Lệnh cấm xuất khẩu dầu diesel và xăng tạm thời của Nga - nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt cung trong nước và giá cả tăng vọt - có thể làm trầm trọng thêm thị trường dầu diesel toàn cầu vốn đã thắt chặt và đẩy giá dầu thô và sản phẩm chưng cất trung gian lên cao hơn nữa trước mùa đông.
Và việc nới lỏng lệnh cấm dầu diesel loại chất lượng thấp sẽ không giúp được nhiều cho tình trạng thắt chặt.
Hầu hết các nhà phân tích tin rằng lệnh cấm sẽ không kéo dài vì nó sẽ dẫn đến sự gia tăng tồn kho ở Nga, nơi thiếu khả năng lưu trữ dự phòng. Nhưng nhiều nhà quan sát cũng tin rằng Nga lại đang vũ khí hóa nguồn cung năng lượng, cố gắng thúc đẩy nỗ lực kiềm chế lạm phát của ngân hàng trung ương các nước trước một mùa đông nữa.
Lệnh cấm
Vào cuối tuần trước, Nga đã gây ngạc nhiên cho thị trường khi tuyên bố lệnh cấm xuất khẩu xăng và dầu diesel tạm thời để ổn định giá nhiên liệu trên thị trường nội địa trong bối cảnh giá tăng vọt và thiếu hụt cung do giá dầu thô lên cao và đồng rúp Nga suy yếu.
Xuất khẩu dầu diesel và xăng hiện bị tạm thời cấm đối với tất cả các quốc gia ngoại trừ bốn quốc gia thuộc Liên Xô cũ là Belarus, Armenia, Kazakhstan và Kyrgyzstan. Các hạn chế xuất khẩu không có ngày kết thúc, vì vậy Moscow có thể quyết định dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu nhiên liệu hoặc sửa đổi lệnh này bất cứ lúc nào nếu muốn.
Đầu tuần này, Nga đã điều chỉnh các hạn chế xuất khẩu nhiên liệu, dỡ bỏ lệnh cấm tạm thời xuất khẩu dầu diesel và nhiên liệu hàng hải chất lượng thấp, đồng thời cho phép xuất khẩu các nguồn cung nhiên liệu đã có giấy tờ bốc hàng và được chấp nhận xuất khẩu để tiếp tục quy trình.
Câu hỏi quan trọng đặt ra là lệnh cấm xuất khẩu dầu diesel sẽ kéo dài bao lâu. Nếu kéo dài hơn tháng 10, nó có thể đe dọa đến tình trạng thiếu hụt sản phẩm chưng cất trung gian trầm trọng hơn trên toàn cầu, đặc biệt là ở châu Âu ngay trước mùa sưởi ấm mùa đông khi nhu cầu sản phẩm chưng cất trung gian thường tăng cao.
Thị trường
Kể từ khi EU, Mỹ và các đồng minh phương Tây khác cấm nhập khẩu nhiên liệu đường biển của Nga vào tháng 2, Moscow đã xuất khẩu xăng và dầu diesel sang Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Đông và Nam Mỹ. Những thị trường này hiện tạm thời không còn giới hạn đối với dầu diesel và xăng của Nga. Ví dụ, Ả Rập Saudi được cho là đã mua dầu diesel của Nga với giá thấp nhất và vận chuyển dầu diesel của mình sang châu Âu. Với lệnh cấm xuất khẩu dầu diesel kéo dài hơn dự kiến, Nga có thể gián tiếp thắt chặt hơn nữa thị trường dầu diesel ở châu Âu và châu Á.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết trong báo cáo hàng tháng mới nhất rằng trước lệnh cấm xuất khẩu nhiên liệu Nga, lợi nhuận của các nhà máy lọc dầu đã đạt mức cao nhất trong 8 tháng vào tháng 8, khi các nhà máy lọc dầu đang chật vật để theo kịp tốc độ tăng trưởng nhu cầu dầu, đặc biệt là đối với các sản phẩm chưng cất trung gian.
