Từ ngày 18/1/2020, sản lượng dầu thô ở Libya giảm do lực lượng của tướng Khalifa Haftar - phe đối đầu với Chính phủ Libya - đã ra lệnh phong tỏa một số cơ sở dầu mỏ trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh nhằm khôi phục lại hòa bình ở Libya do nội chiến.
Một cơ sở dầu khí ở Libya
“Vàng đen” là nguồn thu nhập gần như duy nhất của Chính phủ Libya. Việc tướng Haftar ra lệnh ngừng xuất khẩu dầu mỏ được xem như một phản ứng trước sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ với chính phủ đoàn kết quốc gia, có trụ sở tại Tripoli và được Liên Hiệp Quốc công nhận.
Theo số liệu mới nhất ngày 20/2/2020 từ Công ty Dầu khí Quốc gia (NOC), sản lượng sản xuất dầu ở Libya đạt khoảng 120.000 thùng/ngày. Theo nhà phân tích Tamas Varga của PVM, chỉ hơn 1 tháng trước đó, sản lượng dầu ở Libya đạt khoảng 1,2 triệu thùng/ngày (mbd), cao gấp 10 lần, chủ yếu được xuất khẩu sang Tây Ban Nha, Ý, Đức và Pháp. Số liệu này được đưa ra trong báo cáo mới nhất của OPEC trong đó Libya là thành viên. Tổ chức OPEC cho biết sản lượng dầu của Libya vào năm 2019 là 1,097 mbd và chỉ riêng tháng 12/2019 là 1,140 mbd. Với sản lượng này, Libya đứng trước Algeria, nhưng đứng sau hầu hết các nước thành viên OPEC (gồm Arập Xêút, Iraq, Các tiểu vương quốc Arập Thống nhất, Kuwait, Iran, Nigeria, Angola). Dầu ở Libya có chất lượng tốt nhưng chỉ chiếm 4% tổng số dầu của OPEC và chỉ hơn 1% tổng số dầu trên thế giới. Những con số đó biểu thị giá trị thấp của Libya trên thị trường dầu mỏ thế giới.
Nếu Libya bị ảnh hưởng đáng kể vì mất hơn 1,8 tỉ USD do không xuất khẩu được dầu trong 1 tháng thì có vẻ như việc giảm sản lượng dầu mỏ không ảnh hưởng lớn đối với thị trường dầu mỏ thế giới. Nhiều người nghĩ rằng, việc giảm đáng kể sản lượng “vàng đen” của Libya có thể khiến giá dầu thế giới tăng vọt. Tuy nhiên, giá dầu trong phiên giao dịch đầu tiên vào ngày 20/1/2020 chỉ tăng ở mức vừa phải sau khi các mỏ dầu ở Libya bị phong tỏa vào ngày 18/1/2020. Trên thực tế, lượng dầu thiếu hụt từ Libya đã không giải quyết được lượng “vàng đen” dư thừa do Mỹ đang thúc đẩy sản xuất, nhất là trong bối cảnh nhu cầu dầu đã chững lại và bị ảnh hưởng nặng từ dịch Covid-19.
Việc Libya giảm 1 mbd sản lượng dầu khai thác sẽ có lợi cho các thành viên khác của OPEC nhưng có thể sẽ đến lượt các nước thành viên OPEC phải cắt giảm sản lượng dầu khai thác trong trung hạn. Nhà phân tích ở JBC, ông Jasper Lawler, cho biết, cuộc khủng hoảng hiện nay sẽ giúp OPEC dễ dàng hơn trong việc kiểm soát nguồn cung. OPEC và các đối tác, bao gồm cả Nga, hiện đang giới hạn việc sản xuất “vàng đen” để ổn định giá thị trường. Cũng như Venezuela và Iran, Libya được miễn trừ cắt giảm sản lượng dầu thô theo thỏa thuận của OPEC và các đối tác.
OPEC đã ghi nhận, sản lượng dầu thô của Libya giảm chiếm 3/4 tổng sản lượng giảm của các nước thành viên OPEC vào tháng 1/2020. Mặt khác, nhiều chuyên gia cảnh báo, nếu các bên tham chiến ở Libya đạt được thỏa thuận và khôi phục lại việc sản xuất dầu, đồng thời không có bất kỳ sự phản đối nào giữa các thành viên OPEC, giá dầu có thể giảm mạnh.
Nhiều chuyên gia cảnh báo, nếu các bên tham chiến ở Libya đạt được thỏa thuận và khôi phục lại việc sản xuất dầu, đồng thời không có bất kỳ sự phản đối nào giữa các thành viên OPEC, giá dầu có thể giảm mạnh.
Nguồn tin: petrotimes.vn