Libya đang đối mặt với thảm họa tài chính nếu Quân đội Quốc gia Libya LNA không dỡ bỏ lệnh phong tỏa cảng dầu, Thủ tướng Chính phủ Hiệp định Quốc gia GNA được Liên Hợp Quốc công nhận tuyên bố, theo truyền thông địa phương.
Fayez Serraj nói: “việc tiếp tục ngừng hoạt động sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính thảm khốc. Các khoản mất mát từ việc ngừng hoạt động dầu mỏ đã vượt quá 1,4 tỷ đô la. Con số này đang tăng lên mỗi ngày.”
Cuộc phong tỏa bắt đầu vào giữa tháng 1 khi một nhóm các đội quân bán quân sự liên kết với LNA của tướng Khalifa Haftar đã chiếm giữ các trạm xuất khẩu dầu mỏ cùng với các đường ống dẫn và cánh đồng dầu của Lybia. Cuộc phong tỏa diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến giữa LNA, tiếp tục trung thành với chính phủ Libya phía đông và các lực lượng trung thành với Chính phủ Hiệp định Quốc gia.
Kể từ đó, sản lượng dầu Libya đã giảm từ hơn 1,2 triệu thùng/ngày xuống dưới 200.000 thùng/ngày. Vào cuối tháng 1, Chủ tịch của NOC Mustafa Sanalla nói với Bloomberg rằng Libya có thể mất toàn bộ sản lượng dầu của mình nếu việc phong tỏa không sớm được dỡ bỏ, và các số liệu sản xuất mới nhất cho thấy sản lượng thực sự có thể hướng về mức không, vì không còn chỗ tích trữ dầu từ các mỏ vẫn còn đang sản xuất.
“Chắc chắn rằng với sự đóng cửa các cơ sở dầu mỏ đang diễn ra này, ngân sách năm 2020 sẽ phải đối mặt với thâm hụt và [nó] sẽ giảm xuống mức thấp nhất,” thủ tướng Serraj cho biết.
Tuy nhiên, hiện tại, dường như không có ánh sáng ở cuối đường hầm. Bất chấp các vòng đàm phán liên tục, các bên tham chiến dường như không thể tìm thấy tiếng nói chung cho một lệnh ngừng bắn sẽ kéo dài đủ lâu để sản xuất dầu bắt đầu phục hồi.
“Chúng tôi cũng cảnh báo về việc sử dụng dầu để làm áp lực,” ông Serraj nói, theo trích dẫn của Reuters. Vị thủ tướng này nói thêm rằng Chính phủ Hiệp định quốc gia sẽ truy tố các bên khởi xướng phong tỏa, mặc dù ông không cung cấp thông tin chi tiết về việc điều này sẽ xảy ra như thế nào.
Nguồn: xangdau.net