Thống đốc Ngân hàng Trung ương Sadiq Al-Kabir nói với Bloomberg trong một cuộc phỏng vấn được công bố vào thứ Hai, Libya sẽ phải tăng 40% sản lượng dầu của mình - nguồn thu ngoại tệ chủ yếu và gần như độc quyền của nước này - vào năm tới để đáp ứng các khoản chi tiêu và bắt đầu khôi phục nền kinh tế bị tê liệt bởi 10 năm nội chiến.
“Tất nhiên sản lượng vào năm 2022 phải cao hơn”, Al-Kabir nói về sản lượng dầu của Libya, hiện tại là khoảng 1,3 triệu thùng/ngày.
Theo thống đốc ngân hàng trung ương, thành viên OPEC hiện được miễn trừ khỏi thỏa thuận cắt giảm của OPEC + phải nâng sản lượng dầu của mình lên 1,8 triệu thùng/ngày vào năm 2022.
Mức sản xuất như vậy, nếu ổn định, có thể tạo ra doanh thu từ dầu 35 tỷ USD cho Libya vào năm 2022 nếu giá dầu trung bình 60 USD/thùng, Al-Kabir nói với Bloomberg.
Năm nay, trong bối cảnh sản lượng dầu tương đối ổn định (cho đến nay), Libya có thể tạo ra 25 tỷ đô la doanh thu từ dầu mỏ, thống đốc ngân hàng trung ương cho biết. Đây sẽ là một sự cải thiện lớn so với 3,6 tỷ đô la mà nước này thu được vào năm 2020 khi hoạt động xuất khẩu dầu bị gián đoạn trong 8 tháng do các kho cảng xuất khẩu dầu bị phong tỏa.
Tuy nhiên, Libya có thể gặp khó khăn trong việc tăng sản lượng dầu của mình lên nhiều như vậy.
Nước này có thể tăng sản lượng dầu lên 1,6 triệu thùng/ngày vào giữa năm 2022 nếu ngành này có nguồn vốn cần thiết, Bộ trưởng Dầu mỏ Libya Mohamed Oun nói với hãng thông tấn Italia Agenzia Nova trong một cuộc phỏng vấn được công bố vào tháng trước.
Nhưng việc thiếu vốn để khôi phục và bảo trì cơ sở hạ tầng dầu mỏ, cũng như xung đột giữa Bộ trưởng và Chủ tịch lâu năm của Tập đoàn Dầu mỏ Quốc gia (NOC), Mustafa Sanalla, có thể cản trở nỗ lực của Libya trong việc nâng sản lượng lên 1,6 triệu thùng/ngày mà đã đạt được dưới thời Muammar Gaddafi cách đây hơn 10 năm.
Ông Oun đã đề nghị với chính phủ thống nhất thay thế Sanalla trong một cuộc cải tổ hội đồng quản trị, tờ Argus đưa tin vào tuần trước, dẫn một nguồn tin của Libya.
Nguồn tin: xangdau.net