thành công, đã đồng ý dỡ bỏ lệnh phong tỏa.
Nhưng NOC bị thiệt hại gần 10 tỷ đô la (8,5 tỷ euro) do lệnh phong tỏa, đã yêu cầu các nhóm vũ trang rời đi.
Thỏa thuận được LHQ công bố tại Geneva quy định rằng lệnh ngừng bắn sẽ "đi kèm với việc tất cả lính đánh thuê và chiến binh nước ngoài rời khỏi lãnh thổ Libya trong thời hạn tối đa là 3 tháng kể từ ngày 24/10.
Kể từ khi chế độ Muammar Gaddafi sụp đổ vào năm 2011, Libya đã chìm trong bạo lực và kể từ năm 2015, bị giằng xé bởi cuộc xung đột giữa GNA và lực lượng của tướng Khalifa Haftar.
Tại Libya, quốc gia có trữ lượng dồi dào nhất châu Phi, việc ngừng xuất khẩu vàng đen, vốn gần như là nguồn thu nhập duy nhất của đất nước, đã đẩy đất nước vào cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng.
“Việc bắt đầu sản xuất trên các mỏ al-Waha và al-Harouj (đông nam) sẽ giúp sản lượng có thể đạt 800.000 thùng/ngày trong 2 tuần tới và vượt mức 1 triệu thùng/ngày trong một tháng”, NOC ước tính.
Nguồn tin: petrotimes.vn