Với việc EU cấm xuất khẩu dầu và các sản phẩm dầu của Nga có hiệu lực trong năm nay để phản ứng với cuộc chiến đang diễn ra của Nga ở Ukraine, các nhà sản xuất ở thị trường mới nổi sẵn sàng giành được thị phần lớn hơn trong một thị trường đang tiến triển.
Các lệnh cấm của EU đối với các sản phẩm dầu mỏ của Nga như dầu diesel đã được triển khai vào đầu tháng này, sau lệnh cấm xuất khẩu dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga bắt đầu từ tháng 12 năm ngoái.
Tuần trước, Patrick Pouyanné, Giám đốc điều hành TotalEnergies của Pháp, nói rằng “không còn một thị trường dầu mỏ thống nhất nữa… Với tất cả những lệnh cấm này, chúng ta đang tạo ra một thị trường dầu mỏ vùng xám.”
Mặc dù thị trường vùng “xám” này có thể không lý tưởng cho các công ty dầu mỏ quốc tế của châu Âu như TotalEnergies vốn vẫn đang đầu tư vào Nga, nhưng các nhà sản xuất dầu mỏ thị trường mới nổi ở Trung Đông, Mỹ Latinh và Châu Phi – theo địa lý, địa chính trị và loại dầu thô của họ và các sản phẩm dầu mỏ mà họ xuất khẩu – đang ngày càng tìm được đầu ra cho mức sản xuất ngày càng tăng của mình khi thị trường tái cân bằng.
Đáp ứng nhu cầu Châu Âu
EU đã không gặp khó khăn trong việc tìm nguồn cung dầu thô kể từ khi tuyên bố lệnh cấm vào tháng 5 năm ngoái, do thị trường có thời gian chuẩn bị cho việc thực thi vào tháng 12.
Mức tăng nhập khẩu dầu thô lớn nhất trong năm 2022 đến từ mỏ Sverdrup của Na Uy, mỏ này đã bổ sung thêm 340.000 thùng mỗi ngày loại dầu chua trung bình, tương tự như dầu thô Urals chua mà EU cấm nhập khẩu từ Nga.
Một mức tăng lớn khác đến từ Mỹ, nơi có khối lượng xuất khẩu tăng 52,2% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 9 năm 2022 và gần 1,7 triệu thùng/ngày trong tháng 12, mức cao nhất trong hơn hai năm. Sản lượng đá phiến của Mỹ cũng dự kiến tăng 75.000 thùng trong tháng 3 lên mức kỷ lục 9,4 triệu thùng/ngày. Nhu cầu nội địa của Hoa Kỳ đã giảm vào năm 2022 do suy thoái kinh tế, việc sử dụng nhiều xe điện hơn và tiết kiệm nhiên liệu hơn đã giải phóng nguồn cung cho xuất khẩu.
Tháng 5 năm ngoái, OBG đã lập luận rằng các nhà sản xuất dầu ở những thị trường mới nổi sẽ có thể giành được thị phần mới khi châu Âu tìm kiếm nguồn nhập khẩu dầu bằng đường biển, vốn đã tăng 12,3% vào năm 2022.
Trong số các thị trường mới nổi, Ả-rập Xê-út đóng góp lớn nhất với việc tăng xuất khẩu trực tiếp bằng đường biển sang EU thêm 126%, từ 4,6 triệu tấn năm 2021 lên 10,3 triệu tấn vào năm 2022. Dầu thô chứa nhiều dầu diesel, ít lưu huỳnh của nước này đáp ứng nhu cầu của EU và yêu cầu cho cả dầu thô và các sản phẩm dầu.
Vương quốc này từ lâu đã là nước xuất khẩu dầu thô vận chuyển bằng đường biển lớn nhất. Xuất khẩu đường biển đi của Saudi tăng 17,2% vào năm 2022 lên 362,8 triệu tấn, với tổng xuất khẩu từ Vùng Vịnh năm ngoái tăng 12,7% lên 879,3 triệu tấn, chiếm 42,9% thương mại dầu thô đường biển toàn cầu.
Tuy nhiên, châu Âu chỉ chiếm 10,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của Saudi. Phần lớn dầu của Ả Rập Saudi trong năm ngoái đã đi đến châu Á - khi quốc gia này ghi nhận mức tăng xuất khẩu 14,2% sang Nhật Bản, 17% sang Hàn Quốc, 19,2% sang Ấn Độ và 35% sang các thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á - vì Saudi rất muốn duy trì thị phần ở châu Á và cạnh tranh với Nga.
Vào năm 2022, xuất khẩu đường biển của Nga cũng tăng 10,3% lên 218,5 triệu tấn, vận chuyển khối lượng kỷ lục đến các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ với giá rẻ. Trong khi đó, xuất khẩu của Mỹ tăng 22,3% lên 164,3 triệu tấn.
Tiềm năng của Mỹ Latinh
Brazil và Guyana cũng đang mở rộng xuất khẩu sang châu Âu và – cùng với Canada, Na Uy và Mỹ – dự kiến sẽ đạt mức sản xuất kỷ lục vào năm 2023 và mở rộng nguồn cung dầu toàn cầu thêm 1,2 triệu thùng/ngày, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế.