Viktor Katona, nhà phân tích chính của Kpler, đã viết trong một ghi chú hôm thứ Sáu được CNBC trích dẫn rằng sẽ mất tới hai tuần để thị trường cảm nhận được tác động của lệnh cấm xuất khẩu dầu diesel của Nga.
“Tuy nhiên, vào thời điểm đó, chính phủ có thể đã dỡ bỏ điều luật cụ thể này, đột ngột như khi nó được công bố,” Katona lưu ý.
Hầu hết các nhà phân tích đều đồng tình rằng lệnh cấm xuất khẩu sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và được dỡ bỏ đột ngột như lệnh cấm được thực hiện ngay lập tức vào thứ Năm tuần trước.
“Tác động nghiêm trọng từ việc mất số lượng dầu diesel của Nga trên thị trường toàn cầu sẽ thực sự phụ thuộc vào lệnh cấm xuất khẩu được áp dụng trong bao lâu. Mặc dù, với tồn kho trong nước có khả năng sẽ tăng do lệnh cấm, chúng tôi không nghĩ lệnh cấm sẽ kéo dài,” Warren Patterson, Giám đốc Chiến lược Hàng hóa tại ING, viết vào thứ Sáu.
Cũng trong ngày thứ Sáu, các nhà tư vấn tại FGE lưu ý rằng “Một điểm quan trọng cần ghi nhớ là lệnh cấm diesel không thể kéo dài. Một khi nguồn cung trong nước được bổ sung, Nga sẽ phải tiếp tục xuất khẩu do thiếu công suất kho chứa dự phòng”.
Nếu Nga không sớm dỡ bỏ lệnh cấm diesel, các nhà máy lọc dầu sẽ buộc phải đóng cửa do không còn khả năng dự trữ. Do đó, những hạn chế xuất khẩu sẽ gây tác dụng ngược với Nga thông qua giá xăng cao hơn và tình trạng thiếu nhiên liệu trong nước - những vấn đề mà Moscow đang cố gắng giải quyết bằng lệnh cấm, theo FGE.
Việc đóng cửa nhà máy lọc dầu cũng có thể dẫn đến sản lượng dầu thô ở Nga giảm.
FGE cho biết hôm thứ Sáu: “Chúng tôi dự kiến xuất khẩu dầu diesel của Nga sẽ khôi phục muộn nhất trong hai tuần nữa và có thể sớm hơn”, đồng thời cho biết thêm rằng lệnh cấm xăng có thể kéo dài hơn lệnh cấm dầu diesel, nhưng có tác động nhỏ đến thị trường xăng nói chung.
JP Morgan và Citigroup cũng cho rằng lệnh cấm dầu diesel chỉ trong thời gian ngắn. Các nhà phân tích của JP Morgan nhận thấy các hạn chế xuất khẩu dầu diesel sẽ kéo dài “vài tuần, cho đến khi vụ thu hoạch kết thúc vào tháng 10”.
Trò chơi vũ khí năng lượng
Các nhà phân tích cho rằng lệnh cấm cũng có thể là một nỗ lực của Nga nhằm vũ khí hóa năng lượng một lần nữa.
Henning Gloystein tại Eurasia Group nói với Financial Times: “Nga đang cho thấy rằng họ vẫn chưa ngừng sử dụng quyền lực của mình trên thị trường năng lượng”.
Các nhà phân tích tại RBC Capital Markets cho biết, các hạn chế xuất khẩu có thể có động cơ chính trị vì thời điểm diễn ra ngay trước mùa đông.
Lệnh cấm có thể “làm giảm bớt một số sự tự mãn đã len lỏi vào thị trường về mối đe dọa gián đoạn từ Nga”, các nhà phân tích của RBC trong đó có Helima Croft và Christopher Louney đã viết trong một ghi chú được Bloomberg đăng tải.
Nguồn tin: xangdau.net