Trong số những thị trường mới nổi này, Brazil đang chuyển hướng dòng chảy từ Trung Quốc và Ấn Độ sang châu Mỹ và châu Âu vào năm 2022. Nước này có kế hoạch cho bốn đơn vị sản xuất ngoài khơi mới đi vào hoạt động trong năm nay để bổ sung 480.000 thùng/ngày công suất mới.
Xuất khẩu ethanol hàng năm của Brazil sang châu Âu đạt 600 triệu lít, vượt kỷ lục xuất khẩu trước đó là 477 triệu lít vào năm 2010, khi nhu cầu của châu Âu đối với nhiên liệu sinh học này tăng trong bối cảnh giá khí đốt tự nhiên cao và những nỗ lực của EU nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng và từ bỏ hydrocarbon của Nga.
Xét đến các kế hoạch mở rộng quy mô và xuất khẩu hydro xanh sang châu Âu của Brazil, những mối quan hệ xuất khẩu mới về dầu mỏ và ethanol này có thể đặt nền móng cho tham vọng năng lượng sạch trong tương lai.
Trong khi đó, quốc gia Guyana nhỏ bé ở Mỹ Latinh tiếp tục đạt được mức tăng trưởng sản xuất dầu ấn tượng, giải phóng khối lượng rất cần thiết cho châu Âu. Quốc gia này đã tăng xuất khẩu dầu mỏ thêm 164% lên 265.693 thùng/ngày vào năm 2022, tăng từ 100.645 thùng/ngày vào năm 2021, trong đó châu Âu nhận 49% lượng dầu xuất khẩu này.
Triển vọng dài hạn của Guyana là lạc quan, khi công ty tư vấn Rystad Energy dự đoán quốc gia này sẽ tăng tổng sản lượng từ 360.000 thùng/ngày vào năm 2022 lên 830.000 thùng/ngày vào năm 2025, 1 triệu thùng/ngày vào năm 2030 và 1,7 triệu thùng/ngày vào năm 2035. Thật vậy, vị trí nằm gần châu Âu của Guyana đảm bảo an ninh nhu cầu dầu cho tương lai của khối.
Khối lượng tiềm năng bổ sung
Các nhà sản xuất dầu ở những thị trường mới nổi khác có tiềm năng tăng sản lượng, nhưng khối lượng và điểm đến xuất khẩu dự kiến, cũng như liệu các mục tiêu sản xuất có được thực hiện hay không, vẫn còn phải chờ xem.
Argentina là một trong những quốc gia hứa hẹn nhất, vì mỏ đá phiến Vaca Muerte quy mô lớn của nước này đã đi vào hoạt động sau nhiều năm phát triển. Sản lượng dầu phi truyền thống của quốc gia này đạt 282.000 thùng/ngày vào tháng 12 năm 2022 – mức cao nhất trong một tháng – tương đương 45% tổng sản lượng 622.500 thùng/ngày của Argentina trong tháng đó, thành tích tốt nhất của nước này kể từ năm 2009. Con số đề nghị xuất khẩu được nộp lên Bộ năng lượng liên bang nước này đã tăng lên 39 vào tháng 1, tăng từ 35 vào tháng 12 và 34 vào tháng 11, do các nhà sản xuất dự báo cơ hội xuất khẩu trong năm tới.
Nigeria, trước đây là một nước xuất khẩu sang châu Âu và châu Mỹ, cũng có thể đóng một vai trò quan trọng. Thứ Sáu tuần trước, giám đốc điều hành của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Nigeria đã thông báo sản lượng hàng tháng của công ty đạt 1,6 triệu thùng/ngày, tăng từ dưới 1 triệu thùng/ngày vào tháng 7 năm ngoái, thời điểm xuất khẩu của nước này đạt mức thấp nhất trong 25 năm do nạn trộm cắp dầu. Số lượng giàn khoan dầu của Nigeria hiện ở mức 13, mức cao nhất kể từ tháng 1 năm 2020.
Tìm cách tận dụng nhu cầu cao hơn đối với các sản phẩm tinh chế sau lệnh cấm của EU, Trinidad và Tobago gần đây đã mời các nước láng giềng giàu dầu mỏ Guyana và Venezuela lọc dầu thô tại nước này và có một nhà máy lọc dầu 140.000 thùng/ngày sẵn sàng cho nhiệm vụ này.
Tuy nhiên, một số nước Mỹ Latinh đang rút lui khỏi thị trường xuất khẩu dầu mỏ. Mexico, từng là nhà sản xuất hàng đầu của Mỹ Latinh, hiện là nhà nhập khẩu ròng và xuất khẩu trung bình động ba tháng của nước này đã giảm 5,5% qua từng thành trong tháng 12. Trong khi đó, Tổng thống Colombia Gustavo Petro - người đã vận động vào năm ngoái để đưa đất nước thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn thu từ nhiên liệu hóa thạch và phát triển nông nghiệp, năng lượng tái tạo và du lịch - đã tăng thuế đối với ngành dầu mỏ và cam kết ngừng cấp phép thăm dò dầu khí mới kể từ khi ông lên nắm quyền hồi tháng 8.
Nguồn tin: Oxford Business Group
© Bản tiếng Việt của xangdau.net